Pháp luật

Nhiều sai phạm trong quản lý dược

Tại buổi họp báo hôm qua 16.4, Thanh tra Chính phủ cho biết kết luận thanh tra việc thực hiện quản lý nhà nước về dược tại Bộ Y tế đã phát hiện nhiều điểm rất bất thường.

(TNO) Cụ thể, thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp thực tế chậm so với thời gian quy định, kể cả đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Sau khi được cấp số đăng ký thuốc vẫn còn tình trạng sản xuất các lô thuốc không đúng quy định.

Việc phê duyệt kế hoạch thanh tra các năm 2008, 2009 và 2011 của lãnh đạo Bộ Y tế cũng chậm so với quy định. Một số quyết định thanh tra có thời hạn quá dài, cá biệt có những quyết định thanh tra không có thời hạn thanh tra.

Đơn cử, Bộ Y tế đã tổ chức xác minh đơn khiếu nại của Công ty Nanogen nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, không có báo cáo kết luận thẩm tra xác minh, không có kết luận kiến nghị về việc giải quyết khiếu nại. Những điều này đã gây ra tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp.

Đáng nói hơn, năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế về việc thanh tra hoạt động kinh doanh tại Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam (doanh nghiệp này từng được phản ánh không có chức năng phân phối thuốc). Tuy nhiên, việc thanh tra kết thúc đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo hay kết luận thanh tra. Thanh tra Chính phủ xác định, Bộ Y tế đã không thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế xem xét xử lý vi phạm đối với 8 doanh nghiệp gồm: Công ty CP dược Trung ương Mediplantex, Công ty TNHH liên doanh Stada-VN, Công ty CP dược phẩm Imexpharm, Công ty CP dược phẩm Tiền Giang, Công ty CP dược phẩm Minh Hải, Công ty CP xuất nhập khẩu y tế TP.Hồ Chí Minh, Công ty CP dược phẩm OPV và Công ty CP dược phẩm Hà Tây. Đồng thời, Bộ Y tế cũng phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân vi phạm quy định pháp luật thanh tra, trong đó ký quyết định thanh tra không có thời hạn hoặc thời hạn quá dài, kết thúc thanh tra nhưng không báo cáo, không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết thúc cuộc thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2004-2011, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định và Bộ Tài nguyên-Môi trường thu hồi số tiền sai phạm hơn 50 tỉ đồng để nộp ngân sách nhà nước.

Cục Thuế tỉnh Bình Định và UBND huyện có liên quan đôn đốc thu hồi khoản tiền trên 210 tỉ đồng và gần 100.000 USD mà các doanh nghiệp còn nợ tiền sử dụng đất. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các cán bộ, công chức liên quan.

 

 

H.C

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo