Nhật chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc
Quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo do tranh chấp lãnh thổ, người Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật và kiểm tra hải quan gay gắt hơn... đang là những tín hiệu đáng lo ngại với các doanh nghiệp Nhật làm ăn ở Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp của đất nước “Mặt trời mọc” đang tính chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc và điểm đến sẽ là một số nước ASEAN.
Những cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra khắp Trung Quốc thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 9 vừa qua kèm theo việc người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa Nhật, đập phá các nhà máy... đáp lại việc Tokyo quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Rủi ro gia tăng tại Trung Quốc
Nhiều nhà máy của Nhật Bản tại Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa do làn sóng biểu tình, gây tổn hại lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là ngành sản xuất ôtô.
Bước sang tháng 10 này, hầu hết các cơ sở sản xuất đã mở cửa trở lại, nhưng các công ty Nhật ở Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt quá nhiều khó khăn với hải quan, thị thực cho nhân viên và các vấn đề thủ tục khác.
Dù thương mại hai chiều Trung-Nhật đạt mức 342,9 tỷ USD trong năm ngoái, cho thấy thị trường Trung Quốc vô cùng quan trọng, song các doanh nghiệp Nhật vẫn phải cân nhắc lại chi phí và cơ hội làm ăn tại nước láng giềng của họ.
Takeshi Takayama, nhà kinh tế của Viện nghiên cứu NLI tại Tokyo bình luận: “Những cuộc biểu tình đã nhắc nhở các công ty Nhật về rủi ro với Trung Quốc. Không ai biết khi nào những cuộc biểu tình lại nổ ra trong tương lai gần”.
Takayama cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, vì khó có thể bỏ qua sức ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song, các công ty Nhật sẽ chuyển một phần đầu tư từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác.
Việc doanh nghiệp Nhật cân nhắc giảm bớt đầu tư tại Trung Quốc không chỉ do làn sóng chống Nhật bùng phát trong tháng 9 vừa qua. Hai năm trước, một tranh cãi ngoại giao liên quan tới quần đảo Senkaku cũng đã khiến Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, làm ảnh hưởng mạnh tới ngành sản xuất công nghệ cao tại nước này.
Quan hệ chính trị Trung - Nhật xấu đi đã buộc các nhà kinh doanh Nhật Bản cân nhắc việc “không cho trứng vào một giỏ” để hạn chế rủi ro.
Báo Yomiuri Shimbun trong bài xã luận đầu tuần này cảnh báo: “Nhiều khả năng các công ty sẽ giảm mạnh đầu tư ở Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác”.
Ngoài việc rủi ro đầu tư tại Nhật tăng cao, thì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá lao động tăng cũng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nữa.
Thêm cơ hội thu hút đầu tư cho ASEAN
Trong khi đó, các hãng sản xuất xe hơi lớn của Nhật như Toyota và Nissan vừa cho biết, họ sẽ giảm bớt sản xuất ở Trung Quốc vì cầu xe hơi Nhật giảm mạnh. Còn Hãng hàng không ANA tuyên bố đã nhận được 40.000 cuộc gọi hủy chuyến từ nay tới tháng 11, khi du khách từ cả hai nước tỏ ra lạnh nhạt với nhau.
Giới phân tích cho rằng, một khi doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc, các nước ASEAN sẽ được lợi. Dòng vốn đầu tư này sẽ dịch chuyển sang các nước như Thái Lan và Việt Nam, vốn là những nước đang thu hút đầu tư thay thế Trung Quốc. Trong khi Myanmar, Philippines cũng đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật.
Theo Yukio Suzuki, Trưởng nhóm phân tích ở Viện nghiên cứu đầu tư Belle tại Tokyo, có thể Myanmar sẽ là một điểm đến hứa hẹn với Nhật Bản. Trong những năm Myanmar bị cô lập, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với nước này. Mới đây, Nhật Bản đã tuyên bố xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD cho Myanmar.
Trong khi đó, Philippines không giấu giếm ý định “trải thảm đỏ” đón doanh nghiệp Nhật. Thứ trưởng Thương mại Philippines Cristino Panlilio vừa cho biết, chính phủ nước này đang mời gọi 15 công ty bị ảnh hưởng chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc tới Philippines.
Việc doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc sẽ là bất lợi với nền kinh tế đang suy giảm của nước này. Bởi, Nhật Bản luôn là nhà đầu tư hàng đầu tại Trung Quốc. Năm ngoái, các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư 6,3 tỷ USD vào Trung Quốc, tăng 50% so với năm trước đó.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo