Pháp luật

Những “con tốt” trong đại án 9.000 tỷ của Phạm Công Danh

(DNVN) - Để thực hiện kế hoạch rút hàng nghìn tỷ đồng của mình, Phạm Công Danh đã lập công ty rồi thuê các bảo vệ, nhân viên rửa xe làm giám đốc để vay tiền ngân hàng.

Báo VOV đưa tin, trong vụ đại án kinh tế Phạm Công Danh (SN 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì đáng chú ý, cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự của hơn 20 bị cáo tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong 14 công ty liên quan đến hành vi trái quy định về cho vay, có 12 công ty do Phạm Công Danh lập ra và thuê các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và người quen đứng chức danh giám đốc.

Nguyễn Quốc Thịnh (SN 1979, quê Quảng Ngãi) vốn là bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh. Để kiếm thêm thu nhập, được sự đề nghị Thịnh đứng ra lập Công ty Thịnh Quốc.

Ngoài lương bảo vệ, Thịnh còn được trả cho chức danh giám đốc mỗi tháng 5 triệu sau này tăng lên 10 triệu đồng. Thấy dễ làm ăn, Thịnh lôi kéo vợ vào cuộc chơi.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa. Ảnh: Lao Động.

Vợ Thịnh là Hồ Thị Đi (SN 1984, quê Quảng Ngãi), cũng được thuê lập và làm giám đốc Công ty Xây dựng Hương Việt. Không thuộc người của Tập đoàn Thiên Thanh, nên lương “giám đốc” hàng tháng của Đi khoảng 10 triệu đồng được chuyển vào tài khoản của chồng.

Không chỉ Thịnh mà ở Tập đoàn Thiên Thanh thời điểm đó bỗng dưng nở rộ thành phong trào bảo vệ, rửa xe của tập đoàn cùng nhau làm giám đốc.

Ngoài Thịnh, còn có các bảo vệ như Trần Thanh Tùng (SN 1966, quê Long An) lập và đứng tư cách pháp nhân Công ty Thanh Quang, Nguyễn Minh Quân (SN 1984, quê TP.HCM) lập và đứng tư cách pháp nhân Công ty An Phát.

Đến rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh là Nguyễn Hữu Duyên (SN 1964, quê Quảng Ngãi) cũng có chức danh giám đốc của Công ty Quang Đại.

Suy nghĩ đơn giản của những nhân viên bảo vệ, rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh này là có thêm một khoản thu nhập cho gia đình.

 

Việc thành lập công ty đối với những bảo vệ, nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh hết sức đơn giản. Đã có những bộ hồ sơ làm sẵn, và họ chỉ việc theo người của Tập đoàn Thiên Thanh đến Sở Kế hoạch Đầu tư làm thủ tục đăng ký thành lập công ty.

Khi công việc hoàn thiện, họ tiếp tục trở về vị trí công việc vốn có của mình. Con dấu của các công ty được giao lại cho Tập đoàn Thiên Thanh quản lý.

Những công ty mà các nhân viên bảo vệ, rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên thực chất không hề hoạt động kinh doanh.

Mỗi lần nhân viên tài chính kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh gọi điện yêu cầu, các “giám đốc” này lại đến ngân hàng ký hồ sơ vay tiền. Hành vi của họ đã giúp sức cho Phạm Công Danh rút hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Điển hình như Nguyễn Thanh Tùng đã ký vay của VNCB chi nhánh Sài Gòn số tiền 450 tỷ đồng; Nguyễn Hữu Duyên ký vay của VNCB chi nhánh Lam Giang số tiền 380 tỷ đồng, hay như Nguyễn Minh Quân ký vay của VNCB chi nhánh Sài Gòn 440 tỷ đồng.

 

Theo cơ quan tố tụng, thực chất họ là những người lao động vì cuộc sống mưu sinh. Các khoản vay này đều của Phạm Công Danh và được cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB sử dụng.

Như tin tức đã đưa, sáng nay 19/7, TAND TP. HCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Phiên tòa có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Phiên tòa có 45 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Riêng bị cáo Phạm Công Danh có 5 luật sư tham gia bào chữa.

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 158 cá nhân được tòa triệu tập, 98 người có mặt. Trong danh sách các cá nhân được triệu tập có bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) và cha bà Bích là ông Trần Quí Thanh (Dr.Thanh). Bà Bích và một số người thân có mời luật sư tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ án.

Bên cạnh đó, hàng loạt pháp nhân, đơn vị cũng được triệu tập đến tòa để tham gia tố tụng như: đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự thành phố Đà Nẵng, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện Tập đoàn Thiên Thanh...

 

Đáng chú ý, trong danh sách các công ty được triệu tập đến tòa có công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường (tức Cường đôla) là Chủ tịch HĐTV. 

Phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày và hôm nay (21/7) sẽ làm ngày xét xử thứ 3.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo