Xã hội

Những phát ngôn “chống tham nhũng” ấn tượng nhất năm 2013

Trong khi ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm VPQH đưa ra 5 biện pháp bắt “sâu” tham nhũng, thì ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ nhấn mạnh: “Cán bộ không thể nghèo, nhưng cũng không được hèn”.

 Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ

Cán bộ tốt, nhưng khi có địa vị thì trở thành xấu

Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ, một số cán bộ trước khi được bổ nhiệm thì họ là người tốt, nhưng khi có địa vị thì lại thiếu tu dưỡng và rồi trục lợi cho bản thân, đó là chuyện không hiếm.
 
“Theo tôi, đã là cán bộ thì không thể nghèo, nhưng cũng không được hèn. Nhà nước cần phải có chính sách đãi ngộ tốt, công khai, minh bạch về các đãi ngộ với từng vị trí lãnh đạo. Ngược lại, với từng cán bộ phải làm hết sức mình và trong sáng, còn nếu ai muốn làm giàu nhanh thì nên đi làm kinh doanh, chứ đừng làm cán bộ để trở nên giàu có. Đấy là tiền mồ hôi nước mắt của dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ cho hay, Ủy ban KTTW đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, trong đó chỉ rõ: Mối quan hệ không bình thường giữa quan chức với DN là một dạng tham nhũng đặc biệt dẫn đến nhóm lợi ích.
 
Nó có thể chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Nó làm chậm sự phát triển của đất nước, vì tạo ra môi trường kinh doanh thiếu sự lành mạnh, nếu không muốn nói thẳng ra là tiêu cực. Quan chức thì dàn xếp để DN được hưởng ưu đãi, còn DN thì đáp ứng các phương tiện để quan chức chạy chọt, leo cao hơn… rồi chuyện cung cấp những dịch vụ khác như là chơi Golf, du học cho con cái… cũng đã xuất hiện.
 
Ông Hùn nhấn mạnh: “Lâu nay, chúng ta nói kê khai tài sản, nhưng lại làm hình thức, chiếu lệ cho xong. Người dân nhìn thấy quan chức có nhà to, vợ con họ đi xe hơi đẹp… vậy thì tại sao các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng lại không biết? Hoặc là biết nhưng có xử lý không? Theo tôi, mọi việc phải được tiến hành từ trung ương, vì trên có nghiêm khắc thì dưới sẽ phải tuân theo. Cán bộ, lãnh đạo cấp trung ương mà gương mẫu đi trước thì các cấp dưới dù không muốn cũng không thể chối từ. 
 
Vừa rồi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhắc đến một ý rất quan trọng khi nói về việc xây trụ sở nhà quốc hội, trụ sở của các cơ quan Đảng, của các Bộ, đã yêu cầu “Cái gì của Đảng, Chính phủ, Quốc hội tuyệt đối đừng để dân có tiếng ra, tiếng vào, các đồng chí phải làm rất kỹ, nghiêm túc”. Tôi cho rằng, minh bạch như vậy là rất đáng hoan nghênh, rất đáng quý và nó sẽ là “cú hích” cần thiết trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”.
 
Bài bày kế bắt sâu tham nhũng
 
 Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm VPQH
 
Tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ bức xúc vì số vụ việc tham nhũng chuyển sang xử lý hình sự quá ít, đa số vụ việc phát hiện là tham nhũng vặt, khiến cho dư luận phải đặt một dấu hỏi nghi ngờ về năng lực chống tham nhũng của các cơ quan công quyền. Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm VPQH khẳng định, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay chưa thành công, đồng thời chỉ rõ 5 điều “cốt tử” trong phòng chống tham nhũng:
 
Thứ nhất, hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng cần được hoàn chỉnh hơn nữa: Lâu nay, chúng ta mới chỉ coi trọng tới các văn bản có liên quan trực tiếp tới phòng chống tham nhũng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta phải đổi mới tư duy. Phòng chống tham nhũng có liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, cho nên phải đươc đề cập trong tất cả các văn bản pháp luật có liên quan.
 
Đối với các luật trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước...cũng còn nhiều vấn đề chưa ổn. Bộ máy công quyền kém hiệu lực và tham nhũng. Vì thế đều cần phải có những bổ sung nội dung về phòng chống tham nhũng.
 
Nếu coi tham nhũng là nguy cơ, là quốc nạn thì chúng ta phải luôn luôn thường trực trong ý thức mình và thể hiện qua các văn bản pháp luật một cách hoàn chỉnh để phòng chống tham nhũng. Đấy cũng là nâng cao ý thức xây dựng Nhà nước pháp quyền.
 
Thứ hai, Các cơ quan nhà nước cần làm tốt hơn và chịu trách nhiệm đến cùng: Tôi lấy thí dụ như vụ Vinashin, Vinaline. Đây là những vụ việc rất nghiêm trọng, đến bây giờ vẫn chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Ngoài người đứng đầu Chính phủ thì người đứng đầu các Bộ hữu quan chịu trách nhiệm đến đâu. Đấy là vấn đề cần thiết nhưng cái lớn hơn, cái quan trọng hơn là phân tích cho rõ nguyên nhân để tìm ra các giải pháp khắc phục.
 
Thứ ba, chất lượng và hiệu quả của việc kê khai tài sản: Kê khai tài sản là rất quan trọng. Qua việc kê khai tài sản, ta có thể đánh giá chính xác đương sự có tham nhũng hay không. Lâu nay cách kê khai tài sản là thế này: Đương sự kê khai và văn bản đó được đưa vào tập hồ sơ để tham khảo. 
 
Bản kê khai này không có sự xác nhận của cơ quan có trách nhiệm việc nên đúng sai đến đâu thì không xác định được. Số tài sản kê khai thường ít hơn rất nhiều so với cái mà đương sự đang sở hữu. Cách làm như vậy, rất hình thức – đây là lỗ hổng trong công tác phòng chống tham nhũng. Không ít trường hợp, cán bộ về hưu mới lộ ra có nhà to, xe hơi đẹp.
 
Họ có nhiều mẹo lắm, nếu không đi đến cùng thì làm sao phát hiện ra được. Tôi đồng tình với nhận định của ông Ksor Phước tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội vừa qua “Đó là những con cá lớn, ở đó là hàng trăm tỷ đồng chứ không phải vài chục triệu đồng”.
 
Tôi đề nghị cần nghiên cứu, nếu Luật phòng chống tham nhũng không đủ sức chuyển tải các nội dung và trình tự thủ tục của việc kê khai tài sản thì nên có Luật kê khai tài sản. Luật quy định rõ:
 
Một là các khoản thu nhập phải kê khai như tiền lương; các khoản thu ngoài lương như quà tặng từ trong nước; quà tặng từ các chuyến đi thăm nước ngoài; bất động sản; chứng khoán...
 
Hai là thủ tục xem xét xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với tài sản của người kê khai để đạt tới sự minh bạch, công khai. Nếu làm được như vậy thì đây sẽ là mũi đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.
 
Ba là trình tự và thủ tục xử lý đối với những người kê khai không đúng.
 
Thứ tư, cần xác định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức  lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) của Đảng và Nghị quyết 35  của Quốc hội khoá XIII, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành ở Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Kết quả đạt được rất đáng hoan nghênh và trân trọng, đồng thời còn nhiều vấn đề rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn nữa.
 
Chúng ta nhớ lại, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII đã ban hành Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Mặt trận đã làm tốt vai trò chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt ở xã, phường ,thị trấn. Tuy nhiên, Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã bãi bỏ Điều 26 của Pháp lệnh số 34. Đó là điều rất đáng tiếc.
 
Thứ năm, muốn chống tham nhũng có kết quả, cần phải đi đến cùng của mỗi vụ việc: Lâu nay, nhân dân rất không hài lòng với cách giải quyết các vụ tham nhũng không đến nơi đến chốn và đã để lại nhiều dư luận xấu. Theo tôi, cần phát huy cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng cần phải có định kỳ báo cáo, thông tin tới toàn thể nhân dân. Ngay tại phiên họp thứ 21 của Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã bức xúc trước tình trạng xử lý không đến nơi đến trốn, làm chậm chạp, nhiều vụ xử nhẹ, lạm dụng các tình tiết để giảm nhẹ tội cho người tham nhũng.
 
Chống tham nhũng phải tập trung vào chiến dịch bắt hổ
 
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
 
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, chống tham nhũng nên tập trung vào "chiến dịch bắt hổ". Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ, chuột con.
 
Theo ông Tiến, nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong giặc nội xâm tham nhũng chưa bị xát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng, nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.
 
“Tại phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào "chiến dịch bắt hổ". Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con. Có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân. Mèo ăn miếng thịt chẳng tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than”, ông Tiến nói.
 
Cũng theo ôngg Tiến, nhiều ĐBQH còn băn khoăn về việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty, trong khi tập đoàn, tổng công ty không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ "liên minh ma quỷ" đó và hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, sói mòn, thâm hụt thì dường như những người này đang đứng ngoài cuộc, vô can.
 
Ông Tiến chỉ rõ: “Có cán bộ cấp phòng ở một thành phố sau hơn 1 năm tài sản tăng thêm lên đến hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đã tích lũy được cả biệt thự sang trọng, ô tô đắt tiền và vài lô đất trong phố. Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng khi người dân không kiểm soát được thu nhập của các công bộc thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, tai mắt nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch”.
 
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền: “Bắt chuột, phải giữ được mâm cỗ”
 
ĐBQH Lê Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) kể một câu chuyện cụ thể: Có đồng chí làm Phó Chủ tịch tỉnh, đồng chí bảo tôi có 3 máy điện thoại reng đều, từ khi cơ cấu vào Thường vụ, điều sang làm trưởng Ban tuyên giáo tỉnh đến nay không ai gọi cả, tưởng máy hư đem đi sửa, người sửa bảo máy chú vẫn tốt, nhưng rõ ràng những vấn đề người ta quan tâm nhiều, điều đó chứng tỏ có nguy cơ tham nhũng cao, còn những đối tượng không có nguy cơ tham nhũng cao thì chúng ta tính khác, ta cứ nói bình quân thế, cho nên chúng tôi nói phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao để chúng ta đề ra các giải pháp khắc phục tốt hơn.
 
Từ đó, ông Thuyền nhận định: “Nên khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao, để có giải pháp làm cho tốt hơn. Chống tham nhũng của chúng ta bức xúc quá thì cũng không được, phải hết sức bình tĩnh, tham nhũng mình phải nói nó như con chuột khi vào mâm cỗ thì phải lừa ra để bắt, chứ nếu chúng ta bực quá, chúng ta lấy búa đập nát con chuột lại thành ra tan tành ở mâm cỗ thì hỏng. Cho nên mình phải hết sức khôn ngoan, làm sao bắt được chuột mà giữ được mâm cỗ.
 
Anh Dũng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo