Thị trường

Nhiều tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước: Nợ khó đòi lớn

Sáng 25/7, Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố Báo cáo kiểm toán 2013, theo đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn. Một số ngân hàng thương mại nhà nước nợ xấu tăng cao...

Nợ quá hạn của Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lên tới 9.650 tỷ đồng. Ảnh: Như Ý

EVN khai doanh thu không đúng

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong số 242 đơn vị thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán, hầu hết các doanh nghiệp đều phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Quan hệ mua bán giữa công ty mẹ và công ty con/công ty liên kết chưa đảm bảo khách quan, không đúng quy định.
 
Dẫn chứng cụ thể là trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), KTNN khẳng định “EVN đã khai doanh thu không đúng”. Cụ thể, công ty mẹ EVN đã nâng giá mua điện tại hai nhà máy điện là Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Uông Bí và Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ với tổng số tiền là 865,8 tỷ đồng. 
 
EVN còn giảm giá bán điện cho 5 tổng công ty điện lực với số tiền là 1.717 tỷ đồng để hỗ trợ bù lỗ cho các đơn vị này. Ngoài ra, EVN không đăng ký tiêu thức phân bổ, phân bổ không đúng tỷ lệ đối với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo lộ trình tại phương án giá bán điện.  
 
Ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành VI (kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước), cho biết, sản xuất, kinh doanh của EVN năm 2012 lãi 8.814 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên EVN lãi sau khi liên tục có vài năm lỗ và lý do lãi là nhờ “2 lần tăng giá điện”.
 
 Nguyên nhân lỗ là do nhiều năm trước, EVN đã vay vốn nước ngoài để đầu tư nhà máy điện, lúc tỷ giá chỉ ở mức từ 13-14 nghìn đồng/USD, đến nay giá USD lên 20-21 nghìn đồng/USD. Ngoài ra, EVN thực hiện chính sách bình ổn giá, giá bán điện thấp hơn giá thành dẫn đến lỗ kinh doanh điện. Ngoài ra, EVN phải gánh thêm khoản tiền mua nhiên liệu phát điện như mua khí, mua than với giá cao. 
 
Về công tác quản lý vốn của các doanh nghiệp, báo cáo KTNN đánh giá nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ dẫn tới nợ quá hạn, nợ khó đòi lớn. Cụ thể, KTNN chỉ ra số nợ quá hạn của Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) lên tới 9.650 tỷ đồng. Một số đơn vị cũng có số nợ lớn như: Công ty mẹ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có số nợ quá hạn hơn 2.314 tỷ đồng...
 
Một số khoản nợ giữa các tập đoàn vẫn ở mức lớn kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Tới 31/12/2012, EVN còn nợ PVN 12.651 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chưa thanh toán cho PVN khoản ứng vốn trước đó là trên 229 tỷ đồng với thời hạn trả nợ từ quý 1 năm 2011… 
 
Nợ xấu tại Agribank, Vietinbank tăng
 
Năm 2013, KTNN tổ chức kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và 3 ngân hàng thương mại (NHTM) là Vietcombank, Vietinbank và Agribank.
 
Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (KTNN) cho biết, năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Kết quả kinh doanh các ngân hàng vẫn có lãi, lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Vietinbank, Vietcombank và Agribank lần lượt là 8.121 tỷ đồng, 5.764 tỷ đồng và 2.876 tỷ đồng.
 
Buổi họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2013, sáng ngày 25/7 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn
 
Trong số các NHTM được kiểm toán, duy nhất Agribank không đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động. Ngân hàng này thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với VND. Theo kết quả thanh tra giám sát của NHNN đối với 59 tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2012 là 7,8%. Kết quả kiểm toán cho thấy, tỷ lê nợ xấu tại VDB là 10,58% và Agribank là 8,16%. 
 
Trong số đó, nợ có khả năng mất vốn của Agribank và Vietinbank chiếm tỷ lệ lớn trên tổng nợ xấu. Vietinbank là 2.132 tỷ đồng (chiếm 42,8% dư nợ xấu); Agribank là 23.652 tỷ đồng (chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ). Nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, hai NHTM này có tỷ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn theo quy định của NHNN, cụ thể Vietinbank là 5,23%; Agribank là 15,68%.
 
Agribank còn có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. Điển hình cho việc này là tại chi nhánh Agribank TPHCM, dư nợ của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương đến ngày 31/12/2012 là 3.700 tỷ đồng (nợ gốc hơn 2.967 tỷ đồng, lãi 732,3 tỷ đồng); tại chi nhánh Tân Bình, đến ngày 30/6/2013, tổng dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á là 200,5 tỷ đồng, của nhóm khách hàng cán bộ tín dụng là 24,2 tỷ đồng.
 
Đối với VDB, tỷ lệ nợ xấu của các chương trình tín dụng ưu đãi tại ngân hàng này cũng cao. Nợ xấu tín dụng đầu tư là 22.649 tỷ đồng, bằng 19% tổng dư nợ tín dụng đầu tư; nợ xấu tín dụng xuất khẩu là 3.285 tỷ đồng, bằng 32,06% tổng dư nợ tín dụng xuất khẩu. 
 
Ông Phạm Thanh Sơn, Kiểm toán trưởng chuyên ngành VII (kiểm toán ngân hàng, các tổ chức tài chính), cho biết, VDB còn chưa cân đối giữa nhu cầu vốn và huy động vốn, dẫn đến tồn đọng vốn lớn làm tăng cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, số dư tiền gửi bình quân năm tại VDB lên tới 25.140 tỷ đồng. 
 
Ngoài ra, các NHTM đều huy động vốn của bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng hình thức vay phù hợp với Luật BHXH, nhưng không đúng quy định của Luật các TCTD và chưa điều chỉnh sang hợp đồng tiền gửi theo chỉ đạo của NHNN, dẫn đến huy động vượt trần lãi suất. Số tiền lãi huy động vượt trần của Agribank là 10,57 tỷ đồng; Vietcombank 25,56 tỷ đồng; Vietinbank: 30,79 tỷ đồng.
 

Chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra

 
Tại họp báo, ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, KTNN đã chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra và 1 vụ việc sang cơ quan thanh tra giám sát của NHNN. 
 
Năm vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra gồm: 1 vụ của Công ty CP Tài chính Sông Đà, hai vụ về hai chi nhánh của Agribank, hai vụ thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam. Theo ông Dũng, qua kiểm toán việc sử dụng tiền và tài sản nhà nước ở 16 bộ ngành và 32 địa phương, KTNN phát hiện hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước được nhiều địa phương, bộ, ngành sử dụng chưa đúng quy định.
 
KTNN cũng cho biết, qua kiểm toán năm 2012 ở nhiều trường đại học, phát hiện số học phí thu cao hơn quy định lên tới 200 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo