Nhiều danh mục phí không cần thiết, cần loại bỏ tiếp?
“Trong các danh mục tôi thấy nhiều cái không cần thiết. Không có nước nào nhiều danh mục phí như ở ta. Cần rà soát lại các khoản thuế, giá, lệ phí theo tinh thần Hiến pháp 2013”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu như trên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí gồm 73 loại phí và 42 loại lệ phí. Trong đó 73 khoản phí được sắp xếp thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành, 42 khoản lệ phí, được xếp thành 5 nhóm, phù hợp với nhóm các công việc quản lý hành chính nhà nước và giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục.
Trong 73 khoản phí, sẽ có nhiều khoản được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường, theo 2 hình thức: Doanh nghiệp tự định giá (như phí giới thiệu việc làm, phí đấu giá) và doanh nghiệp kê khai giá (như phí bến bãi, phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa...); Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá. Như vậy, qua rà soát còn lại 36/73 khoản phí phù hợp với thực tế, cần đưa vào Luật phí và lệ phí.
Đối với danh mục lệ phí, dự kiến danh mục lệ phí kèm theo Luật, gồm: 39 khoản. Trong đó, 30 khoản lệ phí kế thừa danh mục lệ phí hiện hành và 9 khoản lệ phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành. Qua rà soát còn lại 30/42 khoản lệ phí được quy định trong Danh mục lệ phí kèm Pháp lệnh phí và lệ phí phù hợp với thực tế, cần kế thừa đưa vào dự thảo Luật.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không phải chịu thuế (thuế GTGT và thuế TNDN). Đơn vị thu được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp NSNN theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả các khoản thu phải nộp vào ngân sách, các khoản chi cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chẳng hạn chi phí cung cấp dịch vụ thu phí phải đưa vào dự toán và được ngân sách cấp sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Lý đề nghị cần làm rõ thẩm quyền của Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân, nếu phân cấp cũng phải căn cứ vào quy định của luật. Do vậy cần rà soát lại danh mục cho đầy đủ vì còn thiếu rất nhiều khoản phí, lệ phí như phí kiểm định chất lượng giáo dục, tuyển sinh trong Luật Giáo dục, phí dịch vụ điều hành thị trường điện...
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần rà soát lại các khoản thuế, giá, lệ phí theo tinh thần Hiến pháp 2013, làm thế nào tạo điều kiện hiệu quả nhất cho doanh nghiệp và người dân. Ông Giàu nói: “Trong các danh mục tôi thấy nhiều cái không cần thiết. Không có nước nào nhiều danh mục phí như ở ta”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, việc phân cấp cho địa phương phải làm rõ trong Luật, quy định cụ thể HĐND được thu các khoản phí nào.
Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần phải phân biệt phí, lệ phí khác với giá dịch vụ, tránh trùng nhau để việc giám sát điều hành thuận lợi.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo