Những chính sách thò ra, thụt vào
(danviet) Việc này vừa chứng tỏ trình độ của người làm chính sách hạn chế, vừa cho thấy hiệu quả của phản biện chính sách được nâng lên rõ rệt.
Mới từ đầu năm 2013 trở lại đây, đã có hàng loạt chính sách, quy định của cơ quan quản lý Nhà nước phải rút lại do vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Người dân gọi vui đó là những chính sách “thò ra, thụt vào”.
Mới đây nhất phải kể tới Thông tư liên tịch số 06/2013 giữa 4 Bộ Khoa học – Công nghệ, Công Thương, Công an và Giao thông Vận tải về việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, giả. Thông tư này đã ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ phía dư luận khi cho rằng, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, giả là việc làm không khả thi khi lực lượng chức năng còn chưa chắc đã phân biệt được đâu là mũ rởm, đâu là thật, huống chi người dân.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng, do quản lý Nhà nước trong khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm không tốt nên có nhiều loại mũ không đúng tiêu chuẩn, mũ bảo hiểm giả, người dân rất khó phát hiện, phân biệt. Ngay sau khi dư luận có phản ứng, ngày 12.3, ngành chức năng thống nhất dừng ban hành thông tư để xem xét và sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt, đặc biệt trong đó có quy định “xử phạt xe không chính chủ” cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ dư luận về tính thiếu khả thi. Và mới đây, trong dự thảo lần 3, Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan phối hợp xây dựng dự thảo đã loại bỏ quy định này trong khi Bộ Công an, cơ quan chủ trì thì vẫn quyết giữ.
Một dự thảo nghị định khác cũng được cho là chẳng mấy khả thi là dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, trong đó có điều khoản: Phạt 200.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi ngoại tình. Ông Phạm Vũ Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số đã nhận định thẳng:
“Lại thêm một dự thảo khó thực thi, đánh đố người thi hành và khiến người dân cảm thấy tức cười hơn là vui mừng vì quyền lợi chính đáng của mình được bảo vệ. Ngoại trừ việc kết hôn (có giấy đăng ký kết hôn) là vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng thì cụm từ “chung sống như vợ chồng” là rất khó bắt được quả tang, cũng “đánh đố” người thi hành luật”.
Trước đó, năm 2012 cũng chứng kiến hàng loạt ý tưởng kỳ khôi của cơ quan quản lý Nhà nước như: Quy định sản phẩm thịt và phụ phẩm thịt bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra vào tháng 7. Đến đầu tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại ban hành quyết định dừng thi hành quy định này…
Đoàn Vân
End of content
Không có tin nào tiếp theo