Tài chính - ngân hàng

Nhiều nước thả nổi tỷ giá: Thiệt thòi cho xuất khẩu Việt Nam

Theo Hiệp hội Vasep, trên thị trường thế giới, VND đang thực sự yếu hơn so với Nhân dân tệ, Rupee, Taka, Peso… và nhiều nước thả nổi đồng nội tệ hàng chục phần trăm - đó là một thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước nguồn cung khác.

 

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), động thái Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng từ ngày 7/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD đã tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
 
Theo đó, động thái tích cực này của NHNN được cho là sẽ giảm “bớt nhiệt” cho những khó khăn của xuất khẩu thủy sản do biến động về tỷ giá ngoại tệ trong thời gian gần đây.
 
Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD. Trong thời gian tới, NHNN dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.
 
 
Theo Hiệp hội Vasep, trên thị trường thế giới, VND đang thực sự yếu hơn so với Nhân dân tệ, Rupee, Taka, Peso… và nhiều nước thả nổi đồng nội tệ hàng chục phần trăm - đó là một thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước nguồn cung khác.
 
 
Thống kê của Vasep cho hay, có đến hơn 90% doanh nghiệp thủy sản lựa chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Đợt điều chỉnh tỷ giá này sẽ tác động trực tiếp theo hướng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn thu USD nhưng cho đến nay, tỷ giá các đồng nội tệ ở những thị trường này vẫn đang mất giá so với đồng USD. Điều này dẫn tới, nhu cầu vẫn chưa tăng cao, khách hàng tiếp tục đòi giảm giá nhập khẩu. 
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước đối thủ như: Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… Chính phủ các nước này đang thả nổi tỷ giá lên tới hàng chục % để ủng hộ cho xuất khẩu. Khó khăn hơn, trên thị trường thế giới, VND đang thực sự yếu hơn so với Nhân dân tệ, Rupee, Taka, Peso… Đó đã là một thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước nguồn cung khác – Vasep nhìn nhận.
 
Ước tính, từ đầu năm tới nay, đồng Yên đã giảm 15-20%, đồng EUR cũng giảm sâu tới 20% so với USD. Điều này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường lớn thứ 2 và 3 thủy sản Việt Nam là EU và Nhật Bản giảm mạnh. 
 
Tính đến hết tháng 3/2015, giá trị xuất khẩu sang thị trường EU đạt 251 triệu USD, giảm 10,7%; giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 193 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu tôm sang EU giảm 3%; sang Nhật Bản giảm 27,6%; giá trị xuất khẩu cá tra sang EU cũng giảm 17,7%; xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm 15,5% và sang Nhật Bản giảm mạnh tới 43,2% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Vasep cho rằng, việc nới lỏng biến tỷ giá chỉ là một động thái trong nhiều các biện pháp khác để thúc đẩy xuất khẩu, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuấ khẩu tăng hay giảm trong quý tới, năm tới. 
 
Kế hoạch trước mắt của các doanh nghiệp là ứng phó linh hoạt với những biến động của thị trường xuất khẩu, tranh thủ điều kiện, cơ hội mà các chính sách trong nước đang mang lại. Biến động tỷ giá cũng là một khó khăn không tác động trực tiếp tới sản xuất, xuất khẩu nhưng đã tạo hiệu ứng không tốt cho xuất khẩu thủy sản kể từ cuối năm 2014 đến nay. Dự báo sau động thái điều chỉnh tỷ giá, xuất khẩu thủy sản sẽ có động lực hồi phục trong thời gian tới.
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo