Xã hội

Những căn hầm bí mật dưới Hoàng thành Thăng Long

Là tổng hành dinh, nơi tiếp nhận thông tin và phát đi các chỉ đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hoàng thành Thăng Long có hai công trình hầm độc đáo gồm hầm Chỉ huy tác chiến (T1) và hầm Quân ủy Trung ương (D67).

Lối vào hầm chỉ huy Tác chiến T1.

 

Hoàng thành Thăng Long hay còn gọi là Khu A, Thành cổ Hà Nội, từng là nơi làm việc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tổng tư lệnh và các cơ quan như Bộ tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần. Đây chính là tổng hành dinh, tiếp nhận thông tin và phát đi các chỉ đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

Phía dưới hoàng thành Thăng Long có haicông trình độc đáo gồm hầm Chỉ huy tác chiến (T1) và hầm Quân ủy Trung ương (D67). Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ tổng tư lệnh đã làm việc tại nơi này trên 7.000 ngày đêm với hơn 1.000 cuộc họp quan trọng trong thời gian 1966-1967, 1969-1970, 1971-1975 nhằm lãnh đạo tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước.

 

Đại tá Nguyễn Văn Tý, nguyên Trung đoàn trưởng 259B Bộ Tư lệnh công binh, người phụ trách xây dựng hầm chỉ huy Tác chiến T1 và hầm Quân ủy trung ương D67cho biết, hầm T1 được xây dựng năm 1964. Lúc này, Mỹ đánh phá ra miền Bắc, để đảm bảo nắm được tình hình cả nước, toàn bộ chiến trường Đông Dương và chỉ huy thông suốt trên các chiến trường, Bộ Quốc phòng yêu cầu xây dựng một công trình an toàn tuyệt đối, phòng chống được các loại bom đạn thời kỳ đó.

 

Ông Tý cho biết, do thời gian cấp bách, đơn vị thi công và thiết kế phải phối hợp chặt chẽ, vừa làm vừa thiết kế chứ không chờ thiết kế xong rồi làm."Để đảm bảo thời gian, chúng tôi phải tập trung lực lượng, có khi thi công cả ngày lẫn đêm, các trang thiết bị được ưu tiên cho công trình trọng điểm, làm trong bí mật và không được phép sai sót", đại tá Tý nói.

 

Theo thiết kế, hầm T1 được thi công nguyên khối có một phần chìm, có lớp giãn lực bằng đệm không khí. Thiết bị đảm bảo an toàn gồm có cửa nặng phòng chống áp lực, cửa nhẹ kín phòng độc và phóng xạ. Khi có người ra hay vào phải mặc đồ chống độc và vệ sinh phòng độc. Hầm cũng có hệ thống thông hơi lọc độc. Lượng hơi vào qua một hệ thống phòng sóng, sau đó đến phòng lọc bụi độc, để nếu không khí có độc sẽ được lọc rồi đưa hơi sạch vào.Trên nóc hầm có điều hòa nước và một hệ thống bể nước để chạy máy điều hòa không khí.

 

Hệ thốnglọc độc, lọc sạch, thông gió tự nhiên trong hầm T1.

 

Ngoài công binh, các lực lượng khác phải tăng cường gồm cán bộ kỹ thuật, chiến sĩ chạy máy, lắp ghép cốt pha. Mặc dù làm rất khẩn trương nhưng trang thiết bị máy móc có hạn nên chủ yếu dùng sức người. Máy trộn bê tông chỉ có loại 250 lít nên đầm dùi kết hợp thủ công là chính.Nhiều hạng mục sản xuất được vận chuyển từ ngoài vào để đảm bảo an toàn và hầu hết được tiến hành vào ban đêm.

 

"Hầm T1 cao, khối lượng bê tông lớn với 1.800 tấn nên phải dùng cần cẩu đưa lên và đổ xuống. Anh em chúng tôi làm vì trách nhiệm đối với tổ quốc", đại tá Nguyễn Văn Tý nói.

 

Đại tá Nguyễn Quán Hồng, nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh công binh cho biết thêm, do địa hình chật hẹp, mặt bằng lớn nên hầm T1 không thể xây dựng thân công sự chìm sâu dưới đất giống như những hầm ẩn nấp thông thường đã làm từ trước ở khu vực có địa hình bằng phẳng. Hầm được thiết kế bán nổi, trên nóc là bê tông cốt thép ngăn không cho đạn nổ sát cạnh thân công sự.Hầm có lớp chắn phía trên và hai bên phần nổi, nếu bom đạn rơi trực tiếp thì phải qua lớp tăng cường, lớp giãn lực, lớp đệm cát rồi mới tới trần công sự.

 

"Hầm T1 nhìn bên ngoài như một nhà kho nhỏ, thuộc loại công sự phải dìm sâu trong mực nước ngầm nên thân công sự được sử dụng loại bê tông mịn phòng nước. Đến nay sau gần 50 năm sử dụng, hầm vẫn đảm bảo không thấm nước", đại tá Hồng cho hay.

 

Khách tham quan trong di tích hầm D67.

 

Bên cạnh hầm T1, khu Hoàng thành Thăng Long còn có di tích lịch sử D67-nơi đặt Sở chỉ huy cao nhất của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Đây là nơi chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam.Di tích lịch sử D67 gồm có nhà D67, hầm ngầm D67 và Nhà con rồng.

 

Đại tá Mai Chung, nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh công binh, một trong hai người được giao thiết kế hầm D67 cho biết, hầm có hai đường dẫn xuống bắt nguồn từ hai phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng trong nhà D67. Đường hầm rộng 1,2 m, có 45 bậc cầu thang bê tông, trát galito, đi sâu xuống 10 m là hệ thống văn phòng của hầm D67 gồm 3 phòng.

 

Trong đó, phòng họp hình chữ nhật, nền lát gạch, có một cửa ra vào.Phòng trực ban, thông tin dành cho thư ký và để máy móc, điện đài. Phòng chứa các thiết bị thông hơi lọc độc cung cấp không khí sạch cho người sử dụng khi hệ thống các cửa đóng kín.Toàn bộ hệ thống hầm ngầm đều liên hoàn đường điện máy phát. Cửa ra của hầm dẫn lên Nhà con rồng, công trình có 3 lối lên xuống theo bậc cầu thang, có 2 lớp cửa sắt thép sơn xanh dùng để chống sóng xung kích của bom đạn nổ dội vào công trình, có thể ngăn nước và khí độc.

 

Đại tá Mai Chung cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, trên nóc công trình là lớp cát đệm và tấm bê tông cốt thép mác cao tăng cường có đủ chiều dày và bề rộng để khi bom nổ phía trên nóc hay bên cạnh đều không gây tác hại tới công trình. Hầm D67 cũng có khả năng chống được các loại bom tấn, bom xuyên.

 

Nguyên là cán bộ Bộ tư lệnh Công binh, đại tá Nguyễn Văn Tý khẳng định, hầm D67 là công trình đặc biệt, phải sử dụng 3.000 tấn bê tông để hoàn thiện. "Không có công trình nào mà tất cả những gì tốt nhất từ tinh thần, trí tuệ, trang thiết bị đều tập trung vào như hầm D67", đại tá Tý nói.

Theo vnexpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo