Pháp luật

Những bông hồng trong thế giới du đãng

“Ta gọi tên em là yêu nữ - Là loài uỷ mị, gái hồ ly”. Đó là 2 câu trong 1 bài thơ khá nổi tiếng (sau đó được phổ nhạc) của một thi sĩ trẻ ở Sài Gòn trước năm 1975. Bài thơ đó được tác giả viết tặng một “yêu nữ” có thật ở ngoài đời, tên là Lệ Hải - một trùm du đãng. Những “yêu nữ” khuấy động giới giang hồ Sài Gòn không thua kém các “đồng nghiệp” nam...

Khu vực quận 1 Sài Gòn trước năm 1975.

Lá ngọc cành vàng…

Một cô gái con nhà giàu, xinh đẹp đã đem lòng yêu Đại Cathay - một trùm du đãng thất học, trong một lần gặp gỡ. Dù cuộc tình giữa họ chỉ kéo dài chưa tới 1 năm, nhưng chính mối lương duyên này đã sản sinh ra một “yêu nữ” trong giới giang hồ Sài Gòn. Người con gái đó có cái tên thật đẹp: Lệ Hải - biển nước mắt. Tuy vậy, cuộc đời cô không có nước mắt, mà trái lại rất dữ dội. Đúng hơn là chính cô đã làm cho bao người, nhất là những đàn ông si tình, đau khổ, đổ nước mắt... thành biển.
 
Sinh ra trong gia đình giàu có ở Sài Gòn, Lệ Hải được cha mẹ cho lên Đà Lạt học trường Pháp rất nổi tiếng có tên Chim Non (Couvent Des Oiseaux Đà Lạt), rồi trở về Sài Gòn học tại trường dòng Sơ Saint Paul, trường Marie Curie, cho đến khi thi đậu tú tài I. Thời đó, đầu thập niên 1960, ít có con gái học cao nên một cô gái học tới tú tài I như Lệ Hải là chuyện hiếm. Ngay từ thời còn học trung học, Lệ Hải đã nổi tiếng là người khiêu vũ rất đẹp, lúc nào cũng là cục nam châm thu hút đám con trai. Nhưng Lệ Hải lại chúa ghét những cậu ấm con nhà giàu, cô chỉ cảm thấy hứng thú với những người đàn ông từng trải. 
 
Sau khi đậu tú tài I, Lệ Hải được gia đình cho đi du học ở Pháp, nhưng có lẽ do gia đình quá giàu, học cũng chẳng để làm gì, cô ở lại Sài Gòn ăn chơi. Lệ Hải có một cô bạn thân là em ruột bác sĩ Nghiệp, một “chiến hữu” của Đại Cathay - trùm du đãng ở Sài Gòn lúc đó. Lệ Hải và Đại Cathay tình cờ gặp nhau nhân tiệc sinh nhật của bác sĩ Nghiệp. Ngay từ lần đầu tiên gặp nhau đó, “trai anh hùng” và “gái thuyền quyên” đã phải lòng nhau, Lệ Hải trở thành người tình chính thức của Đại Cathay. Họ sống với nhau như vợ chồng, Lệ Hải bỏ nhà đi sống bụi với tay trùm du đãng. Chưa đến một năm, Lệ Hải chia tay Đại Cathay trở về với gia đình.
 
Trở thành “yêu nữ”
 
Sau khi chia tay Đại Cathay, Lệ Hải lấy chồng là một nhà kinh doanh người Nhật tên Nobira - thành viên trong Công ty National. Mê mệt người đẹp, ông chồng người Nhật thường xuyên đến Sài Gòn để hầu hạ, cung phụng. Nhưng khi ông Nobira trở về Nhật, Lệ Hải lại cặp bồ với nhiều nhân vật “cộm cán” khác như viên thiếu tá không quân tên N hay một ông dân biểu triệu phú tên L... 
 
Một buổi tối, rời khỏi vũ trường Ritz, Lệ Hải ra xe hơi để về nhà. Bất ngờ, một tay chơi người Việt gốc Pháp tên là Vincent tới giở trò với Lệ Hải. Gã đàn ông miệng nồng nặc hơi rượu cùng vài đàn em bặm trợn đứng cản đầu xe Lê Hải và nói: "Đêm nay hoặc là em về với anh hoặc em phải ngủ ở lề đường...". 
 
Nhận ra gã đàn ông si tình luôn đeo bám cô như đỉa đói trong vũ trường, Lệ Hải bình tĩnh cười, rồi nhỏ nhẹ đưa đẩy: "Em cũng muốn đến với anh, nhưng như một người tình lâu dài chứ không phải chụp giựt chỉ trong một đêm. Em muốn tối mai anh tỉnh táo, đi chơi với em, đưa em về...". Trúng kế, cái đầu nóng của gã người Pháp bỗng dịu trở lại, khoát tay cho đàn em nhường đường cho người đẹp.
 
Đêm ấy, vì quá phẫn uất trước việc Vincent dám hỗn với mình, Lệ Hải không về nhà, mà lái xe đến nhà Tầm "nhái", cũng là một người si mê Lệ Hải. Tối hôm sau, cũng tại vũ trường Ritz, khi gã si tình Vincent hí hửng chờ đợi đưa Lệ Hải vào ‘thiên đường” thì bất thình lình bị Tầm “nhái” dí sát súng vào ngực và bóp cò. Vincent chết ngay tại chỗ, cảnh sát không tìm ra hung thủ.
 
Đến cuối thập niên 1960, Lệ Hải đã chính thức gia nhập vào thế giới du đãng. Khác với các trùm du đãng phái mày râu, Lệ Hải không cần bảo kê, mở sòng bạc, bán ma túy..., mà chỉ cần bắt các đại gia cung phụng tiền bạc để mình và đàn em đi đập phá. Những người “chồng hờ” ấy chỉ là thứ để Lệ Hải “trang điểm” cho cuộc sống, còn nhu cầu tình yêu và tình dục của cô lại dành ở một chỗ khác. Lệ Hải chỉ thích những chàng trai trẻ non nớt về tình trường. 
 
Sài Gòn thời đó bỗng xôn xao, hoang mang với chuyện thỉnh thoảng lại có một thanh niên học sinh “con nhà lành” nào đó bị bắt cóc một cách bí ẩn. Để rồi mấy ngày sau “nạn nhân” trở về gia đình với dáng vẻ bơ phờ, nhưng không hề hé môi, kể cả với cảnh sát, về những chuyện đã xảy ra với mình. Sau những cuộc mây mưa với chàng trai mới lớn nào đó, “nữ chúa” Lệ Hải đều trân trọng cảm ơn “người tình” và dằn mặt: “Tất cả những chuyện ở đây chỉ có tôi và anh biết. Anh không được tiết lộ cho bất cứ ai khác, nếu như anh còn muốn sống”.
 
Cuối tháng 4.1975, Lệ Hải cùng người chồng hờ vượt biển đến Úc. Từ đó, họ đến định cư ở Anh quốc. Tại đây, cô lấy một người chồng gốc Do Thái là chủ một nhà hàng khách sạn lớn. Cô sinh con và sống khép mình trong gia đình, như cố quên những năm tháng dữ dội trong thế giới du đãng ở Sài Gòn.
 
Khu vực chợ Cầu Kho, nơi Jacqueline một thời ngang dọc.
 
Chị Lin của giới giang hồ
 
Khoảng 1963-1964, đám trẻ bụi đời khu vực Cầu Muối và Tôn Đản bên quận 4 thường xuyên va chạm, đụng độ với bọn giang hồ nhí ở khu vực Cầu Kho, quận 1. Chính từ các cuộc thư hùng này, một nữ giang hồ nhí có cái tên rất Tây là Jacqueline đã trưởng thành và nhanh chóng nổi tiếng. Jacqueline thường phụ mẹ bán mắm ở chợ Cầu Kho. Không được học hành, người mẹ thì suốt ngày lo buôn bán, nên cô gái đã bị đám giang hồ nhí Cầu Kho lôi kéo vào các cuộc đụng độ với giang hồ nhí của quận 4. Ra đời năm 1950, là hậu quả sau một cuộc càn quét của lính lê dương Pháp vào ngôi làng Tân Hạnh Đông, Gò Vấp, Jacqueline có màu da tối sẫm, tóc quăn, vóc dáng to lớn. Càng lớn lên cô càng tỏ rõ nguồn gốc “lê dương” của mình với cách nói năng hùng hổ, tính tình như con trai.
 
Các cuộc đụng độ của giang hồ nhí 2 quận cuối cùng cũng được đôi bên “thương lượng” theo cách: Mỗi bên cử ra một đại diện để “tỉ thí” với nhau, bên nào thua phải quy phục bên kia. Phía bên giang hồ nhí Cầu Muối – Tôn Đản quận 4 cử ra một thằng du côn có biệt danh "Mặt chuột", rất lì lợm, chuyên đánh cận chiến. Bên phía Cầu Kho quận 1 cử ra Jacqueline. Cuộc tỉ thí diễn ra trước sân chợ Cầu Kho, xung quanh có khoảng 50 trẻ bụi đời ở 2 bên hò reo ủng hộ “gà nhà”. Sau khoảng 10 phút, cô gái nhanh chóng đè ngửa đối thủ, cưỡi lên bụng... Vậy là phe Cầu Kho độc chiếm cả khu vực, còn cô gái lai Jacqueline thì được bọn nhóc tôn làm thủ lĩnh của cả 2 phe.
 
Bước sang tuổi 15, Jacqueline đã thực sự trổ mã và trở thành nạn nhân của người cha dượng bất nhân. Khi lính Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào miền Nam, Jacqueline cặp kè với một thằng lính Mỹ cũng đen thui như cô. Jacqueline rời khỏi quầy bán mắm của mẹ ở chợ Cầu Kho, xin đi làm ở một quán bar trên đường Nguyễn Cư Trinh. Là gái bán bar, nhưng Jacqueline coi mình như chủ, các cô gái làm cùng và cả chủ quán bar ai cũng sợ, một điều "chị Lin" hai điều cũng "chị Lin". 
 
Dù đã đi bán bar, nhưng nhờ có tiền, nên Jacqueline vẫn duy trì được 1 nhóm du đãng dưới trướng để “sai vặt” và để gây áp lực với chủ quán. Ngày mẹ mất, Jacqueline về chịu tang đúng 3 ngày. Sau khi chôn cất mẹ xong, cô gái trở về nhà gặp người cha dượng và nói: “Tôi rất hận ông, nhưng lâu nay vì thương mẹ mà tôi nhẫn nhịn, im lặng, giờ mẹ tôi đã chết, tôi và ông phải ân oán cho sòng phẳng, xong đường ai nấy đi”. Dứt lời, trước mặt nhiều người, Jacqueline rút lưỡi lê đâm thẳng vào hạ bộ ông dượng ghẻ mấy nhát rồi bỏ đi, mặc cho lão ta nằm kêu la đau đớn.
 
Một lần, một trung sĩ biệt động quân tên Đực “đen" vì bực chuyện gì đó mà rút dao găm ra doạ Jacqueline. Jacqueline vỗ đùi thách thức: "Đ.M. Rút dao mà không dám đâm thì về chui vào quần vợ mày đi!". Mất mặt và sôi máu, Đực “đen” đâm thẳng dao vào bụng Jacqueline, nhưng vì sợ nên để nguyên không rút dao ra. Jacqueline vẫn ngồi yên tại chỗ, tay bịt vết thương, miệng cười nói: "Tao mà không chết thì mày và con vợ mày phải chết!". Sau bữa đó, Đực “đen” lẩn trốn, nhưng vẫn bị “chị Lin” tìm được tại 1 quán nhậu và “trả” cho hắn năm sáu nhát dao vào bụng bằng chính con dao mà hắn đã đâm cô. Lành bệnh, Đực “đen" sợ nên đào ngũ và trốn mất tăm. Sau vụ Đực “đen”, uy danh của Jacqueline càng nổi trong thế giới du đãng Sài Gòn.
 
Tiếp theo là vụ Jacqueline “làm gỏi” đám lính dù bảo kê các quán bar đường Nguyễn Văn Thoại. Đụng độ nhau trong quán bar, “chị Lin” hẹn với toán lính dù đúng 22h đêm sau gặp nhau tại xa lộ Đại Hàn để phân tài cao thấp. Đó chẳng qua là kế "điệu hổ ly sơn" vì khi đám lính du kéo đến chỗ hẹn thì Jacqueline dẫn đàn em xông đến các quán bar lớn do bọn này bảo kê, đập phá tan tành. Khi bọn lính dù trở về từ điểm hẹn, Jacqueline đón đường đánh từng thằng, làm mấy chục người đi nhà thương.
 
Jacqueline “kết thân” với nàng tiên nâu, lao vào cờ bạc, bao vốn liếng kiếm được cứ lần lượt đội nón ra đi. Cờ bạc và ma tuý đã làm cô khánh kiệt. Một buổi tối, khi đang ngồi "phê" thuốc, Jacqueline bị hai kẻ lạ mặt xông vào, xả dao chém cho tới khi cô ngã gục bên vũng máu. Ra khỏi viện, Jacqueline sống vất vưởng quanh khu Cầu Kho quận 1, kiếm ăn như những kẻ bụi đời đường phố. Sau ngày Sài Gòn được giải phóng vài hôm, một buổi sáng người ta thấy Jacqueline nằm chết cứng trên vỉa hè ở quận 1, nơi cô từng có một thời ngang dọc. Không người thân, các “chiến hữu” cũ cũng đâu mất, Jacqueline từ giã cuộc đời trong cô độc, nghèo khổ! 
Báo Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo