Nhiều doanh nghiệp FDI sẽ phải chấm dứt hoạt động
Nguyên nhân là theo quy định của luật doanh nghiệp năm 2005, khi thời hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư (viết tắt là giấy phép) hết hạn, doanh nghiệp chưa đăng ký lại buộc phải chấm dứt hoạt động. Nên từ 1/7/2011, thời điểm hết hạn đăng ký lại, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã không tiếp nhận các hồ sơ yêu cầu đăng ký lại của doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 30/6/2011, trên địa bàn Thành phố có 784 doanh nghiệp FDI (chiếm 20% trong tổng số doanh nghiệp còn được phép hoạt động) đang hoạt động theo giấy phép được cấp trước ngày 1/7/2006. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2012 này, Thành phố có ít nhất 27 doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, giai đoạn 2013- 2020 là 174 doanh nghiệp do không thể gia hạn giấy phép.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, đa số các doanh nghiệp thành lập trước 1.7.2006 (đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định trên) là doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Họ đã đầu tư rất lớn vào dây chuyền, máy móc, thiết bị công nghệ và cơ sở hạ tầng với mục đích phát triển kinh doanh để thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, họ đều có mong muốn được tiếp tục hoạt động. Hiện có nhiều doanh nghiệp liên tục gửi văn bản yêu cầu Thành phố xem xét thực hiện thủ tục đăng ký lại để gia hạn hoạt động như Công ty dệt Sài Gòn Joubo TNHH, Công ty FKS Việt Nam, Đại học Quốc tế RMIT... Tuy nhiên, do "vướng" quy định trên, Thành phố chưa thể thực hiện yêu cầu của họ.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Ủy ban Nhân dân Thành phố vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chấp thuận cho phép các doanh nghiệp FDI chưa thực hiện đăng ký lại được phép gia hạn thời gian hoạt động. Theo đó, Thành phố kiến nghị hai phương án giải quyết tình trạng trên.
Phương án 1 là cho phép gia hạn thời gian hoạt động bằng cách cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh thời gian hoạt động tại giấy phép đã cấp cho doanh nghiệp. Bởi theo quy định của luật doanh nghiệp 2005 thì "trong trường hợp không đăng ký lại, doanh nghiệp chỉ hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề và thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng các ưu đãi theo quy định của Chính phủ".
Như vậy, luật doanh nghiệp 2005 không cấm gia hạn giấy phép. Phương án 2 là xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập doanh nghiệp với tên gọi mới. Tuy nhiên, nội dung ngành nghề kinh doanh và mục tiêu của dự án được giới hạn theo giấy phép đã được cấp cho doanh nghiệp cũ và không tiếp tục được hưởng các ưu đãi theo giấy phép theo quy định hiện hành.
Theo ông Hà, phương án 1 thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nên trước tình hình cấp bách (nhiều doanh nghiệp thời gian hoạt động chỉ còn khoảng một tháng), trong trường hợp chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước khi doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh xin được áp dụng phương án 1 để gia hạn thời gian hoạt động cho các doanh nghiệp muốn tiếp tục đầu tư Về lâu dài, Thành phố cũng kiến nghị bãi bỏ thực hiện thủ tục đăng ký lại của doanh nghiệp.
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024