Nhiều nước chỉ trích sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump
Theo TTXVN, từ Paris, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết Pháp và Đức quan ngại về một số quyết định của Tổng thống Mỹ Trump, nhất là quyết định nhằm hạn chế những người tị nạn đến Mỹ.
Phát biểu ngày 28/1 tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Ayrault nói: "Quyết định này chỉ có thể làm chúng ta lo lắng. Việc chào đón người tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh là một phần nhiệm vụ chúng ta".
Trước đó, từ Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Tổng thống Trump, nhấn mạnh rằng "giờ không phải là thời điểm để xây tường ngăn giữa các nước". Mặc dù ông Rouhani không bình luận trực tiếp về sắc lệnh nêu trên song nói rằng Iran đã mở cửa cho du khách nước ngoài kể từ khi ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới vào năm 2015.
Trong khi đó, ngày 28/1, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục cung cấp nơi cư trú cho những người tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh và sự ngược đãi, nhấn mạnh rằng chương trình này hết sức quan trọng.
Theo TTXVN, trong một thông báo chung, UNHCR và IOM nêu rõ: "Nhu cầu của người tị nạn và người di cư trên thế giới chưa bao giờ cao hơn lúc này, và chương trình tái định cư của Mỹ là một trong những chương trình quan trọng nhất trên thế giới."
Hai cơ quan có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) này cam kết tiếp tục hợp tác với chính quyền Mỹ nhằm đảm bảo "sự an toàn cũng như các chương trình nhập cư và tái định cư".
Ngày 27/1, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh mới cấm toàn bộ người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo trên thế giới nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày tới.
Sắc lệnh vừa ký cấm toàn bộ người dân đến từ Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen – với ước tính tổng cộng 134 triệu dân dựa trên thống kê năm 2013 của World Bank. Đây cũng chính là những quốc gia đã bị Mỹ xếp vào danh sách “các nước đáng lo ngại” theo một đạo luật về thị thực nhập cảnh năm 2016.
Hơn nữa, danh sách 7 quốc gia trên được cho mới chỉ là giai đoạn mở đầu của một lệnh cấm rộng rãi hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo