Pháp luật

Những thủ đoạn tinh vi rút hàng nghìn tỷ của Phạm Công Danh

(DNVN) - Lợi dụng việc nắm giữ vị trí cao nhất tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng.

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại VNCB đang thu hút sự chú ý của dư luận. Cáo trạng liệt kê hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý kinh tế, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng của Phạm Công Danh và đồng phạm.

Trong tổng số hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại đã gây ra cho Ngân hàng VNCB có khoản tiền là 5.490 tỷ đồng của khách hàng gửi vào ngân hàng nhưng Phạm Công Danh và các đồng phạm lại tự rút ra mà không có chữ ký của người gửi. Đáng chú ý, kể từ khi chính thức điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã đùng nhiều thủ đoạn, lập một loạt hồ sơ khống để rút hàng ngàn tỷ đồng phục vụ mục đích cá nhân.

Theo báo Thanh Tra, lợi dụng Đề án Nâng cấp hệ thống CoreBanking đã được Thủ tướng Chính phủ và NH Nhà nước (NHNN) phê duyệt trước đó (trước thời kỳ ông Danh nắm quyền điều hành), Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng hồ sơ khống để rút tiền từ VNCB.
Cánh tay đắc lực giúp Danh thực hiện hành vi trên có Phan Thành Mai, Phó Tổng Giám đốc Thường trực VNCB.

Phạm Công Danh đến tòa ngày 20/7. Ảnh: Tri Thức Trẻ.

Để hợp thức hóa “thủ đoạn” trên, Phạm Công Danh cũng đã thực hiện trình tự thủ tục theo quy định như: Ngày 11/6/2013, Phan Thành Mai có tờ trình số 48 lên Hội đồng Quản trị (HĐQT) đề nghị thực hiện Đề án Hiện đại hóa công nghệ trong NH. Ngày 12/6/2013, Phạm Công Danh đã thay mặt HĐQT ký Quyết định số 35 về việc thành lập Ban Chỉ đạo hiện đại hóa NH, từ đó lập Đề án Hiện đại hóa công nghệ theo Đề án Tái cơ cấu đã được phê duyệt... tạo dựng nên Cty TNHH Dịch vụ và TM JSC An Phát (Cty An Phát, thực chất là của Phạm Công Danh) cung cấp gói dịch vụ, tư vấn giải pháp nâng cấp hệ thống CoreBanking và hợp đồng được ký với Cty này là 12 triệu USD, chỉ đạo kế toán lập giấy đề nghị chuyển tiền tạm ứng cho Cty An Phát. Phê duyệt nhanh, ký nhanh và ngay sau khi ký thì các ngày 14 và 28/6, VNCB đã chuyển 63,276 tỷ đồng vào tài khoản của Cty An Phát. Việc này Danh không báo cáo với Tổ Giám sát NHNN.

Trong tổng số 63,276 tỷ đồng rút từ VNCB, Phạm Công Danh đã sử dụng trực tiếp 47.537.965.392 đồng để trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích và 13.832.789.608 đồng để chi chăm sóc khách hàng, số tiền còn lại chuyển vào tài khoản đồng sở hữu của Phan Thanh Tùng - Mai Hữu Khương, đến nay tài khoản này không còn số dư.

VNCB mất hang trăm tỷ đồng qua ủy thác trái phiếu

Do cần tiền để trả nợ khách hàng và tái cơ cấu NH, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới tìm mọi cách để có tiền chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh và để né tránh cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện quan hệ trực tiếp giữa Tập đoàn Thiên Thanh với VNCB vì Phạm Công Danh vừa là Chủ tịch HĐQT của VNCB vừa là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Để thực hiện ý đồ trên, Danh đã cùng Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư 900 tỷ đồng cho Quỹ Lộc Việt đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Mục đích là để tiền từ NH VNCB thông qua Quỹ Lộc Việt đầu tư vào trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh thì số tiền ủy thác đó mới quay lại NH để có tiền sử dụng.

 

Do có quen biết với Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc quản lý Quỹ Lộc Việt từ trước, Phan Thành Mai đề xuất phương án ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, tháng 5/2013, Phạm Công Danh và Phan Thành Mai gặp Nguyễn Việt Hà thống nhất các nội dung: Ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 2.000 tỷ đồng với chi phí ủy thác 3% trên tổng mức vốn ủy thác để đầu tư vào trái phiếu do VNCB chỉ định và hợp thức bằng biên bản, nghị quyết của VNCB.

Theo biên bản họp Hội đồng Tín dụng VNCB ngày 20/5/2013, VNCB đồng ý ủy thác không quá 2.000 tỷ đồng cho Quỹ Lộc Việt thay mặt VNCB sử dụng ủy thác đầu tư, để mua - bán các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp do VNCB chỉ định trên nguyên tắc thỏa mãn mức lợi nhuận kỳ vọng của NH, thời hạn ủy thác là 24 tháng, phí ủy thác 3%/năm. Tiếp đó, trong những ngày 22, 25, 28/5, VNCB đã chuyển tiền cho Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng ủy thác đầu tư và 3 tỷ đồng phí dịch vụ. Cuối cùng, số tiền 900 tỷ đồng được chuyển cho Danh, nay không có khả năng thu hồi.

Điều đáng nói ở đây việc VNCB ủy thác đầu tư khi chưa được NHNN chấp thuận bằng văn bản. Điều này là vi phạm quy định tại Điều 5 Khoản 3 Thông tư số 04/2012/NHNN.

Lập khống hợp đồng thuê mặt bằng rút tiền

 

Theo cáo trạng, do cần tiền để sử dụng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền của VNCB hợp thức bằng nghị quyết HĐQT với nội dung ký hợp đồng khống về việc thuê mặt bằng tại số 286 Tô Hiến Thành và số 816 Sư Vạn Hạnh, TP HCM với 2 Cty của Danh (Cty TNHH MTV Trung Dung, Cty Hương Việt). Ngay sau khi ký hợp đồng, Danh đã chỉ đạo chuyển 601 tỷ đồng từ VNCB trả cho 2 Cty này (sau này Cty Trung Dung đã hoàn trả 20 tỷ đồng), sau đó 2 Cty lại chuyển tiền cho Danh sử dụng.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Công Danh đã khai, 2 mặt bằng trên là đất của Quân khu 7, Bộ Quốc phòng cho Tập đoàn Thiên Thanh thuê và đang làm thủ tục chuyển nhượng cho Tập đoàn Thiên Thanh.

“Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là một trong những tội danh đã được Viện KSND Tối cao định tội, từ những thủ đoạn của Phạm Công Danh và đồng phạm...

Vào này 19/7, TAND TP. HCM đã bắt đầu mở phiên sơ thẩm xét xử đại án này. Hôm nay 26/7, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục diễn ra.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo