Nhiều nơi thiếu chỗ học nhưng vẫn có trường bỏ hoang
Xây 4 phòng học khang trang ở chỗ không có trẻ đến trường
Chúng tôi có mặt tại điểm trường thôn Xuân Phú (thuộc Trường tiểu học Yên Hà, xã Yên Hà, huyện Quang Bình) vào một ngày thứ 5 của tuần giữa tháng 11. Dù là ngày học chính, nhưng trường vắng tanh không một bóng học sinh. Đối với người dân địa phương, tình trạng này không có gì là lạ, bởi từ khi xây dựng kiên cố xong với 4 phòng học vào năm 2007, tại điểm trường này chưa bao giờ có học sinh. Mới từ tháng 9 đến nay, trường mầm non của thôn có mượn 2 phòng học để trông 12 cháu nhỏ của đội 4, còn trước đó trường là kho đựng đồ của người trông trường và một vài hộ dân xung quanh.
Theo tấm biển gắn trên tường, ngôi trường này được xây dựng trong khuôn khổ Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do địa điểm chọn để xây trường không thuộc trung tâm thôn mà chỉ nằm ở 1 đội với 18 hộ, tổng số trẻ trong độ tuổi cấp I, cấp II mới được 18 cháu. Do vậy, ngay từ lúc xây trong, trường đã trong tình trạng không có học sinh mà tuyển cho đủ 1 lớp, chưa nói gì đến 4 lớp học.
Mặt khác, theo cô giáo trường mầm non, cả thôn năm học vừa qua cũng chỉ có 5 cháu lên lớp 1, nên phải ghép với trường xã Bằng Lang hoặc trường Tiểu học ở thôn Yên Phú mới đủ lớp, nên đã sang học trường bên đó. Được biết, từ năm 2009, khi không tuyển được học sinh nữa, trường đã cho mẫu giáo mượn một phòng, nhưng chỉ sau một năm, trường mẫu giáo cũng đóng cửa vì không có học sinh. Sau đó trường bỏ hoang một thời gian dài cho đến tháng 9 năm nay lại tuyển được 12 cháu mầm non.
Điều ngược đời là, trong khi ngôi trường khang trang này bỏ hoang, thì tại trung tâm thôn, trường mầm non đang phải học nhờ 1 gian của trụ sở thôn và 1 lớp khác thì học ở nhà tạm. Các cô giáo mầm non vẫn ao ước “giá bê được cái nhà này vào trong kia thì tốt”.
Không riêng gì trường mầm non Xuân Phú ước có lớp để học, ngay cách đó chừng 2km, điểm trường mầm non thôn Thượng (xã Bằng Lang) với 60 cháu cũng đang học trong nhà tạm. Các cô giáo trong trường cho biết, 3,4 năm gần đây lớp học mới có được cái nền xi măng để trẻ chơi cho khô ráo, còn trước đó là nền đất. Vách của lớp được làm bằng nứa, mái lợp lá, mưa thì hắt, nắng thì chiếu vào lớp cả sáng lẫn chiều. Các cô giáo trong trường từ nhiều năm nay luôn mong ước có một ngôi trường mới.
“Tranh thủ” vốn đầu tư, không có học sinh cũng phải xây trường mới
Tại Quang Bình, không riêng gì điểm trường thôn Xuân Phú bị bỏ hoang, mà còn nhiều điểm khác xây dựng lãng phí. Đó là điểm Trường THCS Sơn Đông (xã Hương Sơn) với quy mô 2 tầng, 8 phòng học, kinh phí xây dựng là gần 2 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra, xác minh hiệu quả công tác xây dựng trường học trên địa bàn của Huyện ủy Quang Bình vào cuối năm 2011, tại khu vực thôn này chỉ có 39 em trong độ tuổi cấp I, cấp II (6 đến 14 tuổi) và chỉ có 31 em theo học ở điểm trường gồm 18 học sinh tiểu học và 13 cháu nhà trẻ, mẫu giáo. “Cố gắng” lắm, trường mới sử dụng được 4 phòng học. Đáng nói hơn, điểm trường này vốn không có trong chủ trương đầu tư xây dựng mà được điều chỉnh để “tranh thủ” nguồn vốn kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008 – 2012, vì các ngôi trường có trong danh mục đã được kiên cố hóa hết bằng các nguồn vốn khác.
Lãng phí hơn cả là công trình Trường THCS xã Xuân Minh với quy mô vốn đầu tư lên tới hơn 5,7 tỷ đồng, cũng chỉ với 2 tầng, 8 phòng học (trong đó riêng tiền san ủi mặt bằng đã gần... 4 tỷ đồng). Cũng theo kết quả kiểm tra của Huyện ủy Quang Bình vào cuối năm 2011, dù trường chưa xây xong thì người ta cũng đã biết sẽ thiếu học sinh, vì toàn xã hiện 310 em đang đến trường, thì riêng cơ sở vật chất Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Xuân Minh gồm 14 phòng học hiện đã thừa đến... 4 phòng.
Vậy mà không hiểu sao người ta vẫn tiếp tục bỏ thêm 5,7 tỷ đồng xây thêm 8 phòng học để dạy ai? Đặc biệt hơn cả là họ đã không ngại “khó”, ngại “khổ”, xây dựng trường ở một địa điểm “éo le” đến độ phải bỏ ra đến 70% tổng giá trị dự án để... san nền. Một lần nữa, công trình này vốn cũng không có trong chủ trương xây dựng mà chuyển đổi từ dự án xây dựng trường mầm non Hương Sơn.
Điểm trường mầm non thôn Thượng với 60 cháu phải học trong các nhà tạm.
Trong kết luận kiểm tra của mình, Huyện ủy Quang Bình cho rằng Công trình trường THCS Sơn Đông và Xuân Minh chưa phát huy hiệu quả do “công tác phối kết hợp giữa ngành và cấp, giữa các cơ quan chuyên môn của huyện với cấp ủy, chính quyền các xã chưa tốt, dẫn đến đánh giá chưa đúng nhu cầu”, còn riêng điểm trường thôn Xuân Phú là do... khách quan?!
Huyện Quang Bình cũng đưa ra các “giải pháp khắc phục” là bố trí các phòng học thành nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại điểm trường Xuân Phú, ngoài mỗi phòng cố lắm mới được 5, 7 trẻ mẫu giáo theo học, 2 phòng khác hiện la liệt lạc, thóc, thúng mủng, xe đạp... như một cái nhà kho. Chẳng có giáo viên nào có nhu cầu ở “nhà lưu trú” đó, bởi gia đình họ cách trường chẳng bao xa.
Không hiểu những người có trách nhiệm nghĩ sao mà tiêu tốn hàng chục tỷ đồng vào những công trình không dùng làm gì cả. Thế nhưng, trong báo cáo kiểm tra năm 2011 của Huyện ủy Quang Bình, không có một dòng nào nói đến vấn đề trách nhiệm!
Hồng Lĩnh (Theo CAND)
End of content
Không có tin nào tiếp theo