Những nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới làm gi khi 25 tuổi ?
Với những nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới, tuổi 25 là bước đệm cho thành công sau này.
Martha Stewart: Đầu tư chứng khoán
Nữ hoàng kinh doanh kiểu Mỹ - Martha Stewart là chủ nhân công ty truyền thông Martha Stewart Living Omnimedia (MSLO), với tổng tài sản lên tới 638 triệu USD. Dưới quyền Martha là một loạt chương trình truyền hình, một tạp chí, nhà xuất bản và kênh radio vệ tinh Sirius. Hiện nay, bà là một trong những người giàu nhất làng truyền thông thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, người đàn bà quyền lực đó đã có một tuổi thơ nghèo khổ. Dù cuộc sống khốn khó, Martha luôn nỗ lực quyết chí học hành và đã tốt nghiệp cử nhân khoa Lịch sử và lịch sử kiến trúc tại trường cao đẳng Barnard.
Martha Stewart: “Nữ hoàng kinh doanh kiểu mẫu” ở Mỹ.
Năm 1967, ở tuổi 25, Martha Stewart bắt đầu sự nghiệp đầu tư chứng khoán, một công việc mà bố chồng bà đang làm, và bà đã rất thành công trong công việc này. Trong một lần phỏng vấn, Martha Stewart đã nói rằng “Tôi không bao giờ tự cho mình không bằng nam giới, và tôi nghĩ tôi có đủ kiến thức để trở thành 1 nhân viên môi giới”.
Marissa Mayer: “Bông hồng xinh đẹp” của Google
Marissa Mayer hiện tại là người phụ nữ quyền lực nhất nhì giới công nghệ, khi trở thành CEO của Yahoo. Marissa Mayer tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại đại học Stanford vào năm 1999. Ngay sau đó, bà nhận được một email với tựa đề “Làm việc tại Google?”. Mặc dù không mấy hứng thú bởi khi đó Google vẫn là 1 cái tên chưa có tiếng tăm, nhưng Marissa vẫn quyết định đến phỏng vấn, vì “đã từng nghe thầy giáo nhắc đến tên 2 chàng trai trẻ sáng lập Google”.
Marissa Mayer là CEO của Yahoo hiện nay.
Ở tuổi 24, Mayer trở thành nhân viên thứ 20 của Google và là kỹ sư nữ đầu tiên của hãng. “Tôi tới và được Sergey và Larry phỏng vấn tại bàn chơi bóng bàn. Nơi đó cũng chính là phòng họp của công ty”, Mayer cho biết. Marissa Mayer đóng vai trò quan trọng trong các sản phẩm nổi tiếng của Google, như Google Chrome, Google Search, Gmail. Bà làm việc ở Google trong suốt 13 năm trước khi chuyển sang làm CEO Yahoo vào năm 2012.
Sheryl Sandberg: Làm việc tại Ngân hàng Thế giới (World bank)
Nhắc đến những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, không thể không kể đến Sheryl Sandberg – “nữ tướng” của Facebook. Là giám đốc hoạt động của Facebook từ năm 2008, bà quản lý rất nhiều lĩnh vực từ hoạt động kinh doanh cho đến chính sách cộng đồng. CEO của Facebook - Mark Zuckerberg từng nói với tạp chí BusinessWeek: “Không có bà ấy sẽ là một thiếu sót lớn với chúng tôi”.
Người đàn bà quyền lực nhất thung lũng Silicon - Sheryl Sandberg.
Sheryl tốt nghiệp top đầu khoa kinh tế học tại đại học Harvard. Ở tuổi 25, bà làm việc cho Ngân hàng Thế giới (World Bank) dưới sự dẫn dắt của Larry Summers – Bộ trưởng Tài chính Mỹ sau này. Sau đó, bà quay lại Harvard học MBA và lấy bằng năm 1995.
Arianna Huffington: Viết sách về phong trào giải phóng phụ nữ
Sinh năm 1950 tại Hy Lạp, nhưng Arianna Huffington là một nữ doanh nhân, một chính trị gia, một nhà báo và là một người phụ nữ quyền lực nhất ngành truyền thông. Khi còn bé, Arianna Huffington đã mơ ước sẽ được học tại trường đại học Cambridge, và bằng chính những nỗ lực của bản thân mình, bà đã biến giấc mơ đó thành sự thật.
Arianna Huffington – Bà hoàng của truyền thông Mỹ.
Năm 1972, bà tốt nghiệp bằng tiến sỹ kinh tế. Cuốn sách đầu tiên của bà - The Female Woman – xuất bản năm 1973, khi bà 23 tuổi, là cuốn sách bán chạy nhất lúc đó. Bà còn viết khoảng hơn 12 cuốn sách nữa, thường về các chủ đề quan điểm chính trị và viết tiểu sử.
Indra Nooyi: Thạc sỹ của tập đoàn tư vấn Boston
Là “thuyền trưởng” của tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới, có lịch sử dài hơn một thế kỷ mang tên PepsiCo, Indra Nooyi đã tỏ rõ bản lĩnh của một người phụ nữ gốc Ấn về tài năng hoạch định chiến lược xuất sắc, khả năng lãnh đạo với tầm nhìn vĩ mô toàn cầu. Năm 2007, bà dẫn đầu trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn.
Nữ “thuyền trưởng” của PepsiCo Indra Nooyi.
Indra Nooyi sinh năm 1955 tại Chennai, thuộc miền Nam Ấn Độ trong một gia đình trung lưu. Năm 1980, sau khi đã lấy được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Quản trị Yale, ở tuổi 25, Indra Nooyi bắt đầu làm việc cho tập đoàn tư vấn Boston và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong 6 năm làm việc tại đó.
Irene Rosenfeld: Giám đốc phát triển quảng cáo
Rosenfeld được xếp thứ 6 trong danh sách 100 phụ nữ thành đạt nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Sau 3 năm gia nhập tập đoàn thực phẩm Kraft, bà đã làm hồi sinh sức sáng tạo cho một thương hiệu thực phẩm đang dần vắng bóng tại Mỹ và các nước khác trên thế giới.
"Nữ hoàng” bánh kẹo Irene Rosenfeld.
Rosenfeld theo học tại đại học Ivy League Cornell năm 1971. Công việc đầu tiên của Rosenfeld là Giám đốc nghiên cứu tại công ty quảng cáo Dancer Fitzgerald Sample Advertising. Sau hai năm tham gia vào lĩnh vực marketing, năm 1981, Rosenfeld chuyển sang làm việc cho một trong các khách hàng của mình, đó là General Foods.
Virginia Rometty: Kỹ sư hệ thống của IBM
Khi Virginia Rometty trở thành CEO thứ 9 của IBM, bà đã nắm quyền kiểm soát công ty lớn thứ 19 thế giới xét về doanh thu và lớn thứ 5 về giá trị. Sức ảnh hưởng của bà trong thế giới công nghệ cũng như của IBM trên thị trường tài chính quốc tế, đã giúp người phụ nữ này đứng đầu trong bảng xếp hạng các nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2012 của tạp chí Fortune.
Nữ tướng của IBM.
Rometty tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại đại học Northwestern. Năm 1981, ở tuổi 25, Rometty đã bắt đầu sự nghiệp của mình khi gia nhập IBM, với vị trí là kỹ sư hệ thống. Rometty được cho là "đã dẫn đầu chiến lược phát triển của IBM bằng cách đưa công ty vào Điện toán đám mây và môn phân tích kinh doanh”.
Ursula Burns: Trợ lý giám đốc Xerox
Được đánh giá là một trong những nữ CEO thành công nhất hiện nay, Ursula Burns đã giúp Xerox, hãng sản xuất máy in tốc độ cao lớn nhất thế giới khôi phục vị thế sau thời gian điêu đứng vì khủng hoảng kinh tế.
Nữ CEO gốc Phi làm nên cách mạng cho thương hiệu Xerox Ursula Burns.
Sinh năm 1958 trong một gia đình nghèo khổ và trải qua thời thơ ấu khó khăn tại New York, Ursula Burns đã tự vươn lên bằng chính khả năng và lòng kiên trì của mình. Năm 1981, bà chính thức gia nhập tập đoàn Xerox với tấm bằng thạc sĩ ngành Cơ khí chế tạo của đại học Columbia. Tại đây, bà đã cống hiến và đạt được những thành công vang dội như ngày hôm nay.
Theo Khám Phá
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo