Thị trường

Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế

(DNVN) - Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 250 nghìn hội viên hội phụ nữ, trong đó có hơn 46 nghìn phụ nữ là dân tộc thiểu số (chiếm hơn 18%). Những năm gần đây, nhiều chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số (DTTS) đã cố gắng, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Phụ nữ dân tộc Tày ( tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Thế Hà

Theo chị Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch  Hội liên hiệp phụ nữ huyện Định Hóa, hiện nay, với phong trào thi đua phát triển kinh tế sâu rộng, trên địa bàn huyện Định Hóa ngày càng đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ DTTS làm kinh tế giỏi. Trong đó phải kể đến tấm gương tiêu biểu của chị Ma Thị Hằng, một phụ nữ dân tộc Tày, hiện là Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi, Sản xuất nông sản sạch Kim Phượng tại xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, huyện Định Hoá.

Cách đây ít năm gia đình chị Ma Thị Hằng rất khó khăn, chị phải làm nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn không phát triển được. Tìm hiểu thế mạnh của địa phương và bàn bạc với nhiều chị em cùng chí hướng, đồng thời được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, chị đã mạnh dạn huy động vốn, đầu tư và đứng ra thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi, Sản xuất Nông sản sạch Kim Phượng. HTX đã tận dụng diện tích đất để trồng các loại rau tươi, sản xuất các loại miến, mỳ, bún tươi, làm bánh gio.... Ban đầu người tiêu dùng chưa mấy mặn mà với các sản phẩm của HTX, nhưng dần dần với hoạt động tích cực của các thành viên, cộng với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Nhiều khách hàng trong và cả ngoài huyện đã bắt đầu biết đến, sử dụng và đặt hàng của HTX. Năm 2017, lần đầu tiên người tiêu dùng trong và ngoài huyện đã biết đến thương hiệu Mỳ gạo Bao thai cùng một số sản phẩm khác của Hợp tác xã Chăn nuôi, Sản xuất Nông sản sạch Kim Phượng. Theo thời gian, HTX Chăn nuôi, Sản xuất Nông sản sạch Kim Phượng đã trở thành điểm sáng và niềm tự hào trong phong trào phát triển kinh tế của chị em phụ nữ DTTS Định Hóa.

Công ty TNHH giống gia cầm Vạn Phúc (xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình), do chị Đàm Thị Quy, một phụ nữ dân tộc Nùng thành lập đã góp phần xóa đói giảm nghèo. Được biết, từ một hộ nghèo, chỉ có thu nhập từ việc trồng lúa năng suất thấp, chị Quy đã mạnh dạn vay vốn thành lập một trang trại chăn nuôi gà. Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu thức ăn, chăn nuôi và ấp trứng, trang trại gà của chị ngày càng phát triển, tiến đến thành lập Công ty TNHH giống gia cầm Vạn Phúc, được đông đảo khách hàng tín nhiệm. Hiện Công ty có khoảng 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Công ty Vạn Phúc và bản thân chị Đàm Thị Quy đã vinh dự được nhận bằng khen “Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi” của huyện Định Hóa và tỉnh Thái Nguyên.

Đào Nguyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo