Xã hội

Nhiều khó khăn khi thực hiện bảo hiểm theo hộ gia đình

Để thực hiện mục tiêu toàn dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã có quy định mới về tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình, thay vì tham gia theo cá nhân như lâu nay.

Ảnh minh họa.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định bắt buộc toàn dân tham gia BHYT được chia thành năm nhóm theo trách nhiệm đóng, gồm: nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là những người chưa tham gia một trong bốn nhóm còn lại.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện còn khoảng 30% dân số (tức hơn 30 triệu người) chưa có thẻ BHYT, phải tự chi trả viện phí khi đi khám, chữa bệnh. Quy định mới bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng nhằm mục đích "phủ sóng" số người còn thờ ơ với BHYT nói trên.

Theo kế hoạch của ngành bảo hiểm, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú bắt buộc phải tham gia bảo hiểm theo hộ gia đình, nếu một thành viên không tham gia cũng không được. UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách thông qua việc rà soát, kê khai. Hồ sơ tham gia bảo hiểm được lập theo hộ gia đình, nhưng thẻ BHYT được cấp cho từng thành viên để bảo đảm thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh. Nhằm hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, luật quy định cơ chế khuyến khích theo hướng giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Theo Bộ Y tế, việc đóng BHYT theo hộ gia đình đảm bảo sự chia sẻ ngay từ những người thân với người bệnh đau ốm trong nhà. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, quy định này sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Theo một chuyên gia bảo hiểm xã hội, sở dĩ phải "luật hóa" việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được.

Từ ngày 1/1/2015 đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm dần mức đóng theo số thành viên đăng ký. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, đòi hỏi ngành y tế phải có giải pháp.

Để triển khai quy định mới này, liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khẩn trương triển khai tập huấn cho cán bộ xã, phường trong việc rà soát, thống kê, lập danh sách đối tượng. Tuy còn phải chờ kiểm nghiệm từ thực tế nhưng một số khó khăn có thể nhìn thấy trước như ý thức, sự khó khăn về kinh tế của một số gia đình.

Một số cán bộ bảo hiểm cho biết, nhiều năm nay, để tham gia bảo hiểm thì các tỉnh huy động cả Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng UBND xã đi vận động từng gia đình nhưng cũng chỉ được 10% số đối tượng tham gia, do các gia đình khó khăn về kinh tế. Có ý kiến cũng lo ngại, khi mua một lần cho tất cả thành viên gia đình thì số tiền phải trả tăng, gây tâm lý e ngại cho chủ hộ.

Về vấn đề này, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng cho rằng, vấn đề thu nhập hay khó khăn kinh tế của người dân không phải là lý do chính trong việc chưa "phủ sóng" được BHYT với nhóm đối tượng này. "Quan trọng hơn, ngành bảo hiểm và y tế cần tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi của họ khi tham gia BHYT; cần sớm cụ thể hóa quy định về "gói dịch vụ y tế cơ bản" để người dân biết được bảo hiểm chi trả những loại bệnh gì, người bệnh phải chi trả những gì. Khi đó, người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ có chuyển biến tích cực.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho rằng, đối tượng khó khăn về thu nhập đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ (hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo tại các huyện nghèo; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại; hỗ trợ 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình).

Cho nên, còn lại là những đối tượng không khó khăn về kinh tế, vấn đề là ý thức, nhận thức của họ đối với BHYT chưa đầy đủ. Do vậy, ông Hòa cho rằng, thời gian tới, cần tuyên truyền sâu rộng, tổ chức các cuộc đối thoại với người dân để lắng nghe và giải thích các băn khoăn của họ về BHYT  và đặc biệt ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vì qua các cuộc đối thoại của Bảo hiểm xã hội Hà Nội với người dân, nhiều ý kiến phản ánh thủ tục khám, chữa bệnh rườm rà, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được mong muốn.

Về trách nhiệm của ngành y tế trước những quy định mới nhằm đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến nội dung mới của Luật về BHYT thông qua các hội nghị, tập huấn, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng, ngành y tế sẽ mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho người bệnh.

Theo VnMedia
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo