Pháp luật

Nhức nhối nạn “cò” xuất khẩu lao động

Được đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống, chi phí thấp là điều mong ước của người dân lao động. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, rất nhiều trường hợp vẫn phải đi qua “cò” dù biết độ rủi ro khá lớn và phí bị “đội” lên không nhỏ…

Người dân ở xã Tăng Thành (Yên Thành - Nghệ An) đang phản ánh với phóng viên về việc xuất khẩu lao động trên địa bàn 

Yên Thành là một huyện ở tỉnh Nghệ An có khá nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động. Kinh tế người dân ổn định, dân trí khá cao nhưng trên 80% người dân ở đây đi xuất khẩu lao động qua đường môi giới.

Theo ông Phạm Xuân Tuyết - Trưởng phòng Lao động - thương binh - xã hội huyện Yên Thành, hiện có khá nhiều doanh nghiệp xin đăng ký về tuyển dụng lao động xuất khẩu. Thế nhưng, chính huyện cũng không nắm được số lao động mà mỗi đơn vị đưa đi trong một năm là bao nhiêu và hiệu quả hoạt động của các công ty chưa cao. Phần lớn các công ty đều về tuyển dụng theo đợt hoặc phối hợp với người dân địa phương tìm kiếm lao động. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng “môi giới” hoạt động và  tình trạng tăng giá, tăng chi phí để đưa người lao động đi làm việc nước ngoài là điều dễ hiểu.

Ông Lê Văn Thúy - Trưởng Phòng Lao động việc làm - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  Nghệ An:

Tình trạng “cò” môi giới  đang diễn ra không chỉ ở Yên Thành mà còn nhiều địa phương khác, đặc biệt ở Diễn Châu, thị xã Cửa Lò. Việc các đối tượng “cò” môi giới đang hoạt động khá công khai, thậm chí là hiệu quả hơn các công ty đã được cấp phép vì họ là người địa phương nên dễ dàng tiếp cận với người lao động. Tuy nhiên, người lao động phải cảnh giác, có những “cò” là môi giới cho một số công ty có uy tín nhưng cũng có “cò” lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo.

Ông  Nguyễn Trung Kiên - Trưởng xóm 7 - chia sẻ: Bản thân gia đình ông cũng có hai người đi làm việc ở Đài Loan thông qua môi giới. Theo lời hứa ban đầu, sang bên đấy hai chú cháu và một người em khác của ông Kiên sẽ được cùng làm một nơi. Nhưng vì trục trặc trong quá trình đàm phán nên phải mất một thời gian mới sắp xếp được.

Cùng với ông Kiên, nhiều gia đình trong xóm cũng có người nhà đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài qua môi giới với mức phải chi thêm từ 5 - 10 triệu đồng/người (ngoài chi phí mà công ty đưa ra). Quá trình đưa đi, không hẳn trường hợp nào cũng thuận lợi.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh có con trai sang làm việc tại Malaysia, chi phí đã đóng hơn 10 triệu đồng, thủ tục xong, định hướng đã học nhưng không hiểu vì sao mọi người thì đi được còn con ông vẫn chưa được đi, gọi điện cho người môi giới thì không liên lạc được.

Ông cũng đang trực tiếp ra đại sứ quán làm thủ tục đi Angola chỉ mất chừng 95 triệu đồng, người khác đi theo đường “cò” mất 115 triệu đồng. Hay trường hợp ông Nguyễn Văn Phúc được sang làm việc tại Malaysia qua môi giới nhưng mới sang chưa được 1 tháng đã bị chính quyền nước này bắt vì đi “chui”.

Sau đó, nhờ được can thiệp, anh Phúc đã được thả và đã tạm thời có công việc. Nhưng hiện tại, việc sinh hoạt và đi lại phải hết sức chú ý vì không phải đi theo con đường hợp pháp.

Ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty CP Quốc tế Nhật Minh - cũng thừa nhận: Hiện việc tuyển dụng lao động ở các địa phương rất khó  bởi các đối tượng “cò” hoạt động quá mạnh. T

ất nhiên, tất cả những đối tượng này đều không có chức năng đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài mà chỉ là trung gian giữa người lao động và các công ty được cấp phép, nhưng điều đó cũng đã làm thị trường lao động “rối loạn”.

Theo Công thương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo