Pháp luật

Những ai sẽ bị điều tra trong giai đoạn 2 đại án OceanBank?

Cơ quan điều tra cho biết do phát hiện thêm nhiều sai phạm khác của ông Thắm, Sơn mà thời hạn điều tra đã hết nên tách khỏi vụ án này để xét xử ở giai đoạn 2.

TAND Hà Nội vừa kết thúc phiên xét xử đại án OceanBank kéo dài một tháng. Tại bản án sơ thẩm, Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) bị tuyên án tù chung thân. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc OceanBank) nhận án tử hình, theo tin tức trên báo VnExpress.

49 đồng phạm của hai ông Sơn và Thắm phải nhận các mức án từ 24 tháng cải tạo không giam giữ tới 22 năm tù. Ngoài hình phạt tù, một số bị cáo còn bị tuyên buộc bồi thường dân sự cho nguyên đơn dân sự là OceanBank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Cơ quan điều tra cho biết do phát hiện thêm nhiều sai phạm khác của ông Thắm, Sơn mà thời hạn điều tra đã hết nên tách khỏi vụ án này để xét xử ở giai đoạn 2.

Hà Văn Thắm tại TAND Hà Nội. Ảnh: VnExpress.

Theo cơ quan điều tra, ngoài hành vi chỉ đạo chi lãi suất ngoài hợp đồng để thu hút khách hàng, gây thiệt hại cho nhà băng 1.500 tỷ đồng đã bị xét xử, ông Thắm còn liên quan đến các khoản vay có tổng dư nợ xấu tới 1.800 tỷ đồng của 8 khách hàng là doanh nghiệp...

Nhà chức trách còn nghi ngờ ông Thắm có hành vi tạo dựng 45 hợp đồng khống với 20 đối tác để rút tiền sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho OceanBank 118 tỷ đồng.

Nội dung khác cũng được chuyển sang giai đoạn 2 điều tra là những cá nhân tại các tổ chức kinh tế lớn có nhận tiền lãi ngoài hợp đồng của OceanBank song để ngoài sổ sách nhằm hưởng lợi riêng bất chính.

Với nội dung này, bản án sơ thẩm tuyên ngày 29/9 cho hay trong vòng 4 năm có hơn 50.000 cá nhân và gần 400 tổ chức gửi tiền tại OceanBank đã nhận các khoản chi ngoài hợp đồng. Hiện mới có 19 tổ chức kinh tế thừa nhận hưởng hơn 3 tỷ lãi ngoài của OceanBank. 124 tổ chức kinh tế không thừa nhận. Còn lại 249 tổ chức không có hồi âm với nhiều lý do như: đã giải thể, ngừng hoạt động, đổi trụ sở, lãnh đạo là người nước ngoài đã về nước...

Quá trình thẩm vấn tại phiên toà, các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và người kế nhiệm Nguyễn Minh Thu có nhiều lời khai về việc chi tiền cho lãnh đạo một số công ty. Ngay thời điểm diễn ra phiên xử, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một số người.

 

Đối với việc liên quan số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn tương đương 20% vào OceanBank. Kết luận điều tra bổ sung thể hiện, ngày 18/9/2008, lãnh đạo PVN ký thoả thuận với ông Thắm về việc sẽ tham gia góp 20% vốn điều lệ.

Theo kết luận điều tra, đợt một, PVN góp 400 tỷ vào OceanBank vào cuối năm 2008. Đợt hai vào cuối năm 2010, PVN tiếp tục góp thêm 300 tỷ. Đợt thứ ba, PVN góp 100 tỷ đồng. Hoàn cảnh của đợt góp vốn thứ ba thể hiện, ngày 12/5/2011, ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó đương chức Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản gửi hội đồng thành viên báo cáo đã góp thêm 100 tỷ vào OceanBank.

Số tiền góp vốn 800 tỷ đồng có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN. Hiện OceanBank được Ngân hàng nhà nước mua với giá 0 đồng và do PVN chấm dứt toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại OceanBank nên phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.

Việc góp vốn đợt ba 100 tỷ đồng vào thời điểm này Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011) quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do vậy việc tăng vốn đợt ba là trái luật.

Mặt khác việc góp 20% vốn nói trên đã được kiến nghị tại Kết luận thanh tra ngày 27/12/2012 của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, yêu cầu HĐQT OceanBank chậm nhất đến ngày 30/6/2013 có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông trong đó có PVN xuống mức không quá 15% vốn điều lệ của nhà băng này. Tuy nhiên, OceanBank cũng như PVN không thực hiện theo yêu cầu.

 

Năm 2014, khi đoàn thanh tra thuộc cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nội vào thanh tra hoạt động cấp tín dụng của OceanBank và có kiến nghị lần hai thì ngày 7/5/2014, PVN mới có công văn báo cáo Thủ tướng về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại OceanBank. Điều đó trái với quyết định số 46 ngày 5/1/2013 của Thủ tướng về phê duyệt đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2012-2015, trong đó có nội dung "thoái hết vốn PVN đang nắm giữ tại các doanh nghiệp, giai đoạn 2012-2015", trong đó có OceanBank.

Vì vậy, theo cơ quan điều tra việc góp vốn đợt ba có dấu hiệu sai phạm pháp luật của một số cá nhân trong Hội đồng thành viên PVN, ban tổng giám đốc, người đại diện vốn góp và ban kiểm soát.

Cơ quan điều tra đang tập trung điều tra và cá thể hoá trách nhiệm của lãnh đạo PVN trong việc góp vốn vào OceanBank, quản lý, sử dụng số tiền được chia cổ tức, vai trò của những người được PVN cử tham gia đại diện phần vốn góp… khiến mất toàn bộ 800 tỷ đồng.

Sau khi kết thúc phiên tòa, TAND Hà Nội cũng đưa ra một số kiến nghị, "xử lý hậu phiên toà".

Cụ thể, theo HĐXX, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã khai trong thời gian làm Tổng giám đốc của OJB đã đưa cho ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN tổng số tiền 30 đến 40 tỷ nhưng ông Quỳnh chỉ khai đã nhận 20 tỷ. HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi của ông Quỳnh và những người liên quan, theo tin tức trên báo Bizlive.

 

Thứ hai, quá trình điều tra có thấy, ngoài số tiền chi ngoài hợp đồng cho cá nhân, các bị cáo còn khai NH Đại Dương có chi cho cá nhân lãnh đạo cho 1 số tổ chức Vietsovpetro, lọc hóa dầu Bình Sơn, công ty dịch vụ thăm dò khai thác dầu khí,… Điều này cho thấy có dấu hiệu móc nối, lợi dụng tài sản chung để làm lợi cá nhân, tiếp tay cho tham nhũng. HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ vi phạm của các cá nhân, tập thể và thu hồi tiền cho nhà nước.

Thứ ba, bị cáo Sơn đã chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng trong số tiền hơn 1.576 tỷ đồng Oceanbank thất thoát. Song bị cáo Sơn chưa hợp tác, chưa thành khẩn khai nhận việc chi số tiền trên như thế nào, cho những ai, gây khó khăn cho thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Vì vậy, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ việc sử dụng những khoản tiền bị cáo Sơn đã nhận nhằm thu hồi.

Thứ tư, đối với vai trò của ông Bùi Văn Hải, Trưởng Ban kiểm soát Oceanbank. Tại tòa, các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Xuân Sơn đều khai nhận, trong tất cả cuộc họp của HĐQT đều mời Ban kiểm soát.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga khai thường xuyên gửi báo cáo cho kiểm toán và Ban Kiểm soát. Bị cáo Nguyễn Lưu Nam, nguyên Giám đốc chi nhánh Quy Nhơn khẳng định, ông Hải có 2 lần trực tiếp làm Trưởng đoàn kiểm tra Chi nhánh Quy Nhơn, trong đó có một lần kiểm tra về việc chi lãi ngoài. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Trưởng Ban kiểm soát theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các lời khai trên, HĐXX thấy hành vi của ông Bùi Văn Hải có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tòa án kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và Viện KSND tối cao xem xét, điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ năm, tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, Đỗ Đại Khôi Trang, nguyên Giám đốc Khối khách hàng bán lẻ/khối khách hàng cá nhân cũng khai nhận quá trình thực hiện đối chiếu, kiểm tra, chấm, ký bảng kê danh sách khách hàng đều báo cáo cho ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc, phụ trách trực tiếp Khối khách hàng cá nhân/Khối Công nghệ thông tin và Khối Marketting của Oceanbank.

 

HĐXX thấy hành vi của ông Quang có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.

Thứ sáu, qua quá trình điều tra đã xác định, việc, thu phí chi lãi ngoài tại ngân hàng OceanBank đã diễn ra trên toàn hệ thống trong một thời gian dài. Trong thời gian này NHNN đã thanh tra nhiều lần nhưng không phát hiện ra. Do vậy, HĐXX cũng kiến nghị NHNN xem xét trách nhiệm của cán bộ cơ quan thanh tra, giám sát đã không làm hoặc làm không hết chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc thanh, kiểm tra Oceanbank giai đoạn năm 2009-2014. Đồng thời, kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân này, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thứ bảy, về số tiền thất thoát của PVN, Cơ quan điều tra đã khởi tố một số người của PVN, kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ những cá nhân này và các nhân khác liên quan thất thoát vốn góp.

Thứ tám, theo HĐXX, Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng mới chỉ quy định về việc mua cổ phần bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, không có quy định về việc mua với giá 0 đồng. Việc mua bán này chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự.

Mặt khác, việc mua bán này làm tăng gánh nặng cho ngân sách, buộc ngân sách phải chi ngân sách để giải quyết hậu quả nặng nề mà các TCTD này để lại, gây thiệt hại cho Nhà nước, không bảo đảm quyền lợi của các cổ đông và những người có liên quan. Do vậy, HĐXX kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại chính sách này.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo VnExpress, Bizlive)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo