Nhiều người sản xuất thuốc chưa tốt nghiệp phổ thông
Thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong số 117 bệnh nhân đã xét nghiệm thì có 56 trường hợp phát hiện chì trong máu cao tới 20mcg/dL.
Các bệnh nhân đến từ 27 huyện thuộc 15 tỉnh, thành phố hầu hết đều dùng thuốc của ông lang, bà mế, người bán dạo không rõ nguồn gốc.
Theo ghi nhận của Người đưa tin, Trung tâm Chống độc những ngày gần đây luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày có hàng trăm ông bố bà mẹ trẻ bế con xếp hàng chờ đến lượt vào xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng chì trong máu.
Chưa khi nào Trung tâm này lại ưu tiên dành hẳn một quầy tiếp đón, phát số cho bệnh nhân đến làm xét nghiệm chì như thời gian qua.
Các bác sĩ cũng dành riêng một phòng bệnh phục vụ công tác khám ngộ độc chì, lấy mẫu máu gửi Viện Hoá học và Viện Y học vệ sinh lao động. Trong số các bệnh nhi được đưa đến khám, qua sàng lọc có khoảng 10% số trường hợp có biểu hiện ngộ độc nặng phải nhập viện theo dõi, điều trị. Hầu hết các cháu nhiễm độc do sử dụng thuốc cam không rõ xuất xứ.
Theo số liệu thống kê, tính từ tháng 11/2011 đến nay, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám vì ngộ độc chì, trong đo cóá đến gần 94% là trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền cho biết, những năm trước đây chỉ xuất hiện lác đác vài ca ngộ độc chì nhập viện do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân nhiễm độc chì do uống thuốc cam tăng đột biến.
Cũng theo nhận định của ông Sơn, thuốc cam chứa chì nhiều khả năng không phải do dược liệu. Trong hơn 40.000 mẫu được kiểm tra thì chỉ phát hiện 1/4 mẫu có chì nhưng nằm trong giới hạn phép.
Có thể người hành nghề của một số cơ sở không có trình độ chuyên môn, không hiểu biết đã sử dụng khoáng vật như ôxít chì nên hàm lượng chì trong thuốc mới cao.
Còn văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam lại nhận định, sự gia tăng các trường hợp nhiễm độc chì do dùng thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Xoay quanh vấn đề liên quan đến tính mạng con trẻ, bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng tình trạng trên đang là hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng hoá chất trong sản xuất thuốc hiện nay.
Trước tình trạng bức bách ấy, dư luận băn khoăn các cơ quan quản lý sẽ triển khai những giải pháp gì để ngăn chặn hành vi coi thường tính mạng con người khi bán thuốc nhiễm độc; pháp luật sẽ xử lý ra sao đối với những kẻ hám lợi, kinh doanh bất chính trên sức khỏe của cộng đồng?
Thuốc thải độc cũng là con dao hai lưỡi
Tiến sĩ Phạm Duệ, giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Điều trị ngộ độc chì ở người lớn có thể khỏi hoàn toàn nhưng với trẻ nhỏ thì khó khăn hơn rất nhiều.
Cơ thể các cháu thường rất yếu, liều lượng thuốc thải độc phải tăng giảm tùy theo phác đồ điều trị. Bản thân thuốc thải độc là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Điều trị ngộ độc chì thường mất rất nhiều thời gian và chia thành nhiều đợt.
Có trường hợp chữa trị khoảng 1 tháng nhưng cũng có trường hợp mất đến 2 năm vì chì đã ngấm vào nhiều cơ quan như xương, não, tủy...
Trẻ nhỏ bị ngộ độc chì sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thể chất, trí tuệ, giảm khả năng học tập, tư duy. Số trẻ ngộ độc chì tăng cao, đó thực sự là điều đáng lo lắng”
Mất bò mới lo làm chuồng
Anh Cao Đức Chinh, hiện đang công tác tại Nội cho rằng: “Hàng ngày các cơ quan chức năng luôn kêu gọi thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất thuốc song trên thực tế tôi thấy vẫn còn rất nhiều bất cập trong khâu quản lý này.
Nếu các đơn vị chuyên môn làm việc thực sự có hiệu quả và nghiêm khắc xử phạt các cơ sở sản xuất vi phạm thì đâu đến nỗi xảy ra tình trạng nguy hại trên.
Không ít ngành nghề khi ra quân kiểm tra thì hô hào rất mạnh nhưng chỉ một thời gian sau, tiêu cực, sai phạm nhanh chóng bị ỉm đi, mọi việc dường như không có chuyển biến. Vụ nhiễm độc chì vừa qua là một ví dụ.
Vì vậy rất cần sự thay đổi trong cách quản lý, tránh kiểu mất bò mới lo làm chuồng như hiện nay”.
Người dân hãy tự bảo vệ mình trước
Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, trưởng phòng Hóa phân tích, Viện Hóa học cho biết: “Trong số 500 mẫu thu thập được, Viện Hóa học đã kiểm tra 100 mẫu thuốc cam và bệnh phẩm, phát hiện 98 mẫu có hàm lượng chì cao (đặc biệt có mẫu chì chiếm tới 85%).
Do đó người dân cần cẩn trọng trong việc mua và sử dụng loại thuốc này. Nếu có nhu cầu nên tìm tới những cơ sở, cửa hàng, hiệu thuốc có địa chỉ rõ ràng.
Khi mua cần phải kiểm tra nguồn gốc xuất xứ cũng như hướng dẫn sử dụng, các thành phần liều lượng của thuốc. Về phía các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân, đặc biệt là những em nhỏ – chủ nhân tương lai của đất nước”.
Nếu cần thiết sẽ nhập khẩu thuốc điều trị
Tiến sĩ Cao Minh Quang, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã chỉ đạo các vụ, cục chức năng tổng hợp báo cáo tất cả các trường hợp ngộ độc chì từ năm 2009 đến nay và ra thông báo chính thức cấm lưu hành các loại thuốc cam không có số đăng ký, không rõ nguồn gốc trên toàn quốc.
Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho các địa phương phác đồ xử lý ngộ độc chì, lên kế hoạch nhập khẩu thuốc điều trị.
Thực hiện yêu cầu của Bộ, các đơn vị trực thuộc phải tăng cường lấy mẫu kiểm tra các loại thuốc cam trên thị trường, có kế hoạch xây dựng chuyên luận về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng (chì, asen) trong dược liệu, phối hợp với các đơn vị phân tích nguyên nhân ngộ độc, đề xuất các biện pháp tăng cường phòng chống ngộ độc chì, đặc biệt là trẻ em”.
Công khai vi phạm trên phương tiện thông tin
Ông Nguyễn Việt Cường, chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sau khi đình chỉ hoạt động 3 cơ sở hành nghề tư nhân không phép bán thuốc cam nhiễm chì nặng, Sở Y tế yêu cầu các phòng y tế quận huyện trên địa bàn thành phố tiếp tục kiểm tra, lấy mẫu thuốc cam xét nghiệm.
Để đảm bảo tính khách quan và không gây phiền nhiễu cho cơ sở, các đoàn kiểm tra sẽ mua mẫu thuốc xét nghiệm.
Nếu phát hiện có các kim loại như chì, asen, thạch tín đoàn sẽ quay lại kiểm tra, lập biên bản. Ngoài việc xử phạt, các cơ sở vi phạm sẽ bị đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để dư luận biết phòng tránh”.
Nhiều người sản xuất thuốc chưa tốt nghiệp phổ thông
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Yên, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc xã hội hóa trong lĩnh vực y dược học cổ truyền đang gặp phát sinh nhiều bất cập. Làng dược liệu Ninh Hiệp, một trong những làng Đông dược lớn nhất miền Bắc hiện có 264 cơ sở làm nghề.
Tuy nhiên mới chỉ có 18 cơ sở được cấp giấy phép. Khoảng 50% người sản xuất có trình độ văn hóa chưa hết lớp 12. Những người có bằng cấp, chuyên môn muốn tham gia sản xuất dược liệu tại làng đều bị phản đối.
Tình trạng thiếu hiểu biết này tiềm ẩn nguy cơ sản xuất thuốc cam không đảm bảo chất lượng, nhiễm độc gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng”.
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo