Nhìn lại vụ án “con ruồi nửa tỷ”: Cơ hội sống tốt, kinh doanh tốt đã bị bỏ qua?
Hẳn những người đam mê tiểu thuyết còn nhớ Jean Valjean, nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo, vốn là một người tù khổ sai do ăn cắp một mẩu bánh mì. Sau 19 năm ngồi tù, Jean Valjean được thả. Tuy nhiên anh phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu của những người có tiền án, tiền sự. Jean Valjean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. Giám mục Myriel, một người nổi tiếng vì những công tác từ thiện đã cho Jean Valjean nương náu. Tuy vậy, khi đêm xuống, mọi người chìm vào giấc nồng, Jean Valjean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của Giám mục Myriel và chạy trốn.
Cảnh sát bắt được anh và đem đến hỏi Giám mục Myriel. Nhưng Giám mục Myriel nói với cảnh sát rằng: đó là những đồ ông tặng cho Jean Valjean. Một câu nói của Giám mục đã cứu thoát một người khốn khổ. Lúc chia tay Giám mục Myriel khuyên nhủ Jean Valjean phải trở thành người lương thiện lương thiện, sống tốt với mọi người. Jean Vanjean sau đó đã sống tốt cho đến ngày nhắm mắt, mặc dù quá khứ luôn theo đuổi anh, nhất là trong giây phút sắp sửa lìa đời. Nhưng quá khứ ấy luôn khiến anh sống tốt hơn. Quá khứ ấy như một lời cảnh báo giúp anh chẳng phạm sai lầm nào nữa.
Anh Võ Văn Minh, bị kết án 7 năm tù vì thỏa thuận với Tân Hiệp Phát về chai nước ngọt có ruồi với giá 500 triệu có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản. Anh đã không may mắn như người khốn khổ Jean Valjean trong câu chuyện hồi thế kỷ 19 của nước Pháp. Sự thỏa thuận của anh Minh với Tân Hiệp Phát chỉ có lợi cho anh nếu sự việc không bị công an bắt quả tang, còn rõ ràng không có lợi cho cộng đồng.
Cũng chả biết tự bao giờ, người tiêu dùng Việt Nam khi thấy một sản phẩm có lỗi thì thường mặc cả với nhà sản xuất để… bán “sự im lặng”. Những sự việc tương tự liên quan đến sản phẩm nước ngọt của Tân Hiệp Phát từ trước khi anh Võ Văn Minh bị bắt đã có. Anh Nguyễn Quốc Tuấn (Bình Thạnh, TP. HCM) đã chịu mức án 3 năm tù cho tội Cưỡng đoạt tài sản hồi năm 2013 khi anh này nhận 50 triệu đồng để đưa lại cho Tân Hiệp Phát chai nước trà xanh không độ có gián bên trong. Trước khi nhận 50 triệu đồng, anh Tuấn cũng nói nếu Tân Hiệp Phát không mua lại chai nước, anh sẽ công bố để cảnh báo người tiêu dùng.
Trong cả hai sự việc, người ta có thể thương cảm hoàn cảnh anh Minh, anh Tuấn. Nhưng một điều đã bị bỏ quên: lợi ích của cộng đồng đã bị anh Minh, anh Tuấn đặt sau lợi ích cá nhân. Vì lòng tham hay vì một điều gì khác, đó là điều mỗi người có cách nhìn nhận riêng khi đặt mình vào vị trí của hai anh. Chỉ có điều: nếu dùng lợi ích cộng đồng, hay sự phản ứng của cộng đồng để tạo ưu thế khi thỏa thuật, cò kè với nhà sản xuất về những sản phẩm lỗi, có ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, đó là điều khó chấp nhận.
Tại sao mọi người lại không đồng tình với Tân Hiệp Phát khi những người như anh Minh, anh Tuấn bị kết án vì tội cưỡng đoạt tài sản? Điều này Tân Hiệp Phát cần phải tự vấn. Dù anh Tuấn, anh Minh có tội như phán quyết của tòa, thì công luận vẫn không hài lòng. Nguyên nhân có thể do cách hành xử của Tân Hiệp Phát.
Công luận chỉ thấy rằng: Những người mặc cả với Tân Hiệp Phát và bị công an bắt quả tang. Tại phiên tòa xử anh Võ Văn Minh, phía Tân Hiệp Phát cũng không trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho anh Võ Văn Minh: Tại sao đã thỏa thuận rồi lại còn đi báo công an? Thái độ im lặng của đại diện Tân Hiệp Phát trước câu trả lời này khiến công luận càng có nghi ngờ về việc doanh nghiệp này đã đẩy người tiêu dùng vào vòng lao lý mà hậu quả pháp lý sẽ còn ám ảnh họ cả đời.
Mặt khác, tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 135 BLHS rằng: "Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Tranh tụng tại tòa, những yếu tố cấu thành nên tội cưỡng đoạt tài sản dường như vẫn chưa được làm rõ cũng khiến công luận không hài lòng.
Bởi vậy, công luận không nhìn thấy một Tân Hiệp Phát tội nghiệp, cố gắng phấn đấu vì một thương hiệu Việt, mà chỉ nhìn thấy một doanh nghiệp, với sức mạnh kim tiền, đã đẩy một người nông dân khốn khổ vào bước đường cùng với hoành cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”.
Anh Minh, anh Tuấn và Tân Hiệp Phát, xét cho đến cùng đều đang thực hiện cùng một hành vi: “Giấu diếm thông tin về vệ sinh, an toàn thực phẩm, có tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng”. Giả sử công an không nhận được tin báo, và thỏa thuận giữa anh Minh, anh Tuấn với Tân Hiệp Phát được thực hiện, thì những vụ việc nước ngọt của Tân Hiệp Phát có ruồi, có gián, không đạt chất lượng… chắc khó, hoặc ít bị phanh phui. Và cộng đồng tiêu dùng vẫn sẽ an tâm dùng những loại nước ngọt mà về bản chất, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa có một kết luận minh bạch, khả tín.
Có những ý kiến cho rằng: công luận và truyền thông đang “bức tử” một thương hiệu Việt, và rằng: việc bức tử này sẽ tạo điều kiện cho các hãng nước ngọt ngoại quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng: sức sống của một thương hiệu, một doanh nghiệp chính là quá trình sản xuất phải nhân văn, công tác tiếp thị tốt, giá cả hợp lý, đồng thời, thái độ đối xử với người tiêu dùng cần phải trân trọng, có văn hóa.
Bởi vậy, cả người tiêu dùng và nhà sản xuất cần có một thái độ ứng xử văn minh, phù hợp với lợi ích cộng đồng. Có như thế mới tránh được tình trạng đối đầu không cần thiết, dẫn tới những thiệt hại khôn lường.
Chẳng biết sau 7 năm tù, anh Minh có trở thành người tốt như Jean Valjean được không? Và cũng chẳng biết sau 7 năm nữa, Tân Hiệp Phát có hành xử với người tiêu dùng theo các chuẩn mực văn minh hay không? Chỉ biết hiện tại: Cơ hội để cả hai bên tốt lên đã tan theo mây khói !!!!
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo