Những chuyện khó tin về hành trình kéo pháo lên Điện Biên Phủ
Pháo còn, nhưng chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh. Trước khi mất, anh còn gắng gượng hỏi: “Pháo có sao không hả các đồng chí?”.
Kỳ 2: Kéo pháo lên Điện Biên Phủ
“Pháo đã kéo từ Trung Quốc về, kéo được vào trận địa thì bí mật là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Nếu như không đảm bảo được bí mật, ta có thể bị lộ, ảnh hưởng toàn mặt trận”, cựu binh Phạm Đức Cư nhấn mạnh.
Có lẽ, những ngày kéo pháo gian khổ vẫn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cựu binh Phạm Đức Cư trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông hào hứng cho biết: “Để đảm bảo bí mật, chúng tôi phải kéo pháo xuyên rừng, qua sông, qua suối, kéo cả ngày, cả đêm. Mỗi tiểu đoàn nhận 12 khẩu pháo cao xạ 37 ly và 12 khẩu 12 ly 7. Những khu vực nào rậm rạp, ban ngày địch không phát hiện được, thì anh em tiến hành kéo pháo, còn lại gần như hoàn toàn kéo vào ban đêm khi đã tiến gần đến trận địa”.
Chỉ huy phân chia đơn vị thành 3 tốp, mỗi tốp khoảng 30 người, thay nhau kéo pháo. Lúc kéo, hai tay nắm chặt dây tời, chân dạng ra thật chắc, khi người chỉ huy hô “Hai, ba nào!” thì tất cả gồng sức lên mà kéo và hễ bánh pháo nhích được tí nào thì hai đồng chí pháo thủ liền nhích thanh gỗ chèn lên theo, không cho pháo tụt trở lại.
Những nơi dốc đứng, có chỗ dốc đến 70 độ, mọi người phải buộc tời trên đỉnh dốc, ra sức quay tời quấn vào những gốc cây to, những người ở bên dưới thì cố hết sức đẩy lên từng tí một.
Đi đến đâu, đơn vị phải cho trinh sát đi trước, dò xét mìn, gián điệp biệt kích, xem có bị theo dõi không, lúc đó mới kéo pháo.
Ban đêm không được soi đèn, mọi người nảy ra sáng kiến, đó là cho 2 đồng chí mặc 2 mảnh vải dù trắng, màu dễ nhận biết trong bóng tối, đi trước làm “cột mốc” cho đoàn kéo pháo qua. Cứ như thế, pháo cùng người băng rừng, vượt núi.
Qua bãi lầy, các chiến sĩ phải vác đá lấp đường, chặt cây rừng rải lên, đường hẹp thì kè ra đủ rộng cho pháo qua.
Thời gian đó, mỗi người được phát một đôi giày vải nhưng đường lội lầy, lại dùng giày ghì dây kéo pháo, nên chỉ đi được vài ngày là hỏng, mọi người chân trần kéo pháo suốt chiến dịch. Kéo pháo ban đêm, vướng cây cối, đá nhọn, chân tay người nào cũng rách tướp thịt da.
Mất tổng cộng 9 ngày kéo pháo cho khoảng cách hơn 10 cây số. Không có đường, chỉ bằng sức người, chúng ta đã đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa, ngay sát đồi Độc Lập, chỉ cách có 400m mà địch vẫn không hay biết.
Ngày 25/1/1954, trận địa đã xong, mọi người đều phấn khởi, chuẩn bị tinh thần giết giặc, thì bất ngờ ngay ngày hôm sau nhận được lệnh kéo phao ra tập kết tại địa điểm cũ, thay đổi cách đánh từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc.
Ông Cư kể: “Khó nhọc lắm mới vào đến lòng chảo Mường Thanh nên khi nhận được lệnh, tất cả chúng tôi đều bất ngờ và bàng hoàng”.
Ông Phạm Đăng Ty, chính trị viên tiểu đoàn đã động viên các chiến sĩ rằng chúng ta vẫn quyết tâm tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Nhưng về mặt phương châm tác chiến, chiến lược có thay đổi, đảm bảo cho các cuộc tấn công thắng lợi, ít thương vong.
Hiểu được vấn đề, ông Cư cùng đồng đội lại vui vẻ động viên nhau kéo pháo ra.
Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ nhưng phải kéo ra còn gian khổ gấp bội. Thậm chí có cả những hy sinh mất mát, đó là trường hợp của chiến sĩ Tô Vĩnh Diện.
Lúc kéo ra gần đến địa điểm tập kết Nà Nhạn, quân địch ở cánh đồng Mường Thanh bắn đạn pháo vãi ra như mưa. Địch bắn một cách hú họa, chứ không phải do phát hiện ra các đoàn kéo pháo. Chúng chỉ biết quân ta đang tập kết lên Điện Biên nên bắn hàng ngày, hàng đêm, một lần bắn hàng trăm quả đạn pháo, mang tính cầu may.
Mặc pháo địch nổ rền, hàng trăm người vẫn níu trên dây cáp dài, ai cũng máu rớm bàn tay, cố giữ để pháo từ từ lăn xuống. Cứ mỗi bậc, lại có hai người hai bên, vừa lái càng vừa sẵn sàng đặt chèn để hãm pháo dừng khi có lệnh nghỉ hay có sự cố.
Nhắc lại thời điểm ấy, ông Cư xúc động: “Tôi cùng một đội kéo pháo với anh Diện. Lúc kéo ra đến một con dốc mà anh em thường gọi là dốc Chuối, thì một quả đạn nổ ngay gần đó, mảnh đạn văng trúng và cắt phăng dây tời, khẩu pháo đang thả dây xuống dốc mất thăng bằng quay ngang”.
Đường rất hẹp, chênh vênh, nếu không có quyết định nhanh, tức thời, thì khẩu pháo sẽ rơi xuống vực thẳm mấy chục mét, tan nát hết. Lúc đó, khẩu pháo còn quý hơn cả bản thân mình. Anh Diện tức khắc cầm vào càng pháo để lái, cố gắng đưa pháo trở lại thăng bằng nhưng không được. Anh Diện quyết định rất nhanh, lao cả thân mình vào bánh xe, khẩu pháo quay ngang sườn đèo, càng pháo đâm vào vách một hốc núi.
Pháo còn, nhưng chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh. Trước khi mất, anh còn gắng gượng được một câu hỏi: “Pháo có sao không hả các đồng chí?”.
Ông Cư cùng đồng đội ai cũng rơi nước mắt. Lúc ấy, ông Cư nói: “Chiến dịch chưa mở màn mà chúng ta đã phải hy sinh. Đồng chí hãy an nghỉ, sau này chiến đấu chúng ta quyết phải bắn rơi thật nhiều máy bay để sự hy sinh của đồng chỉ không uổng phí”.
Ông Cư quay sang nhìn các đồng đội cùng kéo pháo, ai cũng có 2 hố mắt trũng sâu, thâm quầng của những ngày thiếu ăn, mất ngủ, chân tay sứt sát máu me, nhưng ánh lên đôi mắt quyết tâm và niềm tin chiến thắng.
Đến gần ngày mở màn chiến dịch, đơn vị ông Cư lại được lệnh kéo pháo vào những địa điểm cũ, theo con đường cũ, chiếm lĩnh trận địa.
Ngày 13/3/1954, quân ta tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, cũng là lúc, cuộc hủy diệt kinh hoàng đối với máy bay Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ diễn ra.
VTC News
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo