Những chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2017
Doanh nghiệp siêu nhỏ được vay đến 50 triệu từ dự án tài chính vi mô
Nội dung này được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/06/2017 quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Cụ thể, cá nhân hộ nghèo, cận nghèo…và doanh nghiệp siêu nhỏ được vay đến 50 triệu đồng từ dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức thực hiện dự án tài chính vi mô được nhận tiền gửi tiết kiệm nhưng không quá 30% tổng số vốn.
Cũng theo Quyết định, các chương trình, dự án tài chính vi mô phải thực hiện chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô nếu có tổng tài sản từ 75 tỷ đồng trở lên. Thời gian thực hiện chuyển đổi tối đa 02 năm kể từ ngày 01/08/2017 với dự án tài chính vi mô hoạt động trước ngày 01/08/2017; hoạt động sau ngày 01/08/2017 phải chuyển đổi trong thời hạn tối đa 02 năm, kể từ thời điểm báo cáo gần nhất về tình hình hoạt động. Trong thời gian 01 năm sau thời hạn nêu trên không thực hiện chuyển đổi phải chấm dứt hoạt động hoặc giảm quy mô hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/08/2017.
Công ty đại chúng phải công bố về tiền lương của Giám đốc
Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng đã được Chính phủ ban hành ngày 06/06/2017, có hiệu lực từ ngày 01/08/2017.
Nghị định đã có những quy định chặt chẽ về việc báo cáo và công khai thông tin của công ty đại chúng. Cụ thể, ngoài việc công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng, công ty đại chúng còn phải công khai tiền lương của Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác và thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Bên cạnh đó, công ty đại chúng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán và công bố thông tin về mô hình tổ chức quản lý và hoạt động công ty. Đặc biệt, công ty đại chúng phải có ít nhất một nhân viên công bố thông tin; nhân viên này phải có trách nhiệm: Công bố các thông tin của công ty với công chúng đầu tư; Công khai tên, số điện thoại làm việc để cổ đông liên hệ…
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thêm 7,44%
Ngày 30/06/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2017/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Nghị định chỉ rõ, từ ngày 01/07/2017, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 06/2017 đối với: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng…
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/08/2017.
Khai thác dữ liệu tài nguyên, môi trường phải trả phí
Theo Nghị định số 73/2017/NĐ-CP ngày 14/06/2017 về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân khi khai thác thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử phải đăng ký và được cấp quyền từ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu; có trách nhiệm không làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp.
Khi khai thác tổ chức và cá nhân phải trả kinh phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Ngoài ra, phải cam kết không được chuyển thông tin, dữ liệu cho bên thứ ba sử dụng trừ trường hợp được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu; Không được làm sai lệch thông tin, dữ liệu đã được cung cấp để sử dụng…
Chính phủ khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thu nhận, tạo lập và cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường đúng quy định; khuyến khích cung cấp, hiến tặng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho cơ quan Nhà nước góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và phục vụ lợi ích chung của xã hội.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/08/2017.
Phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại
Ngày 13/06/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2017/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Theo đó, mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được quy định tương ứng với 04 khu vực địa lý, cụ thể: Khu vực I, mức phí là 12,3 triệu đồng, khu vực II là 16,8 triệu đồng, khu vực III là 33,6 triệu đồng và khu vực IV là 39,2 triệu đồng. Khu vực I bao gồm các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh…; Khu vực II gồm: Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…; Khu vực III gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…; Khu vực IV gồm: TP.Hồ Chí Minh, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang, Bến Tre…
Tổ chức, cá nhân được miễn phí thẩm định trong trường hợp đăng ký cấp lại Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng mà không thay đổi thời hạn hiệu lực so với giấy phép đã được cấp.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/08/2017.
Giáo viên trường dự bị đại học làm việc 42 tuần/năm
Đây là nội dung mới tại Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09/06/2017 sửa đổi, bổ sung chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, thời gian làm việc của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó: 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 01 tuần dành cho tổng kết năm học.
Thông tư cũng nêu rõ, định mức tiết dạy đối với giáo viên dự bị đại học là 12 tiết/tuần. Đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác chuyên môn như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kiêm trưởng phòng chức năng được giảm 03 tiết/tuần, giáo viên kiêm phó phòng chức năng được giảm 01 tiết/tuần. Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống mỗi tuần được giảm 03 tiết.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/08/2017.
Tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng
Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/06/2017, có hiệu lực từ ngày 05/08/2017 quy định số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Trước đây, tại Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005, Chính phủ quy định hạn mức nêu trên là 50 triệu đồng. Sau hơn 10 năm áp dụng, hạn mức này không còn phù hợp với thực tiễn xã hội. Do đó, việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi là một sự điều chỉnh phù hợp, tạo sự tin tưởng, yên tâm với những người gửi tiền.
Mức thu phí xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Mức thu phí cấp, cấp lại Giấy xác nhận đối với tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu là 20 triệu đồng/hồ sơ. Trường hợp tổ chức, cá nhân nhận ủy thác không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu là 12 triệu đồng/hồ sơ. Các quy định trên được nêu tại Thông tư số 62/2017/TT-BTC ngày 19/06/2017 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, có hiệu lực từ ngày 05/08/2017.
Đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, mức thu phí cấp, cấp lại Giấy xác nhận sẽ phụ thuộc vào từng loại phế liệu và cơ quan cấp Giấy xác nhận. Thông tư cũng quy định không thu phí đối với trường hợp cấp lại Giấy xác nhận còn thời hạn bị mất, hư hỏng.
Nhiều ưu đãi với dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, có hiệu lực từ ngày 05/08/2017.
Theo đó, các dự án đầu tư mới tại Khu Công nghệ cao có quy mô vốn từ 4000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm; Đối với dự án được cấp phép đầu tư trước ngày 23/05/2008 và đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao này được hưởng các ưu đãi về thuế theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án nhà ở cho người lao động làm việc tại đây được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…
Đối với nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài và thành viên gia đình được xem xét cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần và thời hạn phù hợp với thời gian làm việc trực tiếp tại Khu Công nghệ cao.
Giá bán lẻ sữa cho trẻ dưới 6 tuổi phải được niêm yết công khai
Từ ngày 10/08/2017, việc đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi sẽ được áp dụng theo quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 26/06/2016.
Thông tư yêu cầu thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 06 tuổi phải kê khai giá bán lẻ khuyến nghị đối với hệ thống các thương nhân phân phối sản phẩm của mình. Đặc biệt, mức giá bán lẻ phải được niêm yết công khai. Bộ Công Thương thực hiện quản lý Nhà nước về giá, công bố công khai cho người tiêu dùng.
Cũng theo Thông tư này, thương nhân sản xuất, nhập khẩu có quyền tự xác định giá bán lẻ khuyến nghị đối với sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 06 tuổi đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong trường hợp điều chỉnh giá trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo liền kề trước đó, thương nhân phải thông báo điều chỉnh giá; trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5%, thương nhân phải kê khai giá.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/08/2017.
Bổ sung quy định về quản lý ngoại hối đối với vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp
Ngày 30/06/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp được quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016.
Cụ thể, Thông tư bổ sung nội dung về hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, phần Bản sao (có xác nhận của Bên đi vay) hoặc bản chính văn bằng chứng minh mục đích vay. Theo đó, các thành phần hồ sơ được quy định không áp dụng đối với trường hợp khoản vay nước ngoài của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã được người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước tại các ngân hàng này báo cáo và được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt hoặc cho ý kiến chấp thuận trước khi biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/08/2017.
EVN được tự tăng giá điện từ 3% - dưới 5%
Điểm mới nổi bật của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/06/2017, cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần, tự điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân từ 3% - dưới 5% so với giá bình quân hiện hành. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% - dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận (trước đây là từ 7% - dưới 10%). Trường hợp tăng từ 10% trở lên, EVN trình Bộ Công Thương hồ sơ phương án giá điện. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Ngoài ra, trường hợp giá bán điện bình quân giảm, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/08/2017.
Chế độ nghỉ hưu của quân nhân chuyên nghiệp
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 162/2017/TT-BQP ngày 10/07/2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp có quyết định thôi phục vụ tại ngũ được nghỉ hưu trong trường hợp: Đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/05/2016 của Chính phủ; Hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm; Đủ 40 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên.
Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi. Hạn tuổi để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần được quy định 52 tuổi đối với cấp úy; 54 tuổi đối với thiếu tá, trung tá; nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi đối với thượng tá. Quân nhân chuyên nghiệp đủ điều kiện nghỉ hưu trước hạn tuổi không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu chế độ trước tuổi.
Thông tư có hiệu lực ngày 25/08/2017.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước