Quốc tế

Nhật Bản: Triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn "sát mức 0"

(DNVN)-Mặc dù kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm nay, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thông tin xấu. Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra cảnh báo rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á sẽ chậm lại trong thời gian tới.

Kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,4% trong 3 tháng đầu năm nay, đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng. Điều này cho thấy đà phục hồi đã cải thiện bất chấp lĩnh vực chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn ở mức thấp.

Mức tăng trưởng 2,4% trong quý I năm 2015 phản ánh sự gia tăng hàng tồn kho bắt nguồn từ sự sụt giảm nhu cầu theo sau đợt tăng thuế tiêu thụ hồi tháng Tư năm ngoái. Đầu tư vào lĩnh vực nhà ở tăng 7,5% cũng góp phần vào mức tăng trưởng GDP của đất nước Mặt trời mọc.

Ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế đến từ JPMorgan chi nhánh Tokyo nhận định, xu hướng chung của nền kinh tế là tích cực. Chi phí nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt ở mức thấp do giá dầu thô lao dốc cũng là một nhân tố tác động tích cực đến dữ liệu GDP.

Mức tăng trưởng 0,6% trong 3 tháng đầu năm 2015 so với quý trước đánh dấu kinh tế tăng trưởng trong hai quý liên tiếp. Trước đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự báo, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khoảng 1,5% trong quý I năm nay. Thông tin GDP đã có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 1% lên 20.231 điểm. Gần đây, chỉ số này đã chạm mức 20.000 điểm lần đầu tiên trong 15 năm, do được thúc đẩy bởi lợi nhuận cao của các doanh nghiệp và việc các nhà đầu tư đổ tiền vào kênh chứng khoán.

Theo chuyên gia kinh tế chiến lược cao cấp của công ty chứng khoán Daiwa, Takuya Takahashi dữ liệu tăng trưởng kinh tế trong quý I và thu nhập theo năm tài khóa của các doanh nghiệp đến tháng 3/2015 nhìn chung là rất tốt, và điều đó sẽ đem lại sự lạc quan cho kinh tế Nhật Bản trong cả năm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, hiện vẫn có ít tín hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu kinh doanh tăng lên để hỗ trợ đà phục hồi bền vững.

 

 

Kinh tế Nhật Bản vẫn còn nhiều gam màu xám

Chuyên gia Marcel Theliant đến từ Capital Economics cũng có cái nhìn tương tự: "Nhìn xa hơn một chút, một loạt các chỉ báo cho thấy kinh tế Nhật Bản sẽ chậm lại trong quý II. Do vậy, chúng tôi bám sát dự báo đưa ra trước đó rằng, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng sát mức 0 trong năm nay".

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù đang trên đà cải thiện tốt nhưng tăng trưởng của cả năm 2015 có thể không có nhiều thay đổi. Một loạt các chỉ số kinh tế, chẳng hạn như chỉ số PMI, chỉ số hàng tồn kho đang có dấu hiệu xấu đi; trong khi đó tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở mức yếu có thể ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng trong quý này. Hiện tại, PMI ở mức 4%, thấp hơn mức đỉnh ghi nhận trong tháng 1/2015 và chỉ số hàng tồn kho đang có xu hướng gia tăng.

Việc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe quyết định tăng thuế tiêu thụ từ mức 0,5% lên 0,8 đã đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước đi xuống. Mặc dù quyết định này là một trong những giải pháp trực tiếp làm giảm áp lực nợ công của Nhật Bản nhưng lại có mặt trái là tạo ra nguy cơ triệt tiêu động lực tăng trưởng của chính sách kinh tế táo bạo mang tên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe. Hiện vẫn chưa rõ rằng liệu việc tăng tiền lương từ các công ty lớn của Nhật Bản được công bố hàng năm có thể thúc đẩy sức mua trong nền kinh tế hay không. Theo khảo sát của chuyên gia kinh tế trưởng của IHS Economics, Harumi Taguchi thì sức mua của các hộ gia đình vẫn còn yếu do việc tăng lương đang ở mức thấp.

Chỉ số về lạm phát cũng là một gam màu xám trong bức tranh kinh tế của Đất nước Mặt trời mọc. Dù mức lạm phát mục tiêu mà NHTW Nhật Bản đặt ra trong năm nay là 2% nhưng trong tháng 3/2015, mặc dù là tháng đầu tiên tăng tốc trong 10 tháng trở lại đây nhưng mới chỉ tăng ở mức rất thấp là 0,2%.

Có thể nói, mặc dù bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản vừa xuất hiện những gam màu sáng, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể hồi phục đà tăng trưởng vững chắc. Trong đó, phải tăng niềm tin tiêu dùng khi tiêu dùng cá nhân vốn đóng góp 60% GDP. Thậm chí đã có những cảnh báo rằng trong năm 2015 kinh tế Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục suy thoái với mức tăng trưởng âm từ 0,7% đến 2,5%. Do vậy, thúc đẩy kinh tế sẽ vẫn là thách thức lớn với nội các của Thủ tướng Abe trong bối cảnh an ninh nhiều bất ổn như hiện nay.

NM (Theo CNN Money)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo