Xã hội

Nhì nhằng thanh lý hợp đồng xuất khẩu lao động

Việc xuất khẩu lao động của nước ta trong những năm qua phát triển rất rầm rộ. Tuy nhiên, việc thanh lý hợp đồng giữa bên đưa người đi lao động ở nước ngoài và người lao động vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung.

Ngay sau khi người lao động về nước, mặc dù phía doanh nghiệp đã liên tục liên lạc, yêu cầu người lao động xuống làm việc để thực hiện thanh lý hợp đồng nhưng do bất đồng trong việc hỗ trợ, đền bù hợp đồng giữa hai bên nên vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Lỗi do người lao động không làm vừa lòng ông chủ?


Trả lời PV, bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc chi nhánh Công ty Đào tạo lao động Viet Com (thuộc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và Thương mại Viet Com) khẳng định: "Ngay sau khi sang Cộng hoà Síp, chị Nông Thị Thắm (trú tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã được bố trí về làm tại một trang trại tư nhân theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Khi mới sang, chị Thắm "lạ nước lạ cái", thường xuyên gọi điện về công ty để chia sẻ, bản thân tôi cũng hết lòng động viên chị Thắm yên tâm làm việc".


 

Ảnh minh họa.


"Qua những câu chuyện trao đổi với nhau và thông tin phản hồi từ phía đối tác, tôi được biết chị Thắm đã không làm vừa lòng chủ từ cả cách sống lẫn quá trình làm việc" - bà Lan nói. Cũng theo lý giải của bà Lan, người phương Tây rất tiết kiệm, mỗi lần giặt giũ quần áo họ thường gom lại, khoảng 3 - 5 ngày mới giặt một lần. Chị Thắm khi giặt còn làm tung toé nước ra xung quanh nên chủ sử dụng lao động có phần ác cảm với chị. Không chỉ chuyện đó mà ngay cả việc ăn uống cũng có vấn đề, vì không hợp khẩu vị chị Thắm cũng gọi điện về công ty phàn nàn...

Cũng theo bà Lan, việc người lao động phản ánh công ty đưa sang Síp làm việc bằng visa du lịch là không chính xác. Thực chất, đây là đưa người đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn và được quy định rất rõ trong hợp đồng. Theo quy định của Cộng hoà Síp, khi nhập cư, người lao động chỉ được cấp visa 3 tháng, trong đó thể hiện rõ tên tuổi người lao động, tên chủ sử dụng để người chủ có thể đón, làm các thủ tục nhập cảnh cho người lao động. Sau khi nhập cảnh Síp rồi, lúc đó chủ sử dụng lao động sẽ đến Ủy ban cư trú đăng ký, đưa người lao động đi khám sức khoẻ và làm các thủ tục theo quy định thì lúc đó người ta mới cấp cho thẻ cư trú dài hạn được.

Còn về tiền lương, chủ sử dụng trả người lao động 425 Euro chứ không phải trả 380 Euro/tháng như chị Thắm phản ánh. Bà Lan cũng cho biết thêm: "Do trường hợp khách quan, phía chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng về kinh tế, ít việc hơn nên họ đã thông báo cho chị Thắm không nhận ở lại làm việc nữa. Bù lại, chủ cũ sẽ tìm chủ sử dụng mới cho chị Thắm tiếp tục làm việc bên Síp. Trên thực tế, họ đã tìm được ba chủ mới để chị Thắm làm việc nhưng khi tới làm được vài ba ngày, không đáp ứng được công việc của họ, chị Thắm lại đòi về nhà chủ cũ!?".

Trả lời câu hỏi của PV, đối với hợp đồng đã ký kết, nếu phá vỡ hợp đồng trước thời hạn, vậy bên chủ sử dụng lao động phải đền bù như thế nào đối với người lao động (?), bà Lan khẳng định: "Họ đã tìm cho chị Thắm ba chỗ làm mới nhưng chị Thắm không đáp ứng được nên chủ cũ đã thanh toán đầy đủ tiền công làm việc trong 10 tháng và trả người lao động về nước".

Khó thanh lý hợp đồng?

Theo phản ánh của người lao động, để xảy ra vụ việc như trên là do phía Công ty Viet Com làm ăn gian dối, lừa đảo cả chính quyền lẫn người lao động (chị Thắm đi làm việc có sự giới thiệu của Ủy ban nhân dân xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), công ty phải có trách nhiệm trả lại số tiền mà người lao động đã vay mượn để đi làm việc ở nước ngoài, trong khi đó công ty chỉ đồng ý hỗ trợ có 8 triệu đồng.

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Phương Lan cũng cho biết thêm: "Khi chị Thắm về nước, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc yêu cầu xuống làm việc và thực hiện thanh lý hợp đồng nhưng đến nay chị Thắm vẫn không xuống". Ngay tại buổi làm việc khi chị Thắm mới về nước, phía công ty cũng hỏi xem nguyện vọng của chị Thắm ra sao, nếu tiếp tục quay trở lại Síp làm việc hay đi làm ở nước khác, công ty sẽ hỗ trợ kinh phí đi lại, nếu không đi thì công ty sẽ thanh lý hợp đồng.

Theo bà Lan, sau khi bàn bạc với gia đình, chị Thắm cho biết không đi làm ở nước ngoài nữa mà ở lại quê hương làm ăn sinh sống, đồng thời đề nghị công ty thanh lý hợp đồng. "Khi công ty đưa ra mức hỗ trợ 8 triệu đồng thì chị Thắm không đồng ý, bản thân chị Thắm cũng có nói cho thêm mấy triệu đồng nữa cho đỡ mất công đi lại nhưng không được?. Đồng thời, chúng tôi cũng giải thích, nếu muốn hỗ trợ thêm thì phải có đơn trình bày, đề xuất rõ ràng để làm báo cáo gửi công ty, lúc đó mới xem xét, hỗ trợ thêm được. Thế nhưng, từ hôm đó cho đến nay, tôi liên tục gọi điện cho chị Thắm thông báo xuống công ty để thanh lý hợp đồng nhưng vẫn không thấy xuống", bà Lan cho biết.                          

 

Đoàn Huế (Theo Người đưa tin)      

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo