Nhân dân Hà Tĩnh thực hiện nghị quyết TW 4
Nhìn thẳng vào sự thật
Buổi làm việc giữa chúng tôi với các đồng chí trong Thường trực Ðảng ủy xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân) diễn ra ngắn gọn, nhưng để lại ấn tượng khó quên bởi sự thẳng thắn, trung thực và cả hành động "tự sửa mình" khá dũng cảm của họ. Khi chia tay, đồng chí Phan Mạnh Quyền, Bí thư Ðảng ủy xã, xúc động nói: "Từ bữa đó đến giờ, dân ai cũng thương tui".
Từ ngày 13 đến ngày 19-12-2012, Ban Thường vụ Ðảng ủy xã Xuân Viên tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. Trong sáu ngày đó, căn cứ vào những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã cùng những gợi ý sát, đúng của cấp trên, năm đồng chí trong Ban Thường vụ Ðảng ủy xã đã nói thẳng, nói thật và nói hết những ưu điểm, khuyết điểm của nhau và của cả tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Ðảng ủy xã đã chỉ rõ, người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết đã triển khai, trong một số nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đã không phát hiện những sai sót để kịp thời chấn chỉnh như, tham mưu sai thông báo giá đất tuyến 2 Ðồng Nhôn năm 2010, đất Múi ngoài sân bóng thôn 8, thực hiện vận động đóng góp tự nguyện xây dựng cơ sở hạ tầng không đúng quy trình gây dư luận không tốt trong nhân dân... Một số đồng chí vi phạm khuyết điểm trong giao đất năm 2010. Sau khi kiểm điểm, với tinh thần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã đã tự nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Tiếp theo đó, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã cũng tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã nhận mức kỷ luật là khiển trách. Việc xử lý những sai phạm đó như thế nào còn phải chờ kết luận từ các cơ quan chức năng, nhưng việc tự nhận hình thức kỷ luật một cách thành khẩn cả trong nhận thức là đáng hoan nghênh. Kết quả kiểm điểm đó được thông báo rộng rãi trong toàn xã. Người dân Xuân Viên trước đó không lâu tỏ rõ tâm trạng bất bình vì những hành vi, việc làm sai trái của một số cán bộ xã bỗng lắng dịu lại. Ở một số xã khác, có những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong nhân dân như Xuân Lĩnh, Xuân Mỹ, Cương Gián, Xuân Ðan... thì qua đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình vừa rồi, đội ngũ cán bộ xã cũng đã thẳng thắn nhìn rõ khuyết điểm và tập trung xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.
Sở dĩ cán bộ xã Xuân Viên dám nhìn thẳng thiếu sót, khuyết điểm của mình tự đề xuất hình thức kỷ luật đối với bản thân là vì, trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Xuân, trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cũng đã làm gương cho cấp dưới noi theo. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Lê Duy Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, người tại buổi kiểm điểm đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì để xảy ra sai sót, khuyết điểm trong lĩnh vực được giao phụ trách trên địa bàn huyện, đã nói rất thật: "Ðể xảy ra sai sót trong lĩnh vực mình được giao phụ trách thì phải nhận trách nhiệm, khuyết điểm là lẽ đương nhiên". Còn Ban Thường vụ Huyện ủy, trong khi tự phê bình và phê bình cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, một số đồng chí Ủy viên Thường vụ được phân công chỉ đạo, phụ trách trên lĩnh vực chưa làm hết trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, để cho lĩnh vực phụ trách trì trệ, hoặc trong phân công phụ trách chỉ đạo cơ sở thiếu sâu sát; không nắm bắt được kịp thời tình hình, chưa giúp được cơ sở nhiều trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dẫn đến uy tín thấp. Ðó là nguyên nhân chủ yếu khiến cho một số vụ việc nổi cộm, bức xúc trong nhân dân về quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, tái định cư... chưa được tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời. Nhiều vụ việc còn để kéo dài nhiều năm gây mất lòng tin trong nhân dân, nảy sinh đơn, thư khiếu kiện. Năm qua, bộ máy lãnh đạo của huyện Nghi Xuân có sự thay đổi, hai đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện được điều động, luân chuyển đi nơi khác, cho nên những người ở lại chủ động nhận trách nhiệm về những yếu kém đó. Ðồng chí Hà Văn Châu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy tâm sự với chúng tôi: "Khi tiến hành tự phê bình và phê bình có đề cập đến trách nhiệm của các đồng chí đó, nhưng mình là người ở lại và cũng có liên quan nên chủ động đứng ra nhận trách nhiệm để rút kinh nghiệm giải quyết những việc còn tồn đọng. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng nếu không có sự trung thực, lòng dũng cảm thì không dễ gì làm được những điều tưởng như là "lẽ đương nhiên" đó.
Vậy là, ở những nơi chúng tôi có dịp tiếp xúc, gặp gỡ và làm việc, nhờ có sự thẳng thắn, trung thực và dũng cảm, các đồng chí ủy viên cấp ủy đã thực hiện được phần việc rất quan trọng và không kém phần khó khăn như Nghị quyết đề ra, đó là nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế.
Kiểm điểm gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc
Trong nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, Nghị quyết T.Ư 4 yêu cầu quá trình kiểm điểm cần liên hệ, gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành, cơ quan hoặc địa phương. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho chúng tôi biết: Sau khi tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình một cách sâu sắc, giải trình một cách đầy đủ, nghiêm túc các góp ý đối với Ban Thường vụ, Tỉnh ủy đã xác định rõ những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân cần tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm từng việc một.
Trước hết là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ðây là vấn đề tồn tại đã 20 năm nay, kể từ ngày tỉnh Hà Tĩnh được tái lập. Toàn tỉnh có tới gần mười nghìn trường hợp được UBND cấp xã và các tổ chức khác giao đất làm nhà ở trái thẩm quyền. Vì trái thẩm quyền nên không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ. Việc không có sổ đỏ đã khiến cho gần mười nghìn hộ dân gặp không ít khó khăn trong việc sang nhượng quyền sử dụng đất đai hoặc dùng để thế chấp ngân hàng vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và dùng vào các việc khác. Nhân dân đã nhiều lần yêu cầu chính quyền và các cơ quan chức năng giúp đỡ và có hướng xử lý, nhưng chưa được giải quyết. Ðiều này đã gây bức xúc kéo dài trong nhiều năm qua. Xác định đây là vấn đề nổi cộm, bức xúc cần làm ngay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra văn bản kết luận về vấn đề này và chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND các cấp và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xem xét và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục cần thiết, hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp sổ đỏ theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả là, đến ngày 18-12-2012 đã có 8.010/9.730 trường hợp đã hoàn thiện hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng thẩm quyền, đúng đối tượng. Vậy là, nhờ có Nghị quyết T.Ư 4 về Xây dựng Ðảng mà việc gây khó khăn, bức xúc trong dân kéo dài hàng chục năm qua đã được giải quyết dứt điểm trong vòng vài tháng.
Thật khó mà diễn tả được hết niềm vui của người dân trước sự việc này. Ông Võ Ngọc Quý ở xóm 12, xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc) khoe với chúng tôi rằng, nhà ông đã hoàn thiện hồ sơ trình lên huyện rồi, chỉ mươi bữa nữa là có sổ đỏ lận lưng. Ước mơ và cũng là nỗi lo lắng của cả gia đình ông đeo đẳng bao năm qua giờ đã được gỡ bỏ. Vui thật đấy, nhưng ông vẫn không quên nhắc lại trong tiếc nuối: Giá mà có sổ đỏ sớm hơn chút nữa thì ông đã có thể thế chấp ngân hàng vay ít tiền cho con đi xuất khẩu lao động, qua đó có thêm thu nhập. Cả xã Vượng Lộc có 38 hộ gia đình cùng được hưởng niềm vui như gia đình ông Quý.
Can Lộc là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành 100% hồ sơ cấp sổ đỏ cho dân. Ðồng chí Bí thư Huyện ủy Can Lộc Bùi Ðức Hạnh nói: Ngay khi Tỉnh ủy có chủ trương, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo rất sát sao. Ðối với người nông dân, có hai thứ quý giá là gia phả và giấy tờ về ruộng đất. Vậy mà bao năm qua chúng ta đã để họ phải lao tâm khổ tứ vì chưa có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ðó là một lỗi lớn, nên khi có điều kiện là chúng tôi tập trung khắc phục ngay.
Cùng với đó, các cấp ủy ở Hà Tĩnh tập trung xử lý rốt ráo thêm một số vấn đề nổi cộm mà nhân dân đang bức xúc như: Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn sử dụng đất sai mục đích; một số cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có nhiều vi phạm trong quản lý tài chính, đất đai, đạo đức lối sống chậm được xử lý. Sau vài tháng ra quân, đến nay, Hà Tĩnh đã thu hồi được gần 30 ha đất mà các cơ quan, đơn vị đã sử dụng không đúng với quy định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã và đang xem xét, xử lý kỷ luật tám cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý vì đã vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm. Tỉnh ủy Hà Tĩnh thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang như tổ chức chào cờ vào sáng thứ hai của tuần đầu tiên trong tháng ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để dưới cờ kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, thiếu sót trong đội ngũ của tháng qua và triển khai nhiệm vụ tháng tới; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 35 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là việc nghiêm cấm uống rượu, bia vào bữa trưa và trong giờ làm việc...
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định, nhờ thực hiện đúng phương châm "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh... nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất", nên việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng ở tỉnh Hà Tĩnh, bước đầu đã đạt được một số kết quả thiết thực, nhất là trong thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Các cá nhân, tập thể đã trung thực, thẳng thắn, dũng cảm nhìn nhận đúng khuyết điểm, tự đề ra hình thức kỷ luật để sửa mình, từng bước loại bỏ những yếu tố yếu kém, bất cập để xây dựng đội ngũ ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Hồng Lĩnh (Theo Nhân Dân)
End of content
Không có tin nào tiếp theo