Những giải pháp thiết thực góp phần vực dậy nền kinh tế
Dưới đây, Tạp chí Dn&HN trích đăng bài phát biểu của TS.Cao Sĩ Kiêm tại kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 13:
Năm 2013 kinh tế Việt Nam trong điều kiện hết sức khó khăn, có thể khẳng định là khó khăn lớn nhất từ trước đến giờ. Nhưng chúng ta đã có những biện pháp tích cực để làm chuyển biến và kết quả bước đầu rất đáng kích lệ và có ý nghĩa.
- Thứ nhất: Đã tập trung chỉ đạo giảm được lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đã giảm và ổn định được tỷ giá, tăng được dự trữ ngoại tệ, giảm được mức thuế, giảm được bội chi ngân sách, giảm từng bước đầu tư công, tăng xuất khẩu. Đấy là những kết quả mà tôi cho rằng có ý nghĩa rất thiết thực trong khi nền kinh tế đang rất khó khăn.
- Thứ hai: Chúng ta bắt đầu chọn lọc và đầu tư vào những chương trình tập trung hơn, đồng thời lại tiếp tục điều chỉnh giá theo lộ trình kinh tế thị trường và đầu tư vào hạ tầng, khởi công được những dự án mang tính chất chiến lược để chuẩn bị cho mai sau.
Những điều này đang chuyển động, tuy mới là kết quả bước đầu nhưng nó có ý nghĩa ở hai điểm. Một là trong điều hành của Chính phủ và các Bộ, đã bám sát được Nghị quyết Trung ương Đảng và Quốc hội. Đã hướng nền kinh tế của chúng ta đang chuyển dần theo xu thế tốt lên, kể cả phát triển và hội nhập, một nền kinh tế ổn định, bền vững và có hiệu quả. Những vấn đề này ta đang xử lý tiếp, nhưng cũng giúp chúng ta rút ra kinh nghiệm xử lý 9 tháng còn lại và những năm sau theo hướng bền vững và có hiệu quả. Bên cạnh đó, những vấn đề bộc lộ yếu kém lớn của những tháng qua có mấy điểm như sau:
- Số doanh nghiệp khó khăn, co hẹp sản xuất và phá sản ở mức cao và đang tăng.
- Tổng cầu giảm, sức mua giảm, đời sống giảm, kéo theo tồn kho nợ xấu cao, nguồn thu ngân sách giảm, đầu tư toàn xã hội giảm, tín dụng thì tăng thấp, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước, đây là những báo động về kinh tế. Nếu chúng ta nhìn lại 5 năm qua từ 2008 đến nay, kinh tế cả nước đang có những bước chậm lại, thậm chí có những mặt thụt lùi, khoảng cách giữa Việt Nam so với thế giới và khu vực ngày càng tăng. Khó khăn tồn tại này không những chi phối vào kế hoạch năm 2013 mà còn tiếp trong 2014, 2015 và chắc chắn rằng sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm.
- Khuyết điểm tồn tại trên là tích tụ từ lâu và kéo dài, nhưng biện pháp xử lý vừa qua thường nặng về giải pháp tình thế, giải quyết những bức xúc. Việc chuyển hướng và giải quyết tạo bước ngoặt đột phá để giải quyết những vấn đề trung hạn, dài hạn, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế như mô hình tăng trưởng cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế thì chưa được tương xứng, đúng tầm, đủ liều lượng và nó biểu hiện rất rõ trong triển khai thực hiện đề án tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế. Đó cũng là một trong những yếu tố làm giảm lòng tin, thiếu động lực trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế xã hội.
Về giải pháp, ngoài những giải pháp của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đề xuất, xin kiến nghị cụ thể để chúng ta giải quyết tiếp. Về ngắn hạn, trước hết đề nghị giải quyết 5 vấn đề bức xúc:
- Một là: Chính phủ tiếp tục xử lý một bước trong 90 nghìn tỷ, nợ xây dựng cơ bản của các doanh nghiệp như Thủ tướng hứa là sẽ giải quyết 30 nghìn tỷ trong năm 2013.
- Hai là: Tất cả các chủ trương về giảm thuế để tăng sức lực cho doanh nghiệp thì nên chuẩn bị kỹ và đến hạn thực hiện là thực hiện ngay để nó góp phần giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn.
- Ba là: Phát hành trái phiếu Chính phủ để đưa vào lĩnh vực tăng tổng cầu, tăng cho giao thông, cho y tế và một số lĩnh vực thực sự cần thiết cho sản xuất và cho đời sống.
- Bốn là: Đề nghị triển khai nhanh Công ty quản lý nợ, chuyển ngay nợ xấu của các doanh nghiệp sang Công ty này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay càng nhanh, càng tốt, càng nhiều, càng hay.
- Năm là: Điều chỉnh linh hoạt hơn tỷ giá để theo hướng khuyến khích xuất khẩu nông thủy sản, kể cả Đồng bằng sông Cửu Long, miền Bắc và các khu vực chúng ta đang có nhiều lợi thế trong xuất khẩu. Tư tưởng chỉ đạo theo tinh thần tăng tổng cầu, khôi phục sức khỏe cho doanh nghiệp tạo niềm tin và nhuệ khí phấn đấu cho doanh nghiệp.
Đấy là 5 vấn đề cụ thể trong kế hoạch ngắn hạn của những tháng còn lại 2013. Về trung hạn cũng có 5 việc cần tập trung ưu tiên:
- Một là: Trên cơ sở đề án tổng thể của tái cấu trúc nền kinh tế nên khẩn trương làm các đề án nhánh, đề án các vùng, các ngành, các đơn vị và xây dựng đề án khôi phục kinh tế trong 3 năm (2013 – 2015).
- Hai là: Năm 2013 sắp xếp một cách nhanh gọn những ngân hàng yếu kém và các vấn đề còn đang yếu kém trong hệ thống ngân hàng.
- Ba, là: Sắp xếp một bước tập đoàn theo phương pháp chọn một số làm trước, từ trên xuống dưới theo sự chỉ đạo thống nhất và không nên làm ngược, không nên làm phân tán, chủ yếu là đơn vị tự làm, tự khắc phục theo ý mình.
- Bốn là: Chọn một số đơn vị để chúng ta làm cổ phần hóa cho thật nhanh, góp phần tạo vốn và tạo việc làm. Xây dựng lộ trình cho năm 2013, 2014 và 2015
Còn về điều hành, tôi xin đề nghị ba ý kiến:
- Cố gắng đánh giá thực trạng một cách chính xác kể cả sản xuất kinh doanh và đời sống trên cơ sở nguồn thông tin chuẩn mực và tin cậy.
- Phân bổ nguồn lực có liên quan đến quyền lợi thì nên chú ý minh bạch, công khai, công bằng để tránh cục bộ, lợi ích nhóm.
- Phát huy một cách tích cực những nhân tố mà chúng ta sẽ làm, đó là bỏ phiếu tín nhiệm những vị trí chủ chốt Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và cuối năm lại bỏ phiếu trong Đảng để tạo nên một sinh khí mới, niềm tin mới cho cử tri, cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và các năm sau."
TS.Cao Sỹ Kiêm (Đại biểu Quốc hội khóa Xlll)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng