Xã hội

Những điều chưa biết về cầu vòm đầu tiên ở Hà Nội

Ngày 10/10, Cầu Đông Trù sẽ được thông xe nhưng còn nhiều câu chuyện chưa kể về việc xây cầu vòm đầu tiên ở Hà Nội.

Công nghệ lần đầu ứng dụng tại Việt Nam

Với quy mô lớn và yêu cầu khắt khe về công nghệ lần đầu ứng dụng tại Việt Nam, cầu Đông Trù là công trình tiêu biểu của ngành cầu đường Việt Nam. 
 
Cầu Đông Trù ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Công trình có khả năng chịu được động đất cấp 8. Đó là nét đặc trưng của cây cầu nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh của Hà Nội. 
 
Cầu vòm đầu tiên tại Hà Nội bắc qua sông Đuống (Ảnh: Minh Chiến)
 
Theo ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Đông Trù, cầu Đông Trù khó khăn nhất chính là thi công mái vòm ống thép nhồi bê tông do đòi hỏi kỹ thuật cao và chính xác trong khi dạng cầu này Trung Quốc làm nhiều nhất thế giới và được minh chứng qua các công trình họ đã xây dựng.
 
Dự án cầu Đông Trù là gói thầu số 13 nằm trong dự án Đường 5 kéo dài gồm 4 trụ cầu và 3 nhịp cầu đôi dạng kết cấu vòm thép nhồi bê tông. Theo hợp đồng đã ký trước đây, dự án do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1) làm nhà thầu chính và và nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông. 
 
Tuy nhiên, đến tháng 6/2012, nhà thầu Trung Quốc đã xin rút khỏi dự án do không thống nhất, thỏa thuận được dự toán chi phí. Công trình bị ngưng trệ và chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án Tả Ngạn cũng như Thành phố Hà Nội “đau đầu” tìm kiếm nhà thầu thay thế do phần thiết kế, thi công kết cấu vòm thép phụ thuộc vào công nghệ, tư vấn và thi công của Trung Quốc.
 
Lúc này, Cienco 1 đang thi công cầu Châu Giang (Hà Nam) và vừa hoàn thành cầu Rồng (Đà Nẵng) có dạng kết cấu tương tự đảm bảo chất lượng và an toàn. Sau khi có ý kiến đóng góp của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, tháng 3/2013, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã giao cho Cienco 1 thi công cầu Đông Trù.
 
Thời điểm đó, UBND TP Hà Nội giao tiến độ hoàn thành công trình đúng dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô vào 10/10.
 
Cầu Đông Trù ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam (Ảnh: Minh Chiến)
 
Vượt khó khăn về đích đúng hạn
 
Sau khi được giao trọng trách thi công cây cầu vòm đầu tiên tại Hà Nội, toàn bộ kỹ sư, công nhân tinh nhuệ nhất của các Xí nghiệp Cầu 17, Cầu 18, Công ty Thi công cơ giới vừa hoàn thành cầu Rồng được huy động ra Thủ đô để bắt đầu xây dựng cây cầu đặc biệt này.
 
Tiếp nhận công trình vào đúng mùa mưa lũ, nên phải từ tháng 8/2013, các nhà thầu mới có thể tập trung thi công. Trên công trường lúc nào cũng có hàng trăm kỹ sư, công nhân thi công 3 ca liên tục. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, công nghệ, mọi hạng mục thi công đã dần về đích đúng hẹn.
 
 Cầu vòm đầu tiên tại Hà Nội những gấp rút hoàn thiện (Ảnh: Minh Chiến)
 
Nói về khó khăn, các kĩ sư xây dựng công trình cho biết đó là việc sản xuất 2 khối vòm thép, mỗi khối gồm 2 đoạn vòm có chiều dài 53m được nối với nhau bằng các thanh ngang có chiều rộng 23,5m, trọng lượng mỗi khối vòm 280 tấn.
 
"Sản xuất xong, phải đưa từ mặt nước lên độ cao 42m trong thời gian 5 giờ để trả lại luồng giao thông cho các phương tiện trên sông", kĩ sư Vũ Trí Phúc - Phó phòng kĩ thuật cho biết.
 
Cũng theo kĩ sư Phúc, quá trình xây dựng cây cầu đặc biệt này, đơn vị thi công vừa làm vừa học hỏi, khắc phục những hạn chế về công nghệ. 
 
Công trình sẽ được thông xe vào dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng thủ đô (Ảnh: Minh Chiến)
 
"Vào đầu tháng năm, vòm thép hợp long cầu Đông Trù có chiều dài 53m, chiều rộng 23,5m và trọng lượng 280 tấn được các kỹ sư và thợ cầu Cienco 1 dùng hệ kích nâng lên từ mặt sông đến điểm hợp long 42m. Trong quá trình lắp đặt, sườn vòm thép sẽ được kê trên trụ đỡ tạm trên nền móng cọc đóng và cọc khoan nhồi, giải pháp này phải phụ thuộc vào một số điều kiện về khí tượng, thủy văn, lưu tốc dòng chảy sông Đuống", kĩ sư Phúc chia sẻ.
 
Là cây cầu thi công kết cầu vòm thép nhồi bê tông, nên việc bơm bê tông đòi hỏi cao sự chính xác vì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết và nhiệt độ bên ngoài.
 
Trao đổi với PV VTC News tại công trường, kĩ sư Vũ Trí Phúc cho biết, công trình đã hoàn thành đến 97% khối lượng công việc, dự kiến ngày 7/10 sẽ bàn giao cho TP Hà Nội và thông xe vào dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng thủ đô 10/10.
VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo