Thị trường

Nhiều nguồn vốn cho phát triển đang tới hạn

Các nguồn vốn để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế phát triển đã tới mức giới hạn, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ.

Tài nguyên cũng đang ngày càng cạn kiệt. Ảnh TL TKV.

 

Ông Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phân tích trong một hội thảo của Hội đồng Lý luận Trung ương gần đây rằng nguồn vốn của Ngân sách Nhà nước đang gặp giới hạn do nợ công đã gần tới trần và ngân sách cũng đã đạt đỉnh bội chi không cho phép vượt. Nguồn vốn này trong năm 2014 đã giảm 13% so với năm 2013, và chỉ còn chiếm 13% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2014.

Bên cạnh đó, nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư xã hội. Ông cho rằng, về tổng thể, nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp này không còn mấy dư địa, hầu hết DNNN đang trong tình trạng đầu tư cầm chừng và không ít đang vướng vào nợ xấu (có thông tin ước 70% nợ xấu là của khu vực này).

Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, dự báo năm 2015 vốn đầu tư của khu vực DNNN sẽ giảm 10% trong khi năm 2014 tăng 11,3%.

Một nguồn vốn khác là FDI. Nguồn vốn này chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư trong năm 2014, nhưng đang có vấn đề phải lựa chọn chất lượng chứ không chỉ là số lượng vì khu vực này đã chiếm tới gần 68% giá trị xuất khẩu cả nước và trên 70% giá trị sản xuất trong công nghiệp mà giá trị gia tăng và giá trị nội địa quá thấp (giá trị gia tăng 15-20%, giá trị nội địa 10 -15 %), do đó làm gia tăng chênh lệch giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân (GNI) ở Việt Nam.

Trích dẫn tính toán của chuyên gia Bùi Trinh dựa theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Hồ cho biết, năm 2000 phía Việt Nam phải chi trả cho nước ngoài 6.300 tỉ đồng, thì đến năm 2013 phần phải chi trả sở hữu cho nước ngoài lên đến gần 150.747 tỉ đồng.

Đồng thời khu vực này sử dụng công nghệ cao chỉ khoảng 5%, trên 70% là công nghệ trung bình, còn lại là công nghệ lạc hậu; chỉ khoảng 30% doanh nghiệp trong nước nhận được sự lan tỏa công nghệ của khu vực này. “Như vậy rất không phù hợp với mục tiêu định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa,” ông Hồ nhận xét.

Nguồn vốn nữa là ODA cũng đã đến ngưỡng và đang có xu hướng giảm dần, theo ông Hồ.

Ông phân tích tiếp: “Vậy chỉ còn vốn của khu vực tư nhân, vốn trong dân chưa được huy động.”

Tuy nhiên, trong khu vực kinh tế tư nhân, ngoại trừ một số đại gia sung sức, còn lại với tình trạng hàng tháng có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn đang diễn ra thì khó khăn về vốn không thể xem là nhỏ trong khi nhu cầu vốn để phát triển bật lên là rất lớn trước yêu cầu cạnh tranh, hội nhập.

Tình trạng khu vực này chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn của ngân hàng đang cần được xử lý từ cả hai phía: ngân hàng giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc…và doanh nghiệp tìm được hướng đi mới để có sức cạnh tranh, gỡ được bế tắc về thị trường.

Nguồn vốn trong dân xét trên tổng thể cũng không thể cho là khả quan vì cuộc sống của đại bộ phận dân cư còn khó khăn, không có khả năng để dành.

Tuy nhiên theo ước tính, lượng vàng cất trữ trong dân có từ 400- 1.000 tấn, tương đương với khoảng 16-40 tỉ đô-la Mỹ theo giá thế giới hiện nay. Nếu có chính sách mới đột phá và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện thì có thể huy động được một phần (chẳng hạn, nếu huy động được 5 tỉ đô-la Mỹ sẽ bằng khoảng 20% vốn đầu tư của khu vực tư nhân và dân cư năm 2014).

“Nhưng đây là một bài toán rất khó giải trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay khi niềm tin của người dân vào đầu tư kinh doanh đã mất đi nhiều mà chưa lấy lại được,” ông nhận xét.

Do các nguồn vốn ngày càng trở nên khó khăn như phân tích trên, ông Hồ cho rằng, con đường và giải pháp chủ yếu để giải quyết vấn đề này là chuyển mạnh hơn nữa sang việc xây dựng hoàn thiện và thực thi hiệu quả thể chế kinh tế thị trường đầy đủ và ngày càng hiện đại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thông qua tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, về điểm này, ông tỏ ra không mấy lạc quan: “Thống nhất như vậy nhưng khi thực hiện thì lại vướng không ít trở ngại về quán tính của mô hình và cơ chế cũ đã ăn sâu vào đời sống kinh tế, trong đó nổi bật là chưa tạo được sự bình đẳng thật sự giữa các thành phần kinh tế, còn quá coi trọng kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, chưa phát huy được kinh tế tư nhân.”

Ông phân tích, Nhà nước vẫn còn ôm quá nhiều chức năng, nhiệm vụ trực tiếp làm kinh tế và chính đây là nguyên nhân tạo ra sự khai thác chưa hết, sử dụng kém hiệu quả nguồn vốn còn khan hiếm và còn gây ra nhiều thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Lợi ích nhóm bành trướng ở chỗ này chỗ kia làm cho việc khai thông trở nên rất khó khăn.
 

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo