Nhiều nhà đầu tư bỏ Trung Quốc chọn Việt Nam
Khoảng nửa số doanh nghiệp FDI trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (chủ yếu là Trung Quốc với 20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%).
Việt Nam ít phải đối mặt với rủi ro thu hồi tài sản
Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2014 (PCI 2014) vừa được đưa ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước cùng khu vực tiếp tục được cải thiện đáng kể.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong năm qua, VCCI đã thực hiện cuộc khảo sát thu thập ý kiến của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất theo số liệu của Tổng Cục Thống kê.
Cũng theo ông Lộc, tương tự như điều tra với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI được lựa chọn từ danh sách doanh nghiệp đang đóng thuế của Tổng cục Thuế. Nhóm nguyên cứu đã sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng ở cấp tỉnh, để đảm bảo tính đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp FDI đa dạng đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát PCI, khoảng 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). Những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013 và cho thấy sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng, về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007 - 2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Philippines…
Điểm đáng chú ý, trong số nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.
Ngoài ra, Báo cáo của của VCCI cũng đưa ra một kết quả tương đối thú vị về ưu tiên chính của các nhà đầu tư, cũng như cảm nhận của họ về môi trường kinh doanh của Việt Nam, so với các quốc gia cạnh tranh khi quyết định chọn địa điểm hoạt động.
Theo đó, nhà đầu tư đã cảm thấy tự tin hơn nhiều, về khả năng rủi ro bị thu hồi tài sản nếu đầu tư tại Việt Nam so với các nước khác. Trong đó, 76,4% cho rằng tại Việt Nam họ ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản hơn so với Trung Quốc, và ngạc nhiện hơn khi 71% doanh nghiệp xếp hạng Việt Nam cao hơn Thái Lan.
Gánh nặng thuế Việt Nam nhẹ hơn Trung Quốc, Philippines
Cũng theo báo cáo PCI, hiện các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn, về tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công như giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Về mức độ ảnh hưởng chính sách, doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho rằng tại Việt Nam họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh đặc biệt tại 2 nước Campuchia, Lào.
Điểm số này nhiều khả năng ảnh phản ánh hoạt động mạnh mẽ của các nhóm những nhà đầu tư vận động cải thiện môi trường kinh doanh, và sự sẵn có của nhiều diễn đàn mở ra cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối thoại trực tiếp với chính quyền cấp cao của Việt Nam.
Đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, tính ổn định chính sách còn quan trọng hơn nữa bởi tính chất của ngành công nghệ cao là thời gian sinh lợi lâu và rủi ro đầu tư lớn hơn.
Đặc biệt, nếu như năm ngoái, Việt Nam vượt trội so với một số quốc gia cạnh tranh về mức thuế, năm nay tiêu chí này còn tốt hơn nữa. Cụ thể, các nhà đầu tư cho rằng gánh nặng thuế suất của Việt Nam đã nhẹ hơn so với Trung Quốc và Philippines.
Trước những điểm tích cực trên có thể thấy rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cắt giảm gánh nặng quy định cho doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, các chi phí thời gian và tiền bạc khi gia nhập thị trường như chi phí xin giấy phép đầu tư và đăng ký kinh doanh vẫn ở mức hợp lý. Các thủ tục gia nhập thị trường tiếp tục cải thiện, vì Quốc hội gần như đã thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, nhằm mục đích đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp được điều tra cũng cho biết họ vẫn chịu nhiều chi phí cho các gánh nặng quy định, khi phải tuân thủ với các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra và thủ tục hải quan. Vì vậy, những vấn đề này được doanh nghiệp kiến nghị, đưa vào các chương trình nỗ lực cải cách hành chính sắp tới của Việt Nam.
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT
Cột tin quảng cáo