Xã hội

Những cây cầu nghìn tỷ ở thủ đô mới xây đã lún, nứt

Ba cây cầu nghìn tỷ của thủ đô hiện đại bậc nhất Việt Nam đều bị lún, nứt, bong tróc chỉ trong thời gian ngắn đưa vào sử dụng.

Cầu Vĩnh Tuy lún nứt kéo dài

Từ giữa tháng 5/2013, cây cầu rộng nhất Việt Nam này đã xuất hiện nhiều vết sụt, nứt ở phía đầu nam hướng về đường Minh Khai và Trần Nhật Duật (Hà Nội).

Sau đó không lâu, những đoạn này đã được khắc phục bằng một lớp nhựa mới, tuy nhiên, mặt cầu lại tiếp tục những vết sụt lún chằng chịt kéo dài tại khu vực đường dẫn phía nam, khiến phương tiện qua lại khó khăn.

Khu vực đầu cầu, giáp với đường Minh Khai xuất hiên nhiều vết nứt rộng vài cm, sâu khoảng 5 cm. Ảnh: VNE

Cầu Vĩnh Tuy dài 3.690m, rộng 38m, khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 9/2009, với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Mặt cầu rộng 19 mét song đang được mở rộng lên đến 30 mét. Cây cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất...

Đưa vào sử dụng, cây cầu này đã góp phần giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ phía đông bắc thủ đô, tuy nhiên hoạt động được không lâu cây cầu liên tục xuống cấp.

Đại diện Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, chủ đầu tư dự án lý giải những vết lún nứt này là do địa điểm thi công nhịp dẫn nằm trong khu vực nền đất yếu, hơn nữa khu vực này có mật độ dân cư đông đúc nên không thể sử dụng các biện pháp gia cố, sửa chữa kịp thời như phía đường dẫn đầu Bắc.

Mặt cầu Nhật Tân xuất hiện vết nứt

Hội đồng nghiệm thu nhà nước phát hiện, cầu Nhật Tân tại đầu Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) xuất hiện một vị trí nứt nhỏ trên bản mặt cầu rộng khoảng 0,1 mm, dài khoảng 1 mét. Lớp nhựa bọc bảo vệ các bó cáp cầu dây văng đã bị cần cẩu làm hư hỏng.

Theo đó, chất lượng thi công các hạng mục bê tông như bệ và thân mố, trụ cầu dẫn, thân trụ tháp, bê tông thân trụ tháp... nhìn chung đảm bảo yêu cầu thiết kế, không bị rỗ. Tuy nhiên, tại bản mặt cầu phía Vĩnh Ngọc, xuất hiện vị trí nứt rộng 0,1 mm, dài 1 mét.

Công nhân thi công cầu Nhật Tân

Dự án cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu đi qua quận Tây Hồ và huyện Đông Anh (TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư xây dựng 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho phần xây dựng cầu và đường.

Với chiều dài 8,9 km, đây được coi là cầu dây văng dài nhất Việt Nam, trong đó cầu chính dài 3,7 km, mặt cắt ngang 33 m, đường dẫn hai đầu cầu dài 5,2 km và toàn tuyến có 3 nút giao khác mức, một nút giao đồng mức.

Cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam bị lún kéo dài

Vượt tiến độ tới 18 tháng nhưng đường trên cao vành đai 3 (Hà Nội) được đưa vào sử dụng chưa đầy một năm đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết vá, vết sụt lún sâu 2 - 3 cm, kéo dài hàng trăm mét.

Đường trên cao vành đai 3 đoạn từ hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch được khởi công tháng 6/2010 và tháng 10/2012 được đưa vào sử dụng. Tuyến cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam này giúp phương tiện đi từ phía tây sang phía đông, nam thành phố và ngược lại mà không phải xuyên qua nội đô.

Không chỉ là đường trên cao đầu tiên ở Việt Nam dành riêng cho ôtô chạy suốt với tốc độ đến 80 km/h, tuyến cao tốc này còn ghi nhận kỷ lục thi công vượt tiến độ của ngành giao thông Việt Nam. Các gói thầu đều về đích trước kế hoạch 5 - 6 tháng, cá biệt gói thầu Trung Hòa - Thanh Xuân vượt tiến độ tới 18 tháng.

Đoạn đường vượt tiến độ 18 tháng này được chính Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long "cược" với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng rằng, sẽ từ chức nếu không đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, khi mới sử dụng được gần một năm, mặt cầu xuất hiện vệt lún kéo dài vài trăm mét trên đoạn Nguyễn Xiển vượt nút giao Thanh Xuân, đến đường Khuất Duy Tiến. Có đoạn lún sâu 2 - 3 cm.

Như vậy, câu chuyện sụt lún tại các cây cầu ở Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, sự xuống cấp của các công trình được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và hiện đại bậc nhất Việt Nam khiến người dân không khỏi lo lắng về chất lượng của các công trình xây dựng.

Theo VTC
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo