Xã hội

Nhãn năng lượng xe con chỉ dán để... biết

Đã và đang có những băn khoăn xung quanh quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng trên ôtô con, trong đó, nhiều câu hỏi từ phía người tiêu dùng cần được trả lời một cách thỏa đáng.

Trong khi nhiều loại thuế, phí đang đổ lên đầu người tiêu dùng ôtô thì khi thực hiện các quy định nêu trên, sẽ có thêm một loại chi phí nữa mà người tiêu dùng phải gánh.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện dự thảo thông tư về kiểm tra, chứng nhận và dán nhãn năng lượng cho ôtô chở người từ 7 chỗ ngồi trở xuống loại mới. Điểm mấu chốt ở bản dự thảo này là nội dung về mức tiêu thụ nhiên liệu của từng kiểu loại xe được ghi trên nhãn năng lượng.

Điều khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn là nhãn năng lượng có ý nghĩa thế nào, mục đích cụ thể ra sao khi chỉ các loại xe từ 7 chỗ trở xuống phải dán trong khi các loại xe trên 7 chỗ, xe tải, xe chuyên dụng không phải dán nhãn.
 
Việt Nam là một trong 141 quốc gia ký kết Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực từ năm 2005 đến năm 2012 và được gia hạn từ năm 2013 đến năm 2020. Như vậy, có thể hiểu trong khoảng thời gian đến năm 2020, Chính phủ sẽ buộc phải có các quy định cụ thể về kiểm soát năng lượng, hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
Tuy nhiên, các quy định tại bản dự thảo thông tư dường như chưa cho thấy rõ mục tiêu này. Khi nhận được thắc mắc từ báo giới, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (đơn vị trực tiếp thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và cấp phôi nhãn năng lượng) cũng chưa giải thích được cặn kẽ.
 
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết mục đích của việc dãn nhãn năng lượng là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu sử dụng cho phương tiện, qua đó thúc đẩy các nhà sản xuất nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế tạo ôtô để sản xuất những xe tiêu thụ ít nguyên vật vật liệu và nhiên liệu. Tiết kiệm nhiên liệu còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.
 
Vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm và băn khoăn là “động tác” dãn nhãn năng lượng thực tế không thể tác động vào mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu hay giảm lượng khí phát thải ra môi trường.
 
Cũng chính vị đại diện ngành đăng kiểm cho rằng việc dán nhãn năng lượng là “để người tiêu dùng có thể xem, tham khảo, so sánh mức tiêu thụ nhiên liệu của xe mình quan tâm. Nhãn không phục vụ kiểm soát khi xe lưu thông trên đường, không nhất thiết phải dán trên kính chắn gió phía trước”.
 
Vậy thì, nếu chỉ dán… để biết thì xem ra nhãn năng lượng theo quy định tại dự thảo lại không mang nhiều ý nghĩa.
 
Bởi lẽ, mỗi người tiêu dùng đều có thể tham khảo mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe mình quan tâm từ chính những kết quả thử nghiệm của nhà sản xuất. Những kết quả đó luôn được thực hiện theo những quy chuẩn ngặt nghèo mà các tập đoàn lớn đưa ra và được thống nhất trên mọi thị trường mà loại xe đó được bán, cho dù nó sẽ không thể hoàn toàn phản ánh đúng mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế khi sử dụng bởi nhiều điều kiện khác nhau như môi trường, mặt đường, thói quen lái xe và kể cả chất lượng nhiên liệu…
 
Về mức tiêu thụ nhiên liệu ghi trên nhãn, con số được công bố liệu có chính xác hoặc sẽ chênh lệch so với thực tế ra sao? Bởi hiện nay, bản thân các nhà sản xuất ôtô hàng đầu vẫn chỉ đưa ra các con số được thực hiện trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn của hãng chứ không công bố như mức tiêu thụ nhiên liệu chuẩn của xe khi vận hành trong điều kiện giao thông bình thường. Ngay trên nhiều mẫu xe đời mới hiện nay đã được trang bị các tính năng đo lường về mức tiêu thụ nhiên liệu theo từng điều kiện vận hành khác nhau song chính các nhà sản xuất cũng khuyến cáo rằng các thông số đó chỉ để tham khảo.
 
Cũng có ý kiến cho rằng, cơ sở vất chất và kỹ thuật trong công tác đăng kiểm hiện nay vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng hết yêu cầu khi thực hiện hoạt động đăng kiểm và cấp sổ đăng kiểm. Bên cạnh đó, với điều kiện thử nghiệm, cơ sở vật chất khác nhau thì kết quả thử nghiệm chắc chắn sẽ khác nhiều so với kết quả thử nghiệm ngặt nghèo của nhà sản xuất. Chẳng hạn, khi thử nghiệm về tính năng an toàn và tiêu thụ nhiên liệu, các nhà sản xuất lớn luôn đưa xe ra các đường thử nội bộ tiêu chuẩn. Tại Việt Nam hiện chưa có đường thử nào đạt tiêu chuẩn như vậy.
 
Tham khảo ý kiến một số người tiêu dùng cũng thấy đa phần đều cho rằng nhãn năng lượng này dường như sẽ bị thừa, khi mỗi chiếc xe bán ra thị trường đều đã có sổ đăng kiểm ghi chi tiết các thông số. Và tại sao lại phải dán nhãn trên xe chứ không thêm một hạng mục ngay trong sổ đăng kiểm.
 
Chưa kể, trong khi nhiều loại thuế, phí đang đổ lên đầu người tiêu dùng ôtô thì khi thực hiện các quy định nêu trên, sẽ có thêm một loại chi phí nữa mà người tiêu dùng phải gánh. Hiện trong bản dự thảo chưa đưa ra mức phí dự kiến cho nhãn năng lượng.
 
Theo trả lời của ông Nguyễn Hữu Trí, việc dán nhãn năng lượng sẽ do doanh nghiệp sản xuất lắp ráp hoặc nhập khẩu thực hiện. “Chi phí dãn nhãn không lớn đối với các sản phẩm nhập khẩu, sản xuất lắp ráp hàng loạt vì theo đề xuất, chỉ thực hiện kiểm tra đối với mẫu đại diện và là điều thuận lợi đối với các hãng sản xuất xe có đầu tư công nghệ, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, tính cạnh tranh cao”.
 
Tuy nhiên, với người tiêu dùng thì lại khác. Dù việc dãn nhãn năng lượng sẽ do các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện song cuối cùng, người tiêu dùng vẫn là đối tượng phải gánh chi phí.
 
Theo tìm hiểu của VnEconomy, đối với nhãn đăng kiểm dán trên xe mới hiện nay, mỗi năm các hãng xe lớn tại Việt Nam đều phải chi hàng tỷ đồng tiền mua phôi, thậm chí như Toyota mỗi năm phải chi đến 10 tỷ đồng. Do vậy, trong bối cảnh người tiêu dùng đang cùng lúc phải chịu nhiều loại thuế, phí như hiện nay, thêm một loại chi phí nữa dù “không lớn” cũng vẫn sẽ là một gánh nặng.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo