Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2016
Từ 1/9, thuế suất thông thường bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng
Từ ngày 01/09/2016, thuế suất thông thường sẽ bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng, thay vì 70% như trước là nội dung đáng chú ý tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung nhiều trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó có: Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu; Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền… Đặc biệt, sẽ miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được trong 5 năm cho doanh nghiệp công nghệ.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định điều chỉnh thời hạn nộp thuế. Theo đó, từ ngày 01/09/2016, sẽ không ấn định thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu như trước (30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan với hàng hóa xuất khẩu; trước khi nhận hàng hoặc 275 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu); thay vào đó, thời hạn nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
Tăng 8% lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức
Theo Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có hiệu lực từ ngày 01/09/2016, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày 01/05/2016 được tăng thêm 8%. Như vậy, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng mới của các đối tượng này sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng nhân với 1,08.
Đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01/01/1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 01/01/2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 - 31/12/2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 01/01/2016 - 30/04/2016; thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 01/05/2016 trở đi.
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 5 năm
Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực như: Khảo sát xây dựng; Thiết kế quy hoạch xây dựng; Thiết kế xây dựng công trình; Giám sát thi công xây dựng; Kiểm định xây dựng; Định giá xây dựng phải có Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cá nhân phải đáp ứng điều kiện về trình độ chuyên môn, thời gian kinh nghiệm và phải trải qua sát hạch cấp chứng chỉ theo hình thức thi trắc nghiệm. Trong đó, thời hạn hành nghề tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng là 05 năm; khi hết thời hạn, cá nhân có nhu cầu hoạt động xây dựng làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Đối với chứng chỉ hành nghề đã được cấp trước ngày 01/09/2016, được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn; trường hợp không ghi thời hạn hiệu lực, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/06/2018. Riêng với người nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam dưới 06 tháng, được sử dụng chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nhưng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định.
Những nội dung trên được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 17/2016/TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 01/09/2016.
Nhiều hỗ trợ với học sinh ở thôn, xã đặc biệt khó khăn
Ngày 18/07/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, mỗi học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở; tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15kg gạo mỗi tháng; thời gian hỗ trợ trong mỗi năm học đối với từng học sinh tối đa là 09 tháng.
Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, Chính phủ sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/09/2016.
Thẻ tạm trú cho nhân viên lãnh sự nước ngoài có thời hạn đến 5 năm
Có hiệu lực từ ngày 01/09/2016, Thông tư 04/2016/TT-BNG của Bộ Ngoại giao quy định thẻ tạm trú cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức liên Chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi cùng có ký hiệu NG3, có thời hạn tối đa là 05 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
Cũng theo Thông tư này, người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam để gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp phải phù hợp với mục đích nhập cảnh, đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn tối đa 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.
Công chức quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền
Theo Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13, công chức quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.
Cũng theo Pháp lệnh này, công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường; thẻ có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày được cấp. Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ mà chưa có quyết định xử lý; tham mưu, ban hành quyết định trái pháp luật; đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo; bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam…, công chức sẽ bị tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường.
Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/09/20/16,
Người giám sát hoạt động đấu thầu phải có từ 3 năm kinh nghiệm
Cá nhân thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực đấu thầu thuộc các tổ chức như: Cơ quan quản lý về đấu thầu; Bên mời thầu; Tổ chuyên gia; Cơ quan, đơn vị thẩm định là một trong những điều kiện đối với người giám sát hoạt động đấu thầu quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 09/09/2016.
Ngoài ra, cá nhân thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu còn phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Tương tự đối với thành viên đoàn kiểm tra hoạt động đấu thầu, phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm… Riêng trưởng đoàn phải có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực đấu thầu. Trường hợp đặc biệt cần có ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo người đứng đầu cơ quan kiểm tra bổ sung các chuyên gia vào tham gia đoàn kiểm tra; các chuyên gia này không bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.
Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày
Ngày 28/07/2016, Kiểm toán Nhà nước đã ra Quyết định 03/2016/QĐ-KTNN ban hành Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán.
Theo đó, thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán; trường hợp đơn vị được kiểm toán không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do khách quan thì thời gian có lý do khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng cho phép đơn vị được kiểm toán có quyền rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng hình thức đơn có chữ ký của người đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm toán khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải được gửi đến Kiểm toán Nhà nước…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/09/2016.
Quảng cáo hóa chất y tế không có Giấy xác nhận bị phạt đến 20 triệu
Từ ngày 15/09/2016, quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có Giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 115/2016/NĐ-CP của Chính phú, có hiệu lực từ ngày 15/09/2016.
Một nội dung mới đáng chú ý khác là quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón. Cụ thể, mức phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xếp phân bón lẫn với các loại hàng hóa khác hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh. Đặc biệt, sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vượt mức yếu tố hạn chế theo quy định đối với phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón sinh học… sẽ bị phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng.
Xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư
Nghị định 117/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ngày 21/07/2016; trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung về xếp lương đối với giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Cụ thể, nếu chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì giảng viên đó được xếp lên 01 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ. Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 03 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Cũng theo Nghị định này, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương. Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp tướng, cấp tá và đại úy là 04 năm; đối với thượng úy là 03 năm.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/09/2016.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động ngân hàng mô
Có hiệu lực từ ngày 15/09/2016, Nghị định 118/2016/NĐ-CP quy định ngân hàng mô chỉ được hoạt động sau khi có Giấy phép hoạt động ngân hàng mô do Bộ Y tế cấp.
Để được cấp Giấy phép hoạt động, ngân hàng mô phải có buồng kỹ thuật có diện tích tối thiểu 12m2 để tiếp nhận, xử lý, bảo quản và cung ứng mô; có phòng xét nghiệm với diện tích tối thiểu 12m2; khu vực hành chính tổng hợp, quản lý hồ sơ, tư vấn có diện tích tối thiểu là 12m2; riêng với ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế, việc xét nghiệm có thể sử dụng chung với bộ phận xét nghiệm của cơ sở y tế.
Về nhân lực, người quản lý chuyên môn ngân hàng mô phải đủ điều kiện theo quy định hiện hành; đồng thời, phải có 01 bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; có 02 kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành y, có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và 01 nhân viên hành chính… Các ngân hàng mô đã được cấp phép hoạt động theo Nghị định 56/2008/NĐ-CP được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/06/2017; từ ngày 01/07/2017, phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.
Hướng dẫn thanh toán tiền chênh lệch thuê nhà ở công vụ
Ngày 03/08/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 124/2016/TT-BTC, nhấn mạnh khi thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ mà tiền thuê nhà ở thương mại cao hơn số tiền thuê do người thuê phải trả thì người thuê phải trả tiền thuê nhà tối đa bằng 10% tiền lương đang được hưởng tại thời điểm thuê nhà ở công vụ.
Đồng thời khẳng định, cơ quan quản lý cán bộ đủ tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà ở công vụ để xác định số tiền thuê nhà ở công vụ phải trả và xác định phần chênh lệch giữa số tiền thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ và số tiền người thuê nhà phải trả, số tiền ngân sách Nhà nước chi trả cho phần chênh lệch theo quy định để xây dựng và đưa vào dự toán chi tiêu hàng năm của đơn vị. Phần tiền chênh lệch này được chi trả hàng tháng dựa trên dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với thời điểm Nhà nước thanh toán tiền lương và được thực hiện quyết toán cùng với quyết toán chung của đơn vị.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/09/2016.
Nhân viên thú y xã phải có bằng trung cấp trở lên
Một loạt quy định về tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ ngày 19/09/2016.
Cụ thể, nhân viên thú y xã phải có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản; trường hợp ở địa bàn có cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chỉ cần có trình độ sơ cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành nêu trên.
Ngoài ra, nhân viên thú y xã còn phải hiểu biết và chấp hành quy định của pháp luật về thú y; nắm bắt và đánh giá được tình hình phát triển chăn nuôi động vật, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý; có kiến thức nhận biết dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; có năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện công tác thú y; có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện quy định pháp luật về thú y; có ý thức trách nhiệm, tinh thần học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao…
Thu hồi GCN đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong 30 ngày từ khi đề nghị
Theo Thông tư 06/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 20/09/2016, thời hạn thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hình thức đối tác công tư là 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với dự án hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hiệu lực nội dung đăng ký đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư.
Về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông tư quy định, nhà đầu tư phải gửi thông báo các nội dung điều chỉnh cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu, văn bản liên quan nếu điều chỉnh dự án hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án không làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp thay đổi tên dự án, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật của nhà đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin khác liên quan đến nhà đầu tư, nhà đầu tư phải nộp văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Hỗ trợ đào tạo nghề luật sư cho viên chức trung tâm trợ giúp pháp lý xã nghèo
Viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề luật sư là nội dung quy định tại Quyết định 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng khẳng định sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tại từng trung tâm trợ giúp pháp lý với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/lớp/trung tâm/năm; hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý: 20 triệu đồng/trung tâm; chi phí tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở (chi cho báo cáo viên, chi công tác phí, chi hành chính và các chi phí khác theo quy định) là 02 triệu đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/01 lần/năm…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/09/2016.
Ngoài ra, còn có quy định về Danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam; Tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường; Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; Hồ sơ tài nguyên hải đảo; Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Nhà nước… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 09/2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương