Những khuất tất trong việc quy tập hài cốt liệt sỹ ở núi Giàng, Quảng Ngãi
Chuyện tìm kiếm, quy tập và bốc mộ hài cốt liệt sỹ đã trở thành đề tài “nóng” trong thời gian qua. Ở Quảng Ngãi cũng không nằm ngoại lệ, gần đây, không chỉ dư luận ở Quảng Ngãi xôn xao bàn tán mà cựu chiến binh nhiều nơi trong tỉnh đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cấp, ngành đề nghị làm rõ nghi vấn của việc bốc hài cốt Liệt sỹ (LS) trong thời kỳ chống Mỹ, do ông Phạm Đình Nghiệp (nguyên Đại đội phó Ban liên lạc Đặc công Quân khu 5) khởi xướng và đã cất bốc, quy tập 160 hài cốt LS tại huyện Đức Phổ
Những “đồng chí gạch” ở núi Giàng
Việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào nghĩa trang liệt sĩ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc tổ chức tìm kiếm, quy tập phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, có cơ sở, bằng chứng xác đáng.
Câu chuyện quy tập hài cốt liệt sỹ trong thời kỳ chống Mỹ do ông Phạm Đình Nghiệp (nguyên Đại đội phó Ban liên lạc Đặc công Quân khu 5) khởi xướng đã cất bốc ở núi Giàng (tỉnh Quảng Ngãi), mà chúng tôi có dịp về tận nơi chứng kiến, là một câu chuyện đau lòng, đâu đó vẫn tồn tại trong xã hội. Sau khi kiểm tra bước đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phải chỉ đạo di dời hỏa tốc phần mộ tập thể đã đưa vào chôn cất tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ.
Sau khi nhận được Tờ trình của ông Phạm Đình Nghiệp (phường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 503/UBND-VX ngày 3/3/2011 chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các ngành liên quan ở tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khảo sát, tìm kiếm và khai quật mộ liệt sỹ. Tiếp đó, có nhiều ý kiến và đơn thư phản ánh, UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành lập Tổ kiểm tra liên ngành tiến hành để xác minh việc bốc mộ tại xã Phổ Minh.
Kết quả cho thấy nội dung ông Nghiệp cung cấp về trận đánh tập kích vào đồi núi Giàng năm 1966, của Đại đội Đặc công 506A của tỉnh bỏ sót lại, làm chiến sĩ ta hy sinh là không có cơ sở; nhưng lại bốc và quy tập phần mộ 12 liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ xã Phổ Minh và xây nấm mộ, đặt bia đàng hoàng?
Theo ông Nghiệp: ở huyện Đức Phổ, đêm 12 rạng sáng ngày 13/6/1966, đại đội 506A được tăng cường 1 trung đội tấn công diệt gọn cụm cứ điểm núi Giàng, nhưng khi dùng đèn pin thu chiến lợi phẩm nên bị địch ở đồn núi Dâu gọi pháo bắn, trung đội bị tổn thất nặng nề, ta còn 10 hài cốt LS nằm ở đây…”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cử (phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) là người trực tiếp tham gia trận đánh trên cho biết, trận này ta có thương vong nhưng không nhiều, số bị thương chuyển về xã Phổ An, số hy sinh chuyển về Phổ Minh hay Phổ Nhơn.
Ông Thái Thành Long (trú tại thị trấn Đức Phổ), nguyên là Xã đội phó Phổ Minh, lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ tiếp nhận thương binh (TB) và LS cho hay: “Trận này ta chỉ hy sinh 1 bộ đội và 1 du kích xã, cả hai được đưa về chôn cất tại thôn Tân Mỹ và Hải Môn, sau đó đã cất bốc vào Nghĩa trang LS Phổ Minh”.
Tìm hiểm về cội nguồn lịch sử, trong cuốn “Lịch sử bộ đội Đặc công tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 1959 - 1975” đã thể hiện trận đánh tại núi Giàng: “Quân ta hy sinh 7, bị thương 10, lực lượng thương vong của ta cơ bản được chuyển về tuyến sau”. Ấy vậy mà vẫn có chuyện bốc hài cốt gọi là LS đưa vào cải táng tại Nghĩa trang LS Phổ Minh và ghi là “Mộ tập thể chưa biết tên” theo vị trí từ hàng mộ số 1 đến mộ số 14, tính từ tường rào phía sau tượng đài trở vào?.
Trước dư luận xôn xao về thông tin cất bốc mộ LS tại núi Giàng, ông Võ Công Cự (phường Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi), lúc đó là Bí thư xã Đoàn kiêm Chính trị viên phó xã đội Phổ Minh, làm nhiệm vụ phụ trách dân công chuyển thương về tuyến sau, gửi đơn đến các cấp khẳng định: “Việc bốc 12 hài cốt tại núi Giàng đưa vào Nghĩa trang LS Phổ Minh để cải táng là không đúng, vì trận đánh này ta tiêu diệt gọn, bắt sống tù binh, thu vũ khí. Ta làm chủ trận địa đến 7 giờ sáng, ta giải quyết hết TB, LS”.
Từ ngày 10 - 14/10/2012, công việc bốc hài cốt LS tại núi Giàng được thực hiện. Theo Xã đội trưởng Phổ Minh, 2 ngày đầu không phát hiện gì, đến chiều ngày 12/10, sau khi đào nhiều chỗ thấy đất đen nhưng không có xương cốt, không có di vật. Những ngày sau đó, dù mở rộng phạm vi tìm kiếm nhưng không phát hiện gì.
Ông Tô Đức Lâm, cán bộ chính sách Ban chỉ huy Quân sự Đức Phổ cho biết, quá trình khai quật phát hiện đất đen, hình dạng hộp sọ, không xác định hài cốt hay không, số lượng bao nhiêu?. Tất cả được bốc vào 2 quách, sau đó chuyển thành 1 quách và an táng tại nghĩa trang LS Phổ Minh. Về số di vật gồm bao cát, giày dép, thùng đạn xác định đây là của Mỹ nên lấp lại, sau đó ai mang đi không rõ…
Nhiều người cho biết chỉ nghe kể lại, không trực tiếp tham gia hoặc phục vụ chiến đấu. Thông tin phản ánh trong các giấy xác nhận của các nhân chứng có một số nội dung chưa đúng thực tế, có một số nội dung trong giấy được ông Nghiệp đánh máy lại không đúng với nội dung do ông Dương Bằng, Võ Sĩ Chính, Phạm Tiến Thành cung cấp. Đồng thời, những giấy xác nhận này đều được lập sau khi có đơn phản ánh của ông Võ Công Cự.
Để làm rõ sự thật, Tổ kiểm tra đã tổ chức đối thoại với các nhân chứng biết sự việc. Các ý kiến đều thống nhất xác định rằng: “Qua kết quả xác minh và tình hình thực tế trước năm 1975, việc quy tập hài cốt ở núi Giàng nghi là hài cốt địch cũng không có cơ sở, bởi vì chốt núi Giàng do địch ở từ năm 1964 - 1975, nếu có xác chết thì họ đã đem về an táng chứ không chôn cất tại đây. Như vậy, tại khu vực núi Giàng không có hài cốt LS của ta và cả hài cốt của địch”. Để chắc chắn hơn, ông Lê Văn Mùi - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đề nghị lấy mẫu sinh phẩm tại ngôi mộ trên để giám định ADN, làm căn cứ xác định chính xác.
Không có cơ sở khẳng định đó là hài cốt liệt sĩ
Kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội khẳng định: “Về mặt khoa học cũng như công tác thống kê thực tế thực hiện, nếu hài cốt LS hy sinh từ khoảng năm 1965 - 1975 thì hài cốt không thể tiêu hủy hết!. Nhìn quan sát thực tế quy hình ảnh quy tập mộ tại núi Giàng và tài liệu quy tập, thì không có dấu hiệu hài cốt liên quan đến hài cốt người đã được chôn cất tại vị trí này. Việc yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm ADN tại phần mộ quy tập tại núi Giàng, đã đưa vào an táng ở Nghĩa trang LS xã Phổ Minh thì không thực hiện được, vì không có mẫu (xương, răng…)”.
Như vậy, ông Phạm Đình Nghiệp cung cấp thông tin có hài cốt LS tại núi Giàng là chưa có cơ sở. Việc cất bốc hài cốt gọi là LS ở đồi núi Giàng đưa vào an táng tại Nghĩa trang LS xã Phổ Minh thực tế là hoàn toàn không có hài cốt. Vậy nhưng, có “nhà thơ” nổi tiếng tỉnh Quảng Ngãi, hết lời ca tụng công lao của ông Nghiệp như “trời bể” của một anh hùng luôn nặng tình với đồng đội đã ngã xuống.
Trước sự thật phủ phàng trên, ngày 17/01/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc, yêu cầu UBND huyện Đức Phổ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi khẩn trương tổ chức di dời “phần mộ” được cho là LS quy tập tại núi Giàng vào an táng trong Nghĩa trang LS Phổ Minh, ra ngoài nghĩa trang. Vị trí di chuyển do UBND huyện quyết định. Công việc đưa hài cốt “không xương, không đầu” ra khỏi nghĩa trang được “âm thầm” thực hiện chóng vánh ngay sau đó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hoài Hà, 74 tuổi, nguyên Tổng Biên tập Báo Giải phóng Quảng Ngãi kiêm Trưởng Đài Phát thanh tỉnh Quảng Ngãi trăn trở: “bằng hiện trường giả, nhân chứng giả, họ đã biến đất đá màu đen xẩm thành hài cốt LS và tạo ra một “bi hài kịch”… Đông đảo cựu chiến binh và cán bộ kháng chiến (nhân chứng sống) và cả những người đã ngã xuống vì độc lập tự do, chắc chắn không bao giờ chấp nhận tội lỗi này”!.
Theo TN&MT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo