Xã hội

Nhiều giải pháp mạnh cho PPP

Hình thức đối tác công tư (PPP) đang được thúc đẩy thực hiện trong đầu tư cơ sở hạ tầng, với hàng loạt giải pháp cụ thể.

Sau hình thức đầu tư BOT, BTO, BT,… (được coi là mô hình PPP truyền thống), đầu tư PPP theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hình thức đầu tư PPP hiện đại, với việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.

Thời gian 2 năm thí điểm, các đối tác đã bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm đến khả năng triển khai PPP tại Việt Nam và nhận định nếu việc triển khai đảm bảo theo thông lệ quốc tế như đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, thì các đối tác phát triển và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Trong trường hợp đó, khả năng huy động 70-80 tỷ USD trong vòng 10 năm tới là có thể thực hiện được.

Sau quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập một bộ phận phụ trách “một cửa” về PPP ở Cục Quản lý đấu thầu, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là Trưởng ban.

Theo ý kiến của các bộ ngành, địa phương tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo ngày 20/11, vấn đề chung mà các dự án gặp phải là chưa tạo được nền tảng pháp lý đủ mạnh và hấp dẫn, thu hút được khối đầu tư ngoài nhà nước, một số tiêu chí lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư, phân chia rủi ro, quản lý và sử dụng phần tham gia của Nhà nước cần được làm rõ và phù hợp thực tế hơn…

Do đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải  đã chỉ rõ nhiệm vụ tiên quyết của Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan là xây dựng được thể chế, mô hình quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt là thực tế kinh tế tài chính của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tổng thể các cơ chế về việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn xã hội, trong đó có các văn bản điều chỉnh về PPP với những vấn đề còn tồn tại, bất cập nổi cộm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có những dự án PPP quy mô lớn, phức tạp xây dựng, hoàn thiện sớm một bộ máy thực thi, quản lý chuyên môn về PPP. Từ đó, rà soát các dự án không phân biệt quy mô mà căn cứ vào tiềm năng hấp dẫn nhà đầu tư theo các lĩnh vực ưu tiên để lập danh mục dự án đề xuất triển khai PPP.

Dự án đầu tiên được lựa chọn

Một động thái được chú ý là trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế quản lý và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác PPP.

Nhà đầu tư thứ nhất của Dự án là Công ty TNHH tập đoàn BITEXCO, sẽ đóng góp 60% vốn. Nhà đầu tư thứ hai được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo quy định tại cơ chế này và phù hợp với hướng dẫn của nhà tài trợ. Nhà đầu tư thứ hai sẽ cùng với Nhà đầu tư thứ nhất thành lập Doanh nghiệp dự án để triển khai Dự án. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Nguồn vốn do khu vực tư nhân huy động và nguồn vốn của Chính phủ huy động.

Chính phủ sẽ bảo lãnh cho Nhà đầu tư thứ nhất vay vốn từ nguồn tín dụng IBRD của Ngân hàng Thế giới để thực hiện Dự án và đây là một trong các chính sách ưu đãi đầu tư đối với Dự án.

Theo giới phân tích, đây là dự án đầu tiên được lựa chọn thí điểm đầu tư theo hình thức PPP hiện đại và sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình "xã hội hóa" nguồn vốn đầu tư hạ tầng, theo hình thức mới và rất hứa hẹn này.

Quỹ Hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án

Phần tham gia của Nhà nước là tổng hợp các hình thức tham gia của Nhà nước bao gồm: Vốn nhà nước, các ưu đãi đầu tư, các chính sách tài chính có liên quan, được tính trong tổng mức đầu tư (tổng vốn đầu tư) của Dự án, nhằm tăng tính khả thi của Dự án. Phần tham gia của Nhà nước không phải là phần góp vốn chủ sở hữu trong Doanh nghiệp dự án, không gắn với quyền được chia lợi nhuận từ nguồn thu của Dự án.

(Trích Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg)

Đầu tháng 11/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về việc đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về Hiệp định vay và các văn bản liên quan cho Dự án “Quỹ Hỗ trợ chuẩn bị và khởi động dự án”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án, được thực hiện trong 6 năm từ 2013-2019. Ngân hàng Nhà nước và ADB tới đây sẽ ký Hiệp định cho vay Dự án này.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn quỹ ban đầu của dự án tuy không lớn (20 triệu USD) nhưng được đánh giá là có ý nghĩa lớn với việc phát triển hình thức PPP ở Việt Nam. Ngân khoản này sẽ tạo thế chủ động cho Nhà nước trong chuẩn bị dự án, cũng như lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án PPP.

Thực tế, ngay từ khi bắt đầu thí điểm đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam, chủ trương được đưa ra là, Nhà nước sẽ xây dựng và chuẩn bị dự án, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã nhiều lần khẳng định điều quan trọng là phải tạo được thị trường cho PPP, xây dựng được các dự án thí điểm có tính thương mại cao để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, lâu nay, các dự án thí điểm theo hình thức PPP hầu hết do phía nhà đầu tư đề xuất. Hoặc nếu do các địa phương xây dựng, thì vì không có kinh phí ban đầu và cũng một phần do trình độ, nên không đủ sức hấp dẫn. Nay, có quỹ hỗ trợ và chuẩn bị dự án, nhiều nút thắt sẽ được tháo gỡ.

Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau sự hỗ trợ của ADB, nhiều nhà tài trợ khác cũng đang sẵn sàng hỗ trợ vốn cho quỹ này. Và như vậy, chúng ta sẽ có thêm kinh phí để chuẩn bị các dự án PPP một cách tốt hơn, có tính thương mại cao để hấp dẫn nhà đầu tư.

Trước quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tới tìm kiếm cơ hội đầu tư theo hình thức PPP. Mới đây nhất, đoàn các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đã gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư bản danh sách các dự án hạ tầng lớn mà họ quan tâm đầu tư theo hình thức PPP.

 

Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo