Nhiều cơ hội cho hàng Việt vào Australia
Lượng kiều bào đông đảo, nhu cầu hàng Việt cao, dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Australia còn rất nhiều. Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bảo – Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Australia về vấn đề này.
Thưa ông, với lượng kiều bào đông đảo, khi được triển khai tại Australia, cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có được những lợi thế như thế nào?
Hiện Australia có khoảng 300.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc, bên cạnh đó cũng có hơn 20.000 sinh viên đang du học tại Australia. Đó là yếu tố thuận lợi để làm sao quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang đó trước hết cho người gốc Việt tiêu dùng. Bên cạnh đó, người gốc châu Á ở Australia cũng rất đông. Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung có những điểm tương đồng trong tiêu thụ hàng hóa, nhất là về lương thực thực phẩm. Đây là lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Với nhu cầu lớn như vậy, ông đánh giá như thế nào về dư địa hàng Việt tại thị trường này?
So với các đối tác thương mại khác của Việt Nam, Australia không phải là thị trường lớn, chỉ có 23 triệu dân, tuy nhiên, có nhiều điểm thuận lợi để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể, thứ nhất là đã có khung khổ pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ đối tác toàn diện và đã ký thoả thuận chương trình hành động nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng đã ký nhiều văn bản hợp tác giữa các bộ ngành và các địa phương của nhau, ví dụ Bộ Công Thương có văn bản hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Bộ Tài nguyên và Môi trường Australia…
Đây đều là những điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của hai bên thâm nhập vào thị trường của nhau. Điểm thuận lợi thứ hai, Australia và Việt Nam là hai nền kinh tế mang tính chất bổ sung cho nhau. Australia có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng sử dụng nhiều lao động, đó lại là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như may mặc, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, hạt điều… Ngoài ra Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam không thể sản xuất được hoặc sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu như lúa mì, sữa, gỗ nguyên liệu… và trong những năm tới có thể sẽ là than, khí đốt hóa lỏng.
Một yếu tố quan trọng nữa là dù dân số Australia không đông nhưng thu nhập bình quân đầu người khá cao, khoảng 60.000 đôla Australia/năm (tỷ giá đôla Australia và USD là gần tương đương nhau), dẫn đến sức mua lớn. Năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Australia là 311 tỷ đôla Australia, trong khi đó ta xuất khẩu sang Australia chỉ khoảng 3,24 tỷ USD, vì vậy, dư địa xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này còn rất lớn.
Vậy nguyên nhân do đâu mà hàng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường Australia và đâu là giải pháp để khắc phục những nguyên nhân đó, thưa ông?
Thị trường Australia không hề có sự phân biệt hay lựa chọn xuất xứ hàng hóa của bất cứ quốc gia nào, thậm chí họ còn rất mong muốn đa dạng hóa các sản phẩm nhập khẩu, tuy nhiên, điều quan trọng là hàng Việt Nam phải đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả… cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại được sản xuất từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,… Chẳng hạn, mỗi năm, Australia có nhu cầu nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD đồ nội thất, trong khi đó Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 120 triệu USD mặt hàng này vào Australia (con số năm 2012), trong khi đó Trung Quốc chiếm hơn 55% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Giày dép mỗi năm Australia có nhu cầu nhập khẩu 1,5 tỷ USD mặt hàng giày dép, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 95 triệu USD (con số năm 2012), trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 2/3 thị phần nhập khẩu mặt hàng giày dép của Úc.
Do đó, để chiếm lĩnh thị trường Australia, DN phải thực hiện có hiệu quả chiến lược marketing, phải có chiến lược làm ăn lâu dài chứ không phải kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì. Thứ hai là phải đặc biệt coi trọng vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm và nên coi đây là yêu cầu tự thân cho chính sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chứ không phải chỉ đơn thuần là sự đối phó với “rào cản” của nước nhập khẩu.
Với vai trò của mình, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã có những giải pháp ra sao nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của ta đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia, thưa ông?
Thương vụ của ta ở các nước đều phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn cung cấp thông tin về thị trường theo yêu cầu của doanh nghiệp; cung cấp thông tin về cơ hội kinh doanh; phối hợp với các đơn vị trong nước thu xếp chương trình cho các đoàn doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm phù hợp; xác minh doanh nghiệp; hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại;… Chúng tôi cũng đang thực hiện một chủ trương lớn của Bộ Công Thương giao cho Thương vụ là vận động các nhà phân phối lớn ở nước sở tại quan tâm mua hàng của Việt Nam. Năm ngoái, Woolworths và Bunnings Warehouse (là 2 trong số các tập đoàn bán lẻ hàng đầu ở thị trường Australia) đã mua được trên 50 triệu đôla hàng hóa từ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng con số này sẽ tăng lên trong các năm tới đây.
Tuy nhiên, theo tôi, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài cần có thêm nhiều biện pháp khác nữa, thứ nhất là hỗ trợ DN nước ngoài vào Việt Nam mua hàng. Thứ hai là hỗ trợ cho các phương tiện thông tin đại chúng của nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin trung thực, đúng đắn về hàng hóa Việt Nam. Đây là việc hoàn toàn không mới, các nước đã làm từ lâu và tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể đạt được hiệu quả nếu sử dụng cách này./.
Xin cám ơn ông !
Gia Huy
Theo VEN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo