Nhập siêu và câu chuyện tỷ giá
Chuyện cán cân ngoại thương cả nước quí 1-2015 ngả sang nhập siêu 1,8 tỷ USD là điều được báo trước, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính khiến cho tỷ giá trong thời gian qua biến động mạnh. Vậy điều gì khiến cho đồng USD tăng giảm khó lường?
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI tiếp tục xuất siêu khoảng 2 tỷ USD, nhưng khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu đến tới 3,8 tỉ USD. Điều này đã khiến cho cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu.
Ngày 17-4 Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng 1 USD có giá 21.458 đồng. Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 21.575 – 21.613 đồng/USD tăng 5 đồng cho cả chiều mua và chiều bán.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá VND/USD trong khoảng 1 tháng trở lại đây đã tăng mạnh và vẫn neo ở sát mức trần cho phép trên thị trường chính thức. Những biến động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ quốc tế đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu trong thời gian qua đã nhiều lần đưa ra kiến nghị, cần thay đổi chính sách điều hành tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gỗ và lâm sản cho hay, riêng quý I/2015 xuất khẩu gỗ lại giảm tới trên 6%. Ngoài lý do nhu cầu gỗ sút giảm, đồng euro mất giá thảm hại trong khi tỷ giá USD trong nước đứng im cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ vào EU chững lại. Nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước ta như nông lâm sản, khoáng sản, dầu khí, thủy sản... đang than khổ. Bởi đây là những ngành xuất siêu lớn. Và câu chuyện này liệu được giải quyết như thế nào? Liệu nhập siêu 1,8 tỷ USD trong thời gian qua có là tội đồ khiến tỷ giá dậy sóng?
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính tính toán: Khi tỷ giá tăng 1%, xuất khẩu chỉ tăng thêm 0,15% trong cùng năm đó. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 1,13%/năm, do khi tăng tỷ giá khiến lợi nhuận của các hoạt động xuất khẩu gia tăng và khuyến khích các nguồn lực chuyển từ khu vực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước sang khu vực sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Song câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất và khó lý giải tại sao đồng USD vẫn lên giá? Dù NHNN công bố vẫn điều hành chính sách tỷ giá theo cam kết không tăng quá 2% trong năm nay nhưng sóng tỷ giá vẫn ngầm xuất hiện. Có thời điểm đồng USD ngoài thị trường tự do chạm ngưỡng 21.800 đồng/USD. Dù nguồn cung USD được ngân hàng khẳng định không thiếu nhưng tỷ giá vẫn tăng? Kể cả khi kho dự trữ ngoại hối theo khẳng định của NHNN vẫn khá ổn định.
Theo lý giải của TS. Độ, thị trường đang có vẻ chờ đợi một quyết định điều chỉnh tỷ giá từ phía NHNN. Ông Độ dự đoán: "Sự chờ đợi này có thể xuất phát từ những suy luận là đồng USD đang lên giá mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”.
Và theo quan điểm của NHNN, sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ xuất khẩu. Do vậy tâm lý chờ đợi sẽ tiếp tục kéo dài. Thị trường cũng có một khoảng trống để đầu cơ. Có thể điều này khiến cho tỷ giá trong thời gian qua tăng 1-2 đồng/ USD.
Theo Đại Đoàn Kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo