Môi trường

Nhức nhối, dai dẳng nạn lâm tặc ở rừng quốc gia Cúc Phương

Một số khu rừng như Đá Cháy, Dốc Ngù, Thung Đớn, Boạc Vàng Mít, Thung Nọc đã bị lâm tặc lén lút khai thác nhiều năm nay. Nhiều cây gỗ quý có giá trị kinh tế bị chặt phá, rừng giờ hầu như không còn gỗ tốt, chỉ còn vài loại gỗ tạp, sâu mục bên trong.

Một thân cây rỗng ruột nên bị lâm tặc bỏ lại.

 

 Gỗ rừng bị “tùng xẻo” tan hoang

 

Thông tin từ một người bạn làm tôi hết sức sửng sốt: “Rừng cấm Cúc Phương quê tôi hiện đang bị lâm tặc chặt phá, khai thác gỗ, nếu các anh nhà báo không vào cuộc sớm, chẳng mấy chốc khu rừng nguyên sinh kia sẽ trở thành một khu vườn hoang, lèo tèo chỉ còn lại vài cây bụi”. Và để chúng tôi yên tâm, ông bạn cho biết: “Cứ về đó sẽ có anh Đinh Văn B dẫn các anh vào rừng”.
 
Đúng hẹn, chúng tôi đến bìa rừng tiếp giáp rừng Cúc Phương tại thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa gặp anh B theo lời giới thiệu của anh bạn. Đi qua trạm kiểm lâm Thạch Quảng và đội bảo vệ Lâm trường Đồng Luật, chúng tôi đi sâu vào rừng già thuộc khu vực phục hồi sinh thái. Anh B cho biết: “Nhìn khu rừng bề ngoài có vẻ hoành tráng nhưng thực ra chỉ còn cái xác, gỗ quý bên trong bị lấy đi khá nhiều rồi, giờ chỉ còn lại mấy loại cây gỗ tạp, sâu đục bên trong thôi”.
 
Anh B dẫn chúng tôi vào khu Đá Cháy, vạch lá phát dây leo đến bên một cây sấu to phải đến 3 - 4 người ôm, có bộ rễ trồi lên mặt đất bành ra như một con rắn hổ mang. Cây sấu trên mới bị lâm tặc cưa trộm cách đây chưa lâu, vết gỗ cưa đã ngả mầu nhưng vẫn còn mới. Dưới gốc cây sấu, nhiều ván gỗ xẻ được lâm tặc để lại, nằm la liệt. Đến đoạn phía khu rừng Dốc Ngù, chúng tôi gặp nhiều gốc gây rừng bị chặt hạ, nhiều gốc cây mọc lên rêu mốc.
 
 Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là khu Boạc Mít Vàng - tên địa phương hay gọi - như anh B cho biết. Trong khu vực này, tình trạng lâm tặc phá rừng diễn ra khá nghiêm trọng, nhiều cây gỗ bị đốn hạ nằm chỏng trơ giữa rừng, đi một đoạn lại gặp một gốc cây bị khai tử. Nhiều khúc gỗ dài 50 - 60m, ván gỗ, thớt tròn bị vứt lại giữa rừng. Nhiều chai đựng dầu, xăng dùng cho cưa máy vứt ngổn ngang trên mặt đất. Bên một chân núi, có đến hàng chục tấm ván gỗ loại tốt dày 40cm, dài 60cm bị lâm tặc bỏ lại.
 
Tại khu Thung Nọc, nhiều cây gỗ rừng, ván rừng còn mới tỏa ra mùi thơm của gỗ, xung quanh còn vương vãi mùn cưa - dấu vết chứng minh cho việc phá rừng vừa mới diễn ra cách đây chưa lâu. Khi trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, ông Tạ Đức Biên - Phó Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương - phân bua: “Chưa thể khẳng định đó là gỗ mới chặt, phải là những người làm trong nghề thì mới biết đâu là gỗ mới hay cũ, chỉ nhìn mùn cưa thì khó có thể khẳng định được đã cưa lâu hay chưa. Cây gỗ trên có khi đã bị chặt 7 - 8 năm rồi, nhìn mùn cưa là biết”. 
 
Chúng tôi đặt ra câu hỏi: “Trong điều kiện bình thường, cây gỗ nếu bị cưa nằm chỏng trơ dưới đất lâu 7 - 8 năm trong rừng thì đã mục ruỗng từ lâu rồi, không có loại mạt cưa gỗ nào tồn tại đến 7 - 8 năm, như vậy điều ông Biên nói là không thuyết phục(!?).
 
Gỗ rừng bị khai tử ra sao?
 
Để lên được rừng cấm, lâm tặc phải vòng qua các thôn như Đồng Luật, Nông Trường (Thành Mỹ), Yên Sơn, Thành Trung (Thành Yên). Lâm tặc chủ yếu là người dưới xuôi được người dân trong vùng chỉ điểm chặt cây để ăn chia hoa hồng. Người dân tại đây có quy ước, khi đi rừng chặt gỗ, chỉ cần lấy búa đẽo một đoạn vỏ cây để đánh dấu cây gỗ trên đã có chủ, người đi sau khi thấy cây đã có chủ sẽ tự ý đi tìm cây gỗ khác.
 
Cứ chọn được một cây ưng ý là lâm tặc dùng cưa xăng chặt hạ ngay. Nhiều cây rừng bị chặt hạ xuống, nếu thấy ruột bị rỗng do kiến mối ăn hay chất gỗ không tốt là lâm tặc bỏ lại luôn. Mỗi nhóm lâm tặc thường có khoảng 4-5 người, mỗi người tương ứng với một công thợ. Khi chọn được một cây có chất gỗ tốt, đám lâm tặc sẽ tiến hành cưa ra làm nhiều khúc, rồi xẻ thành ván dài, ngắn khác nhau cho dễ vận chuyển. 
 
Nhiều trường hợp gặp cây gỗ to có chất lượng tốt, cho dù có ham đến mức nào đi chăng nữa, lâm tặc cũng chỉ dám lấy mỗi người đủ một công thợ tương ứng với sức khỏe của mình để vác ra khỏi rừng. Mỗi một lâm tặc, có khỏe như con trâu rừng, cố gắng hết sức lực cũng chỉ vác được một một đoạn gỗ nặng không quá 60kg. Đôi khi xảy ra tình trạng, dù khúc gỗ, tấm ván có đẹp, chất lượng tốt đến bao nhiêu, lâm tặc vẫn phải dùng cưa xẻ, vứt bỏ bớt lớp gỗ bên ngoài cho nhẹ dần, chỉ lấy phần gỗ tốt nhất.
 
Gỗ rừng được lâm tặc cưa xẻ, bỏ bớt, cho đến khi nào phù hợp với sức khỏe thì mới dừng lại, bởi với khúc gỗ nặng vượt quá sức người, họ sẽ không thể vác gỗ ra khỏi rừng, trên những vách đá tai mèo lởm chởm. Lâm tặc đi rồi, để lại trong rừng khá nhiều khúc gỗ, ván gỗ vẫn còn tốt. Theo năm tháng, khúc gỗ, ván gỗ kia bị mục ruỗng, cứ như thế gỗ tốt liên tục biến thành gỗ mục ngay giữa rừng già.
 
Khi đã phát hiện ra một cây bị chặt hạ với phần thân gỗ tròn, ván tốt còn vứt bừa bãi trong rừng, kiểm lâm sẽ thay phiên nhau mật phục, bắt giữ lâm tặc nếu quay trở lại lấy gỗ lần thứ hai. Vì vậy, những lâm tặc có kinh nghiệm, dù có tiếc phần gỗ trên cũng không dại gì quay trở lại lấy gỗ để rồi bị bắt, phải cho tay vào còng số 8.
 
Để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, lâm tặc sẽ tập trung gỗ tại một địa điểm bí mật, được ngụy trang bằng cây rừng, rồi lấy xe trâu hoặc xe cải tiến gắn động cơ chở về. Đường vào rừng hằn lên những vết lốp xe, dấu chân trâu - dấu vết của việc gỗ bị kéo lê. Lâm tặc phá rừng đến đâu sẽ tiến hành chặt cây, phát rừng đến đó để làm đường chở gỗ. Khi kéo xe trâu vào rừng để chở gỗ, lâm tặc không quên để trên thùng xe một bó ngọn lá cây mía để cho trâu ăn. Vì vậy, thỉnh thoảnh lại bắt gặp xung quanh một gốc cây có nhiều lá mía khô đã bị dấu chân trâu dẫm đạp.
 
Sau khi cho lên xe trâu chở ra khỏi rừng, gỗ sẽ được đưa đến các bãi mía đang trong quá trình thu hoạch ở ven rừng. Do đã có sự sắp xếp, thương lượng trước đó với các chủ xe, gỗ rừng sẽ được lâm tặc để xuống phía dưới thùng xe rồi phủ cây mía lên trên. Giá cả vận chuyển gỗ được lâm tặc thỏa thuận với chủ xe bằng hình thức lấy tiền hoặc lấy gỗ.
 
Kiểm lâm đông nhưng yếu
 
Theo ông Tạ Đức Biên - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương, Vườn Quốc gia có 13 trạm kiểm lâm, 2 đội cơ động tuần tra với tổng số lên tới 90 cán bộ kiểm lâm chính quy, trong đó có 88 cán bộ biên chế và 2 cán bộ hợp đồng, quản lý một diện tích rộng khoảng 22.400ha.
 
Để đi vào rừng Cúc Phương khu vực xã Thành Mỹ, Thành Yên thuộc huyện Thạch Thành, lâm tặc buộc phải đi qua nhiều trạm kiểm lâm với một lực lượng khá hùng hậu. Theo đó, trên địa bàn xã Thành Yên có tới 2 trạm kiểm lâm, trạm kiểm lâm số 03 tại thôn Thành Trung có 4 cán bộ, trạm kiểm lâm số 12 thôn Thành Tân có 3 cán bộ, cả 2 trạm đều trực thuộc quản lý trực tiếp của Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương. Đó là chưa kể đến 2 đội kiểm lâm cơ động với 11 cán bộ được trang bị bán vũ trang có súng yểm trợ, sẵn sàng có mặt ở những địa bàn cao điểm khi có thông báo lâm tặc phá rừng.
 
Bên cạnh đó, tại xã Thành Mỹ có trạm kiểm lâm Thạch Quảng trực thuộc Hạt kiểm lâm huyện Thạch Thành và có thêm đội bảo vệ lâm trường Đồng Luật. Như vậy, có thể thấy, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng khá chính quy đông đảo nhưng không hiểu vì sao gỗ rừng vàng vẫn cứ liên tục bị chặt phá, bị thất thoát “chảy máu” ra khỏi rừng.
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo