Xã hội

Nhật ký tham nhũng đến án tử của Dương Chí Dũng

Cùng điểm lại toàn bộ sự vụ kể từ thời điểm vụ việc bắt đầu vỡ lở từ tháng 7.2011 để bạn đọc hiểu rõ hơn về vụ "đại án" tham nhũng của Dương Chí Dũng ở Vinalines.

Tháng 7.2011, Vinalines báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm lỗ hơn 600 tỉ đồng.

Tháng 8.2011, khởi nguồn là Báo Đất Việt bắt đầu nêu những nghi vấn về việc tham nhũng tại Vinalines bằng việc TCty này mua một số tàu biển về, nhưng không hoạt động được.
 
Tháng 9.2011, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định chính thức về việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines.
 
Ngày 14.11.2011, sau khi có sự chỉ đạo của UBKTTƯ về công tác phòng, chống tham nhũng, Cục Cảnh sát phòng, chống tham nhũng (C48) - Bộ Công an chính thức bắt tay vào điều tra vụ việc mua ụ nổi 83M của Vinalines.
 
 
Tháng 1.2012, Cơ quan CSĐT (C48) đã xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M, CQĐT xác định 4 đối tượng: Trần Hải Sơn - Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Văn Quang - Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng - cán bộ Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp - Giám đốc Công ty Nguyên Ân - đã lập 2 bộ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống trong việc sửa chữa ụ nổi 83M để chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng chia nhau .
 
Ngày 1.2.2012, C48 quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng trên.
 
Ngày 6.2.2012, khi C48 đang tiến hành điều tra vụ án “tham ô”, “cố ý làm trái…” tại Vinalines, ông Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinalines - được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 142 cho thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines để Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
 
Ngày 17.5.2012, C48 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Dương Chí Dũng; ông Mai Văn Phúc - nguyên TGĐ Vinalines, đương kim Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ GTVT; ông Trần Hữu Chiều - Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban QLDA Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam - để điều tra về hành vi "cố ý làm trái…".
 
Cùng ngày 17.5.2012, Dương Chí Dũng bỏ trốn.
 
Ngày 18.5.2012, C48 ra quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can Dương Chí Dũng.
 
Ngày 22.5.2012, C48 họp báo thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án tham ô tài sản, mở rộng điều tra sai phạm trong việc lựa chọn nhà thầu mua ụ nổi 83M và lập, phê duyệt dự án xây dựng nhà máy tàu biển phía nam xảy ra tại Vinalines. Theo kết luận ban đầum lãnh đạo Vinalines có các sai phạm như : Tự ý quyết định đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch và chưa trình Thủ tướng CP xem xét quyết định; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước khi mua sắm ụ nổi quá date 83M sản xuất từ năm 1965. Cũng tại cuộc họp báo này, C48 cũng cung cấp thông tin ban đầu về hành vi tham ô trong việc mua sắm thiết bị cho nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam.
 
Ngày 5.9.2012, Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ được Dương Chí Dũng đang lẩn trốn tại Phnom Penh, sau khi ông này bỏ trốn sang Mỹ nhưng không thành.
 
Ngày 14.10.2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) – Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “tham ô”, “cố ý làm trái…” xảy ra tại Vinalines và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện KSNDTC đề nghị truy tố Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng 8 đồng phạm khác về hai hành vi nêu trên.
 
Ngày 1.11.2013, Viện KSNDTC đã ra cáo trạng số 16/VKSTC-V1B truy tố Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và 8 đồng phạm khác về hai tội danh “tham ô” và “cố ý làm trái…”. Cáo buộc của Viện KSNDTC khẳng định Dương Chí Dũng và các đồng phạm đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 400 tỉ đồng trong việc mua ụ nổi quá date 83M để tham ô 1,666 triệu USD.
 
Ngày 12.12.2013, TAND TP.Hà Nội đưa vụ án HSST Dương Chí Dũng và đồng phạm phạm tội “tham ô”, “cố ý làm trái…” ra xét xử.
 
Ngày 16.12.2013, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tử hình về tội “tham ô”, 18 năm tù về tội “cố ý làm trái…”, tổng hợp hình phạt là “tử hình”. Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn yêu cầu Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người phải nộp lại số tiền đã tham ô là 10 tỉ đồng và bồi thường trách nhiệm đối với hành vi “cố ý làm trái...” - mỗi người 100 tỉ đồng.
 
Đến nay gia đình hai bị cáo này đều khẳng định sẽ có đơn kháng cáo; tuy nhiên, chưa ai biết rõ nội dung kháng cáo của các bị cáo này là gì.
 
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo