Nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao: Rủi ro tiềm ẩn
Theo số liệu của Bộ Công Thương, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trong những năm gần đây luôn ở mức trên 10 tỷ USD.
Trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao thì lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường có công nghệ cao như Nhật Bản, Mỹ, EU lại không tương xứng. 9 tháng qua, lượng hàng nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản chỉ đạt 1,2 tỷ USD, Mỹ 806 triệu USD. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được công nghệ sản xuất chất lượng cao từ Mỹ, Nhật, châu Âu như chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương đề ra.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một số bất lợi cho Việt Nam. Hàng hóa thực phẩm, trái cây giá rẻ tràn vào nhưng lại không được kiểm soát tốt về chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang có chiến lược "đẩy" hàng ngàn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhập siêu cả nước giảm nhưng nhập siêu từ Trung Quốc lại tăng cho thấy việc lệ thuộc đầu vào từ một thị trường sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nếu thị trường đó có biến động.
Trái cây giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào nước ta nhưng lại không được kiểm soát tốt về chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Đâu là nguyên nhân?
Theo ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, 90% lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất trong nước. Đối với nhóm hàng hoá máy móc thiết bị, do giá cả phù hợp với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp và tiêu chuẩn chất lượng không đòi hỏi khắt khe nên các doanh nghiệp trong nước có xu hướng chọn nhập các loại máy móc thiết bị từ Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục trúng thầu các công trình và dự án lớn, thực hiện theo hình thức làm trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm thiết bị đến xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng các công trình đều phải nhập thiết bị đầu vào từ Trung Quốc, qua đó làm tăng áp lực đối với nhập siêu.
Để hạn chế nhập siêu, thu hẹp cán cân thương mại hai nước, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, biện pháp quan trọng hàng đầu là tăng nhanh xuất khẩu. Để làm được điều này, ngành công thương sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đưa ra một số giải pháp kiểm soát nhập khẩu một cách có hiệu quả thông qua chính sách thuế, các biện pháp thương mại công bằng, các biện pháp phi thuế quan.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng nhanh lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này, ngành công thương cần đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ nên đề ra cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó kêu gọi các doanh nghiệp ở nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản... đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Thảo Nguyên (Theo KTĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo