Những kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động nghị trường Quốc hội khóa XIII
Đeo bám vấn đề nóng
Qua 10 kỳ họp của Quốc hội khóa 13(2011-2016) luôn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Mỗi kỳ họp có nhiều nội dung khác nhau nhưng nóng nhất, được cử tri quan tâm nhất,là những hôm thảo luận và chất vấn các vấn đề lớn của đất nước. Tôi nhớ, sáng ngày 2/6/2014, trong giờ giải lao phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7, Đại biểu Bùi Quang Vinh đến bên tôi chia sẻ sự đồng cảm cao của ông với vấn đề tôi vừa phát biểu: Cải cách thể chế kinh tế để không lệ thuộc.
Trước đó một tháng, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 tại vùng biển của Việt Nam. Cùng chung sự lo lắng của các vị đại diện cho dân về chủ quyền lãnh thổ, song trong phát biểu của mình tôi vẫn tiếp tục “đeo bám” yêu cầu cấp thiết phải đột phá cải cách thể chế, trước hết là thể chế kinh tế.
Bởi khi Việt Nam đang ở trong bối cảnh cần tập trung sức lực cho bảo vệ chủ quyền biển đảo, vấn đề thực lực quốc gia, đằng sau đó là thể chế, trở thành thách thức to lớn.
Đây cũng là quan tâm lớn của tôi trong suốt cả nhiệm kỳ đầu tiên làm người đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13, tái cơ cấu nền kinh tế mà một trong những trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại luôn nằm trong sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội.
Ngay từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vào cuối năm 2011, tôi đã gửi văn bản chất vấn Thống đốc về giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang quá nhiều so với các nước trong khu vực nhưng hoạt động chưa lành mạnh, chạy đua lãi suất quá cao, làm cho thị trường vốn ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của đất nước.
Doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để ổn định và phát triển sản xuất. Nhưng câu trả lời của Thống đốc khi đó chưa thực sự rõ ràng và đầy đủ.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên hỏi tôi có tiếp tục chất vấn Thống đốc nữa hay không? Có, là câu trả lời ngay lập tức của tôi. 4 năm trôi qua kể từ ngày tôi chất vấn Thống đốc về nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, cả hai vấn đề này đều đã “hạ nhiệt” trên nghị trường.
Nợ xấu đến cuối năm 2015 đã về dưới 3%, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đánh giá đã thành công bước đầu, lãi suất cho vay được điều chỉnh xuống dưới 10% so với năm 2011 trên 20%.
Điều đó cũng có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp đã “dễ thở” hơn, nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn.
Được “ưu tiên” phát biểu tại nhiều phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế, xã hội, tôi đã đi sâu nghiên cứu để không chỉ nêu chính kiến mà còn đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể, trên cơ sở quan điểm xuyên suốt về cải cách thể chế tái cơ cấu nền kinh tế tạo bước đột phá để vừa phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc tổ quốc.
Trong suốt quá trình đó, không chỉ có các vị đại biểu khác, các nhà quản lý điều hành mà còn cả các cử tri – trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế - chia sẻ với những vấn đề tôi đã kiên trì theo đuổi và ít nhiều đã được hiện thực hoá, đó là sự động viên không nhỏ với tôi.
Chỉ nhiệt tình là chưa đủ
Với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của đất nước, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội ngày càng thêm nặng nề.
Với đại biểu chuyên trách, để hoàn thành nhiệm vụ cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.
Với tôi, đại biểu kiêm nhiệm, thời gian phải dành phần lớn cho công tác chuyên môn nhưng sức nặng của lá phiếu ở nghị trường thì không có sự phân biệt, tôi hiểu nếu chỉ nhiệt tình là chưa đủ.
Vì vậy, xác định không thể có đủ thời gian và cả hiểu biết để tham gia sâu sắc vào tất cả các vấn đề được đặt ra taị mỗi kỳ họp Quốc hội, tôi thường tập trung đi sâu nghiên cứu một số vấn đề vừa đáp ứng đòi hỏi của cử tri, vừa có thể đóng góp với hiệu quả cao nhất trong khả năng của mình.
Ngoài ưu tiên quan tâm cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập nhưng cũng đảm bảo phát triển bền vững, tôi cũng luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp- nông thôn và nông dân.
Tại kỳ họp thứ 9, ngày 7/6/2015, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, tôi nêu 3 vấn đề để đối phó nguy cơ tái bất ổn kinh tế vĩ mô có thể sớm lặp lại,trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp rất mờ nhạt. Từ cây lúa, con cá, cao su, cà phê VN vẫn ở tầm thấp của thế giới, vẫn đa số là hàng chất lượng thấp và lấy giá rẻ cạnh tranh, chơi với thế giới với kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá, trả về hay đổ bỏ…Nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là khu vực thiệt thòi nhất. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho cộng động vẫn chưa được quan tâm đứng mức.
Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương… có ai có thể trả lời QH một bản kế hoạch đưa gạo hay nông sản VN vào Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hàn Quốc đã ký kết hay sắp tới là các thị trường khác thế nào? Có thể xây dựng bản kế hoạch về nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu Việt theo một lộ trình mở cửa 1-2 năm tới? Tôi rất mong chờ kỳ họp tới sẽ nhận được câu trả lời thỏa đáng
Thế rồi, tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho cộng động được hai bộ trên quan tâm.Trong phần giải trình chất vấn về vấn đề kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã kiến nghị với Quốc hội xem xét sửa đổi một số điều trong Luật Hình sự. Cụ thể, sửa đổi Điều 155 và Điều 244 để có cơ sở pháp lý mạnh xử lý những vi phạm rất nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Quốc hội xem xét việc sửa đổi và Bộ sẽ có những kiến nghị cụ thể. Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính, tăng mạnh mức xử phạt đối với các vi phạm.
Bên cạnh diễn đàn công khai, đại biểu Quốc hội còn thực hiện nhiệm vụ thông qua hoạt động giám sát, đôi khi không chỉ là trực tiếp.
Trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì yêu cầu đột phá cải cách thể chế cũng đặt ra hết sức mạnh mẽ.
Một hoạt động thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội đó là chất vấn. Phóng viên hỏi tôi, thường các đại biểu kiêm nhiệm rất ngại chất vấn, nếu có cũng không chọn những vấn đề gai góc và không đeo bám đến cùng. Vậy lý do nào khiến tôi vượt lên những trở ngại đó?
Đâu đó tôi đã đọc được quan điểm của một vị đại biểu trên báo chí, rằng khi đã bước vào nghị trường thì cần phải tạm “quên” chức vụ chuyên môn của mình. Và tôi chia sẻ quan điểm này.
Quốc hội khoá 13 được giao trọng trách lịch sử, đó là sửa đổi, thông qua Hiến pháp mới.
Với Hiến pháp 2013 thì yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đặt ra rất sâu rộng với hàng loạt đạo luật mới. Như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Từ kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm điều hành doanh nghiệp, luôn luôn lắng nghe ý kiến cử tri tranh thủ tham vấn chuyên gia, tôi đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện các đạo luật nói trên.
Bên cạnh đó, những góp ý về Luật Đấu thầu, Luật Phí, lệ phí, Luật Kế toán, Luật Thống kê, Luật sửa đổi một số điều của các luật về thuế… cũng đều được cơ quan chỉnh lý dự án luật tiếp thu.
5 năm, quãng thời gian không dài nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm của một người đại biểu, khó có thể sẻ chia hết trong khuôn khổ của một bài viết.
Quốc hội Việt Nam đã qua chặng đường 70 năm. Quốc hội khóa 13 cũng đã đi sắp hết chặng đường. Kinh nghiệm của gần một nhiệm kỳ làm người đại biểu của dân đã giúp tôi thắm thía sâu sắc một điều rằng, dù làm đại biểu kiêm nhiệm, nhưng chỉ khi hoạt động với tinh thần chuyên nghiệp, với trách nhiệm “chuyên trách” thì mới có thể không phụ sự tin cậy, gửi gắm của cử tri./.
Theo Hà Sỹ Đồng (Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị)
End of content
Không có tin nào tiếp theo