Những điểm vui chơi dịp Tết Đinh Dậu ở Hà Nội
Chợ Tết phố cổ
Phiên chợ Tết phố cổ bán hoa đào, hoa mai, đồ trang trí dọc các con phố từ hàng Cót, hàng Lược, hàng Mã, hàng Chai… Hoa bán trong phố cổ không quá nhiều, không quá lớn vì không gian chật hẹp nhưng vẫn có những đặc sắc riêng.
Hoa chủ yếu là đào bích, đào phai và người bán cầm hoa luôn trên tay. Bán mua không quá ồn ào, khách mua hoa chủ yếu là những người sống lâu năm trong phố hoặc thích cái không gian ấm cúng, cổ kính ở đây mà đi chợ hoa.
Đi chợ hoa phố cổ cũng không nhất thiết phải mua hoa, mà để cảm nhận cái hương vị của Tết, của Xuân đang đến gần. Thời điểm này, các khu chợ Tết phố cổ đã bắt đầu nhộn nhịp không khí xuân với đủ các màu sắc rực rỡ. Phố Hàng Mã là khu vực chụp ảnh đẹp nhất bởi các cửa hàng bày bán nào là lồng đèn, bao lì xì, đèn trang trí tết… rất rộn ràng và ấm cúng.
Ngắm và chụp ảnh tại Vườn hoa Nhật Tân
Vườn hoa Nhật Tân là một trong những địa điểm chụp ảnh hấp dẫn nhất ở Hà Nội. Trước đây, vườn hoa Nhật Tân chủ yếu là trồng đào để bán, sau đó, phục vụ nhu cầu chụp ảnh của các bạn trẻ, chủ các vườn đào đã mở rộng cho vào chụp ảnh.
Đón giao thừa ở trung tâm thành phố
Hàng năm, tới đêm giao thừa tết âm lịch, tại Hà Nội đều có tổ chức bắn pháo hoa trên quy mô lớn đối với nhiều địa điểm khác nhau. Trong đêm giao thừa năm nay, Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa thay vào đó là rung chuông chùa.
Tuy nhiên, không khí sôi động tại khu trung tâm thành phố như Bờ Hồ, Bưu điện thành phố... chắc chắn vẫn được nhiều người háo hức tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bảo tàng Dân tộc học
Bạn có từng ước mình có cơ hội trải nghiệm không khí xuân dân tộc? Hãy đến với chương trình Vui xuân Đinh Dậu 2017 tại Bảo tàng Dân tộc học nhé!.
Điểm nhấn của lễ hội năm nay là sắc màu văn hóa người Thái, với các hoạt động: biểu diễn múa của các dân tộc Thái, Khơ-mú với các điệu múa xòe, hát Tơm-tăng-bu, khám phá mâm cỗ Tết của người Thái, tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc như ném pao, chơi quay, vật gậy.
Chương trình diễn ra vào các ngày mùng 8 và 9 Tết âm lịch, tại Bảo tàng Dân tộc học, đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội. Giá vé vào cửa từ 10.000 đồng.
Hội xuân tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Nếu muốn tìm hiểu văn hóa cổ truyền, hội Xuân của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đây là cơ hội cho bạn. Hội Xuân thường kéo dài từ mồng 1 đến 15 Tết âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật cổ truyền: thi đấu cờ người, múa rối nước, biểu diễn ca múa nhạc truyền thống. Đến Văn Miếu dịp này, bạn có thể nhờ các thầy đồ viết chữ, vào thăm nhà Thái Học… để năm mới gặp nhiều may mắn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo