Xã hội

Những phát ngôn ấn tượng nhất năm 2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Năm nay phải cổ phần hóa quyết liệt, lãnh đạo nào không làm được thì thay”.

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Dây dưa, chậm cổ phần hóa sẽ bị cách chức

Trong phiên chất vất tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua và các giải pháp tiếp tục thực hiện lộ trình từ nay đến năm 2015.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các giải pháp tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu từ nay đến năm 2015 đã được trình bày trong các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này.
 
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
 
Doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
 
Phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 trên tổng số 1.069 doanh nghiệp nhà nước
 
Tại buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh vào tháng 12/2013, Thủ tướng cũng đã phát đi thông điệp: Sẽ cách chức những lãnh đạo nào cản trở quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
 
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 9/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tới công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 15 tổng công ty. 
 
Thủ tướng chỉ đạo cần phải cổ phần hóa hết, niêm yết trên thị trường chứng khoán, thu hẹp đầu tư ngoài ngành, bố trí lại cán bộ quản lý cho phù hợp, đặc biệt là các tổng công ty hàng hải, đóng tàu, hàng không… đặc biệt, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh thông điệp: "Năm nay phải cổ phần hóa quyết liệt, lãnh đạo nào không làm được thì thay".
 
Nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng với sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước sẽ thu được nhiều kết quả thuận lợi.
 
Hàng trăm tỷ đồng của nhà nước kẹt ở nhà hàng, khách sạn…
 
Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp nào không thực hiện được cổ phần hóa sẽ thay lãnh đạo.
 
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, ĐBQH Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đã đặt ra câu hỏi: Làm gì để nền kinh tế trở lại thời kỳ vàng son? Theo đó, ông Lịch đề xuất bốn giải pháp:
 
Thứ nhất, phải xây dựng nhóm mục tiêu trung hạn, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua chương trình này, chính sách chủ đạo là chống lạm phát bị động sang chống lạm phát chủ động, tăng CPI từ 6,5-7% trong ba năm 2013 đến 2015, và sẽ kéo xuống dưới 5% trong những năm tiếp theo. Sự chủ động như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc phối hợp ba chính sách, đó là: Chính sách tiền tệ; chính sách chi tiêu công; Lộ trình điều khiển giá các loại dịch vụ do Nhà nước kiểm soát. Chương trình này cần thực hiện ngay từ năm 2013, chứ không phải thực hiện các chính sách theo kiểu ăn đong nữa.
 
Thứ hai, trên tinh thần chống lạm phát mục tiêu như vậy, đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để trong ba năm (2013 đến 2015) tổng đầu tư xã hội đạt mức 30-32% GDP. Đây là sự đòi hỏi phối hợp chặt chẽ của cả hai chính sách tiền tệ tài khóa, nếukhông đạt mức đầu tư như vậy thì giai đoạn sau không thể phát triển được.
 
Thứ ba, đề nghị kéo dài chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, thực hiện ba năm liền từ 2013 đến 2015.
 
Tuy nhiên, ĐB Lịch cũng thẳng thắn khi đề cập tới nguồn vốn Nhà nước: “Hiện nay, nhà nước còn rất nhiều nguồn lực, cần rà soát lại việc đầu tư công nghiệp nhạ, những ngành không cần thiết như khách sạn, nhà hàng… cần phải thoái vốn. Tại sao chúng ta để hàng trăm nghìn tỷ đồng ở đây, trong khi thiếu tiền làm quốc lộ và nhiều việc khác? Nguồn lực nhà nước đang lãng phí”.
 
Thứ tư, đề nghị NHHH quan tâm hơn nữa tới tín dụng, đừng để DN nào có thị trường nhưng chết vì không tiếp cận được vốn tín dụng; đề nghị quan tâm tới chính sách tỷ giá hiện đang bất lợi cho nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp.
 
“Tôi đề nghị cần phải đưa ra nghị quyết phục hồi nền kinh tế trong trung hạn để Chính phủ triển khai và Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH để giữa hai kỳ họp 5 và 6 những vấn đề gì thuộc thẩm quyền UBTVQH sẽ quyết định. Tôi tin rằng cử tri đang trông đợi những quyết sách như vậy”, ông Lịch đề xuất.
 
Và mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 6, ông Lịch tiếp tục đặt ra vấn đề:
 
Thứ nhất, nếu cộng 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ phát hành thêm thì tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 lên đến 400 nghìn tỷ đồng. Như vậy, NHNN vừa phải lo cho tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 14% (tương đương với hơn 400 nghìn tỷ đồng), lại phải cộng thêm 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu của Chính phủ nữa mà vẫn bảo đảm được không gây lạm phát. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.
 
Thứ hai, có những ý kiến cho rằng nợ công dưới 65% GDP là an toàn, nhưng sau 2015, nước ta sẽ phải dùng 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ. Đây là vấn đề không còn an toàn.
 
Vì vậy, ĐB Trần Du Lịch đề nghị nên cổ phần hóa các DN thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.
 
“Quan điểm tôi là phải duy trì DNNN, nhưng chỉ duy trì trong 3 lĩnh vực là công nghiệp quốc phòng, an ninh; các ngành then chốt mà để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và các lĩnh vực phục vụ lợi ích công cộng. Còn lại chúng ta mạnh dạn thoái vốn ở từng tổng công ty một, theo tổng công ty chứ không phải công ty con và dùng cái này để làm vốn đối tác trong vấn đề dự án PPP và đầu tư mạnh về một số công trình hạ tầng.
 
Nếu không làm vậy chúng ta sẽ tiếp tục thâm hụt ngân sách, vấn đề này tôi đã đề nghị tại kỳ họp trước, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo chưa nghiên cứu kỹ. Tôi đề nghị đưa vấn đề này vào nghị quyết tạo cơ sở để thực hiện, đấy là con đường giải quyết, tôi xin thưa rằng không có con đường nào khác để giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách và xử lý bài toán thâm thủng ngân sách hiện nay”, ông Lịch nói.
 
Bên cạnh đó, phân tích những nguyên nhân khiến nước ta rơi vào tình trạng thâm hụt nặng về ngân sách, ĐB Trần Du Lịch đã chỉ ra 5 nguyên nhân:
 
Thứ nhất là nỗ lực để đầu tư đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – đây là nguyên nhân tích cực nhưng vẫn gây bội chi.
 
Thứ hai là thực hiện chính sách xã hội nhằm giảm phân hóa giàu, nghèo, cách biệt nông thôn, đô thị... đây cũng là nguyên nhân tích cực, gây bội chi.
 
Thứ ba là liên quan đến thể chế phân bổ ngân sách, việc duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi, đâu là ngân sách quốc gia, đâu là ngân sách địa phương.
 
Thứ tư là vung tay quá trán trong chi tiêu. Xây dựng trụ sở cơ quan, mua sắm, phải nhận thức rằng việc chi cho xây dựng cơ quan, trụ sở, mua sắm thiết bị văn phòng bên trong, đó là chi tiêu dùng chứ không phải đầu tư. Nếu nhận thức được như vậy thì sẽ tiết kiệm được. Bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả, đẻ ra quá nhiều ghế, khiến bộ máy nhà nước phình to không ngân sách nào chịu nổi.
 
Thứ năm là siết lại kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách; kiểm soát vấn đề thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản. Thí dụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu xem xét lại 4 dự án đã bị nâng quy mô lên một cách vô lý, và đã giảm được hơn 15.000 tỷ đồng. Nếu không làm như vậy thì đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý đó; tất cả các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục rà soát lại các dự án để tránh lãng phí cho ngân sách.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo