Những khó khăn trong nghề dịch thuật - chia sẻ của dịch giả PGS. TS Nguyễn Văn Dân
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc áp dụng khoa học công nghệ vào dịch thuật nói chung và dịch các tác phẩm sách nói riêng đang trở thành một xu thế được các bạn trẻ áp dụng rất nhiều. Chỉ cần một thao tác sao chép văn bản rồi dán vào Google dịch là đã có nội dung dịch khá chính xác về nghĩa, sau đó chỉ cần biên tập lại nội dung.
Trao đổi với DNVN, PGS.TS Nguyễn Văn Dân – một nhà dịch giả có tiếng và kinh nghiệm lâu năm trong nghề đã chia sẻ về cuộc sống của một nhà dịch giả và người viết sách cùng những khó khăn thăng trầm trong nghề cũng như định hướng, góp ý cho các bạn dịch giả trẻ tuổi.
DNVN: Được biết ông tham gia nghiên cứu rất nhiều các tác phẩm văn học nước ngoài có giá trị, vậy đó có thể được coi là manh nha cho nghề dịch giả mà ông đang song hành bây giờ?
- NVD: Trong quá trình làm nghiên cứu khoa học từ năm 1973 và nghiên cứu văn học từ năm1977, tôi có dịch các công trình khoa học và tác phẩm văn học để phục cho công việc khoa học của mình. Các tác phẩm dịch đó là những bài viết hoặc truyện ngắn, thơ, kịch... Có những truyện ngắn hoặc bài thơ dịch đã đăng trên báo. Tôi cũng đã tham gia dịch và hiệu đính cho cả những cuốn sách khoa học do cơ quan tổ chức dịch và xuất bản. Công việc dịch thuật được thực hiện đan xen với việc nghiên cứu từ đó đến nay, cho nên không thể tính thời gian thuần tuý dành cho việc dịch thuật. Chỉ có thể nói cùng với công việc nghiên cứu, tôi luôn quan tâm đến công việc dịch thuật cả về lý thuyết lẫn ứng dụng. Nhưng nếu gọi là manh nha cho nghề dịch giả mà tôi đang song hành thì cũng không sai.
DNVN: Đến nay, các tác phẩm dịch của ông cũng khá nhiều. Các bạn trẻ yêu thích sách đều biết đến ông nhưng không phải ai cũng biết tên cuốn sách đầu tiên ông dịch là gì. Vậy ông có thể chia sẻ tên của cuốn sách đó là gì cho các bạn độc giả được biết?
- NVD: Tôi đã có một vở kịch dịch đầu tiên là “Dư luận quần chúng” của văn học Rumani được in chung trong cuốn sách Tập kịch nước ngoài của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm1984. Vở kịch này sau đó đã được Sân khấu quần chúng ở Thành phố Hồ Chí Minh diễn liên tục trong nhiều năm liền.
DNVN: Nghề dịch giả là một nghề đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng giá trị nhận được từ nó lại không nhiều. Vậy điều gì đã khiến ông vẫn tiếp tục theo nghề dịch thuật?
- NVD: Dịch thuật là một công việc rất nhọc nhằn. Nó đòi hỏi người dịch phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu, tra cứu kiến thức văn hoá và khoa học để có thể truyền đạt chính xác văn bản gốc. Cho nên tôi đã có lần phát biểu trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam rằng người dịch giỏi là một nghệ sĩ uyên bác. Để nói rằng điều khiến tôi “Bám” lấy nghề dịch thuật này thì chỉ có thể nói bằng hai từ đó là động lực chuyên môn.
DNVN: Có nhiều người cho rằng: Dịch giả muốn dịch được hay, được nhuần nhuyễn thì cuộc sống của họ phải có ít nhiều sóng gió, ông nghĩ sao về vấn đề đó?
- NVD: Có một lý do để nói dịch thuật là một công việc nhọc nhằn, vất vả là nhuận bút dịch rất thấp, rằng người dịch làm công việc này chỉ là do yêu cầu chuyên môn và sự thôi thúc của nghề nghiệp. Dịch thuật giúp trau dồi được kiến thức văn hoá để nó quay trở lại phục vụ cho
công việc nghiên cứu của người dịch. Đối với tôi, một người làm nghiên cứu văn học và văn hoá lâu năm, dịch thuật khoa học và văn học là một công việc bổ ích. Vì vậy, muốn dịch được nhuần nhuyễn thì bạn cần có phông văn hóa tốt, lối dùng từ ngữ chuẩn, chứ nó không liên quan đến “sóng gió” của cuộc đời.
DNVN: Ông nghĩ sao khi một dịch giả trẻ cho biết mỗi tháng dịch được ít nhất là 2 cuốn sách, mỗi cuốn khoảng gần 500 trang nhờ áp dụng công nghệ dịch thuật?
- NVD: Mỗi tháng dịch 2 cuốn sách gần 1000 trang thì thật là phi thường! Tuy nhiên tôi nghi ngờ chất lượng của một bản dịch như vậy. Theo tôi, cho đến nay chưa có công nghệ dịch nào đáp ứng được dịch thuật một cách hoàn hảo, đặc biệt là dịch thuật văn học - văn hoá. Để dịch được một tác phẩm hay và chính xác bạn phải có vốn hiểu biết về văn hóa sâu rộng chứ không đơn thuần chỉ là dịch nghĩa từng câu từng chữ. Khi làm công việc hiệu đính, có lần tôi đã gặp một bản dịch ngược ra tiếng Anh mà người dịch đã dịch “tín ngưỡng thờ cúng Tứ Pháp” củaViệt Nam thành “tín ngưỡng thờ cúng bốn ngành tư pháp” (!). Tôi đoán người dịch đã sử dụng công nghệ dịch của Google. Trong khi “Tứ Pháp” là tín ngưỡng thờ bốn vị nữ thần vũ trụ là “Nữ thần Mây, Nữ thần Mưa, Nữ thần Sấm, Nữ thần Chớp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Công nghệ nào có thể dịch được chữ “Tứ Pháp” này? Ở đây, kiến thức văn hoá là điều không thể thiếu cho dịch thuật.
DNVN: Được biết ông đạt rất nhiều các giải thưởng, tác phẩm dịch của ông cũng rất đa dạng từ thể loại, tác giả, ngôn ngữ... vậy xin ông hãy chia sẻ về một số tác phẩm dịch thuật và thành tích mà ông đã đạt được?
- NVD: Song song với việc nghiên cứu, công việc dịch thuật văn học của tôi nói riêng đã có một số thành tựu khiêm tốn. Tôi đã dịch một số bài thơ, truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết của các nền văn học trên thế giới từ các thứ tiếng Rumani, Pháp, Anh, đặc biệt là tiểu thuyết và kịch thuộc dòng văn học phi lý, là đề tài mà tôi đã quan tâm trong quá trình nghiên cứu văn học của mình. Các tác phẩm của các nhà văn phi lý như Buzzati, Kafka, Camus, Ionesco đã được tôi dịch và đưa vào các cuốn sách như Dino Buzzati tuyển tập tác phẩm (nhiều người dịch,2001), Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka (nhiều người dịch, 2003), và cuốn Văn học phi lý -khảo luận và tuyển chọn của tôi in năm 2002, trong đó nổi bật có tiểu thuyêt Kẻ xa lạ của Camus. Năm 1996, tôi đã được tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng cho công việc của dịch giả. Năm 1997 tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn VN, năm 2000 tôi tham gia Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn VN, từ năm 2010 đến 2015 tôi là Chủ tịch Hội đồng này. Từ tháng 6-2011 đến tháng 6-2013 tôi kiêm nhiệm Tổng Biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. (Tạp chí này đến tháng 6-2013 thì sáp nhập với tạp chí Nhà văn để làm thành tạp chí Nhà văn và tác phẩm.) Từ năm 2015 tôi chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội Nhà văn VN đến năm 2017 (nhiệm kỳ 2 năm). Từ tháng 3 năm 2017 tôi đã nghỉ hưu với tư cách là cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nhưng vẫn tham gia dịch tài liệu khoa học cho cơ quan và vẫn hoạt động với tư cách là nhà lý luận phê bình và dịch giả văn học cho Hội Nhà văn VN. Tôi đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội xuất bản Việt Nam, Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho các cuốn sách lý luận phê bình, trong đó không thể không nói đến công đóng góp của dịch thuật.
DNVN: Nhìn vào những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà cũng như văn học dịch thuật,chắc chắn rất nhiều nhà dịch giả trẻ ngưỡng mộ. Vậy ông có thể chia sẻ và góp ý cho các bạn dịch giả đó?
- NVD: Tôi đã viết một số bài về lý thuyết dịch thuật, trong đó tôi đề xuất một yêu cầu và 4 nguyên tắc của dịch thuật: Yêu cầu đó là thể hiện chính xác cấu trúc diễn đạt tương đươngcủa ngôn ngữ dịch. Còn 4 nguyên tắc, nói cụ thể ra thì rất dài, nhưng đúc kết lại là: 1.Nguyên tắc về vốn kiến thức văn hóa; 2. Nguyên tắc tư duy và chuyển nghĩa tương đương giữa hai ngôn ngữ; 3. Nguyên tắc đối chiếu đa ngữ; 4. Nguyên tắc về tính kiên trì.
Rất cám ơn ông về buổi chia sẻ hữu ích này.
Xin cám ơn Ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo