Quốc tế

Nhật- Trung- Hàn hoãn họp cấp bộ trưởng vô thời hạn

Ngày 8/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Naoko Saiki tuyên bố, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc có ý định tăng cường hoạt động hải quân, nhưng những hành động đó phải được thực hiện một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Căng thẳng Nhật -Trung- Hàn vẫn chưa lắng dịu

Việc hội nghị Bộ trưởng thường niên về du lịch giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 vừa bị hoãn vô thời hạn thực sự khiến dư luận trong khu vực quan tâm và lo lắng. Bởi điều này chứng tỏ, những tranh chấp biển đảo giữa 3 quốc gia kể trên vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản sẽ điều chỉnh lại thời gian biểu của hội nghị, vốn dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/11) tại thành phố Iwaki, tỉnh Fukushima. Động thái kể trên diễn ra đúng thời điểm quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc diễn tập chung trên biển nhằm đối phó với thảm họa trên biển. Cuộc diễn tập được tổ chức ở vùng biển ngoài khơi Shimonoseki, phía Tây Nhật Bản, với sự tham gia của 130 nhân viên của 2 nước.

Hoạt động này vẫn được tiến hành cho dù quan hệ song phương vẫn căng thẳng do tranh chấp tại quần đảo Takeshima/Dokdo chưa được giải quyết ổn thỏa. Ngày 8/11, ứng cử viên Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun Hye của đảng Saenuri cầm quyền đã bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Dokdo/Takeshima hiện do Seoul kiểm soát.

Trước đó, trong lời phát biểu khai mạc diễn đàn Quốc phòng Tokyo (tổ chức thường niên kể từ năm 1996) tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết (31/10), Tokyo muốn trao đổi quan điểm với Bắc Kinh tại diễn đàn lần này, nhưng đoàn đại biểu Trung Quốc không tham dự.

Dư luận cho rằng, sự vắng mặt của đoàn Trung Quốc là do căng thẳng tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang gia tăng. Cũng trong ngày 31/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tuyên bố, hiện vẫn chưa đến lúc để Tokyo và Bắc Kinh có những cuộc đối thoại song phương cấp cao nhằm giải quyết tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi “thời điểm vẫn chưa chín muồi".

Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/11, Cục Cảnh sát biển Nhật Bản theo dõi và phát hiện 4 tàu Hải giám Trung Quốc mang số hiệu 51, 66, 75 và 84 đã tiến vào vùng biển Hoa Đông phụ cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng 7/11.

Cảnh sát biển Nhật Bản đã phát tín hiệu cảnh báo yêu cầu tàu Hải giám Trung Quốc rời khỏi vùng biển Nhật Bản đang kiểm soát, nhưng bất thành. Cũng trong ngày 7/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Bắc Kinh chưa bao giờ thừa nhận Tokyo đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trung Quốc trì hoãn đàm phán về COC

Dư luận đang quan tâm tới thông tin được hãng tin Kyodo đăng tải khi dẫn lời một chính khách ASEAN (giấu tên) hôm 9/11 cho rằng, Trung Quốc đang trì hoãn các cuộc đàm phán soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nhằm ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên trong khu vực để giảm thiểu các vụ tranh chấp lãnh thổ và trên biển ở biển Đông.

Việc Trung Quốc chưa đồng thuận để ký COC là điều không khiến dư luận ngạc nhiên bởi những động thái trước đó của Bắc Kinh đã minh chứng nhận định này. Được biết, Trung Quốc không muốn bị ràng buộc bởi COC, nhưng Philippines cương quyết phản đối điều này.

Dư luận cho rằng, việc ký COC tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN dự kiến diễn ra tại Campuchia trong tháng 11 sẽ khó xảy ra. Giới truyền thông đưa tin, bản dự thảo COC từ Indonesia đã được trao đến tay tất cả các quốc gia ASEAN, nội dung bản dự thảo lần này gồm 9 điều và nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên ASEAN.

Ngày 7/11, hãng tin Reuters cho biết, Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung mới đưa ra bản dự thảo báo cáo, theo đó trong vòng 2 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ triển khai vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Mỹ thực sự lo ngại trước việc Trung Quốc có thể sở hữu bộ ba vũ khí hạt nhân, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và bom hạt nhân thả từ máy bay.

Điều đáng nói là hiện Trung Quốc vẫn đứng ngoài các quy ước về hạn chế và kiểm soát vũ khí quan trọng như Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) ký tháng 4/2010 và Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân tầm trung năm 1987.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo CAND)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo