Những dấu hiệu bất thường trong vụ NhómMua
Đầu tuần qua, giới truyền thông, người dùng và cộng đồng mạng rúng động trước thông tin ông Tom Trần, CEO đương chức kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhóm Mua bị bãi nhiệm, thậm chí còn bị công an kinh tế điều tra.
Rất nhiều ý kiến trên Facebook và các diễn đàn “dẫn nguồn vô danh” nói rằng ông Tom Trần ôm một số tiền lớn của cổ đông rồi bỏ trốn ra nước ngoài. Trụ sở và kho hàng của Nhommua đã bị niêm phong, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hội đồng quản trị mới nhanh chóng được thành lập và cũng chọn ngay ra một CEO mới là ông Kyle Phạm. Website Nhommua không thể truy cập.
Thực chất chuyện gì đã xảy ra?
Trên thực tế, ngay trước khi vụ việc bung ra thì nhiều cơ quan báo chí đã nhận được cái gọi là Thông cáo báo chí do Hội đồng quản trị mới gửi đi. Trong thông cáo này có một tờ quyết định đứng tên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nhóm Mua, tuyên bố bãi nhiệm ông Tom Trần với lý do: “Phục vụ cho việc kiểm tra, kiểm soát các công việc nội bộ của Công ty”.
Tuy nhiên, tờ quyết định này hoàn toàn không có con dấu. Sau này thì ông Kyle Phạm có giải thích là trong lúc nhà đầu tư xô xát với bảo vệ thì "con dấu bị thất lạc!".
Đặc biệt, thông cáo nhấn mạnh "ông Kyle tiếp quản công ty thay thế cho ông Tom Trần, người sáng lập công ty, hiện đang là đối tượng bị điều tra của Cảnh sát kinh tế VN và ông này cũng đã xuất cảnh vào tuần trước".
Một điểm bất thường thứ hai trong cuộc gặp gỡ với báo chí trưa 15/11, CEO mới Kely Phạm đã thay đổi khá nhiều “từ ngữ” so với thông cáo gây sốc hôm 13/11. Cụ thể, ông Tuấn chỉ nói rằng cơ quan công an đang điều tra hoạt động tại công ty Nhóm Mua, chứ ông không xác nhận việc cá nhân cựu Tổng Giám đốc Nhóm Mua là ông Tom Trần có bị điều tra hay không. Ông cũng cho rằng, từ khi ông gia nhập công ty từ tháng 4 năm nay, dưới cương vị Giám đốc tài chính, ông thấy công ty có "cơ cấu quản lý không được hoàn thiện", và cho rằng "có những cái không đúng với pháp luật".
Chỉ có điều chiều 15/11, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, Phó Cục trưởng C46 phía Nam đã khẳng định trên báo Thanh Niên rằng thông tin cán bộ C46 thực hiện khám xét tại Công ty Nhóm Mua là không có cơ sở, sai sự thật.
Có thể thấy rằng sự công kích đã không còn nhằm vào cá nhân ông Tom Trần như trong những thông tin đầu tiên nữa, mà chuyển sang một đối tượng chung chung hơn là “công ty” và “hoạt động của công ty”.
Ông Tom Trần thanh minh trên Facebook?
Trang Facebook được cho là của ông Tom Trần để thanh minh về vụ việc.
Mọi việc càng trở nên phức tạp khi trên Facebook mới đây đã xuất hiện một trang “Sự thật về Nhommua” được cho là do ông Tom Trần lập ra. Tuy chưa có bất cứ cách nào để xác thực nguồn gốc trang này, song nó đang nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận.
Chủ trang thanh minh cho lý do xuất ngoại lần này của mình (tức Tom Trần) là để thăm gia đình và đi nghỉ ở Mexico chứ không phải ôm tiền bỏ trốn như trong tin đồn. Ngoài ra, ông cũng khẳng định toàn bộ tiền mặt của công ty Nhóm Mua vẫn đang nằm tại hai ngân hàng ở Việt Nam là ACB và Ocean Bank. Tiền ông mang theo chỉ đủ cho chuyến đi nghỉ.
Đáng chú ý nhất là việc chủ trang cho biết sẽ tải một video lên Facebook để chứng minh cho “sự trong sạch của mình”, nhưng mạng Internet nơi ông ở không đủ tốt nên chưa tải được. Ông cũng bày tỏ lo ngại về an toàn của bản thân khi trở về Việt Nam sau sự việc này.
Một cuộc thâu tóm thù địch?
Trên trang “Sự thật về Nhommua”, chủ trang cho rằng vụ việc này là một cuộc “thâu tóm thù địch” (hostile takeover). Còn trả lời phóng viên VietNamNet, CEO hiện tại của Nhóm Mua là ông Kyle Phạm Anh Tuấn không dùng từ thâu tóm, nhưng ông đã biết trước việc tiếp quản Nhóm Mua không thể diễn ra suôn sẻ nên đã thuê riêng một đội bảo vệ đi kèm trong ngày 13/11 “để bảo đảm trật tự”.
Các nguồn tin cho rằng rạn nứt giữa nhóm nhà đầu tư và ông Tom Trần đã xảy ra từ trước, khi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong việc điều hành, quản lý công ty. Ông Tom Trần bị cho là đã đưa nhiều người nhà của mình vào các vị trí chủ chốt, đồng thời sa thải nhiều vị trí quản lý giỏi của hãng, gây bức xúc cho các cổ đông.
Điều này cũng trùng với cáo buộc của ông Kyle Phạm Anh Tuấn rằng con dấu của công ty hiện bị một người bà con thân cận với ông Tom Trần nắm giữ, đây cũng là người ông Tom ủy quyền điều hành công ty khi xuất ngoại.
Cho đến thời điểm hiện nay, theo ông Kyle Phạm Anh Tuấn, ông Tom Trần đã không còn giữ vai trò nào khác tại Nhóm Mua ngoài việc là cổ đông có cổ phần trong công ty này. Việc tiếp quản tuy không suôn sẻ nhưng có vẻ đã hoàn tất.
Một số ý kiến tỏ ra hoài nghi vì sao Hội đồng quản trị mới lại làm bung xung vụ việc vào đúng thời điểm ông Tom Trần đi nghỉ như vậy? Liệu đây có phải một nước cờ được tính toán kỹ cho một cuộc "lật đổ" để thâu tóm quyền lực hay không? Nhiều người bình luận rằng, nếu là việc nhà đầu tư muốn kiểm soát Nhóm Mua, thì cần làm theo cách chính thống, họp Hội đồng quản trị công khai, thu hồi con dấu, ra quyết định, chứ không phải cách làm "đánh úp" gây ra nhiều mâu thuẫn và nghi ngờ như thế này.
Tất nhiên, trong lúc này thì mọi suy đoán đều chỉ là suy đoán. Chưa có bất cứ kết luận chính thức nào cho vụ việc, nhưng chắc chắn, uy tín của Nhóm Mua đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đây có thể coi là một tổn thất lớn, bởi với mô hình mua chung, mua gộp (groupon) mà Nhóm mua đang theo đuổi, sự tin tưởng từ người dùng chính là chìa khóa quyết định.
Hồng Lĩnh (Theo VietNamNet)
End of content
Không có tin nào tiếp theo