Pháp luật

Những trò phá rối, gài bẫy doanh nghiệp xuất khẩu

Nếu doanh nghiệp xuất khẩu cứ mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh thì giá cả thị trường sẽ càng lệ thuộc vào nhà nhập khẩu.

Tình hình xuất khẩu về cuối năm càng trở nên căng thẳng. Doanh nghiệp xuất khẩu vừa lo vốn, nguyên liệu vừa phải đối phó với các âm mưu phá rối thị trường của nhà nhập khẩu, thậm chí là của chính doanh nghiệp nước mình. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chia sẻ với Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh những trường hợp thực tế họ đã gặp.

Nào là “đánh tiếng”, tung “đòn gió”…


Nói đến chiêu phá rối ngành xuất khẩu Việt Nam thì không ai nhiều bằng nhà nhập khẩu, mà “đánh tiếng” là một chiêu họ hay dùng.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Gò Đàng, kể: Nhà nhập khẩu chia nhỏ “đội quân” thương lái đến từng vùng nguyên liệu xuất khẩu hỏi mua rầm rộ, thăm dò giá nhưng không ký hợp đồng. Lấy cớ cần mua số lượng lớn, họ đòi hạ giá. Do đang muốn đẩy hàng đi, nhiều doanh nghiệp bán luôn giá thấp làm giảm giá trị hàng xuất khẩu cả nước. Các ngành gạo, điều, cá tra đều gặp tình trạng này.

 

 

 

Ngành cá tra cũng không tránh khỏi tình trạng này.

 


Một chiêu khác là tung “đòn gió”, nghĩa là thông báo không nhập khẩu nữa nhưng rốt cuộc vẫn nhập. Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng Chiêu, mục đích của nhà nhập khẩu là muốn gây tác động, kéo giá nông sản Việt Nam xuống rồi quay lại thu mua. Mới nhất là việc các thị trường truyền thống bỗng dưng thông báo không nhập gạo nữa vì sản xuất trong nước đã đủ cung ứng. Chưa đầy một tháng sau, nhà nhập khẩu Indonesia trở lại mua 300.000 tấn gạo.

Không dừng ở đó, “một số nhà nhập khẩu lớn ở Indonesia còn đặt trụ sở tại Campuchia nhằm “mượn áo” doanh nghiệp Campuchia hưởng ưu đãi thuế. “Họ mua nông sản Việt Nam qua đường tiểu ngạch, chế biến đóng gói tại Campuchia rồi xuất trở lại Indonesia hay bất kỳ thị trường nào cũng không bị đánh thuế cao, lợi nhuận nhiều hơn so với ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là nguyên nhân vì sao gạo chảy qua Campuchia rất nhiều, các thị trường truyền thống kêu đủ gạo và xuất khẩu nông sản chính ngạch giảm số lượng, Nhà nước thất thu thuế” - GS Võ Tòng Xuân nhận định.

Chiêu nữa là khi thấy giá thị trường xuất khẩu xuống thấp thì đòi xù hợp đồng do đã lỡ ký lúc giá cao. Ông Lê Chí Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Hợp Long, cho biết nhà nhập khẩu liên tục ép giá bằng mọi cách như từ chối không nhận hàng, chê hàng xấu, chậm trả tiền… “Có lần chúng tôi phải cử người sang tận Hà Lan để lấy hàng ra khỏi cảng nhằm tránh phí lưu kho cao, đồng thời thuê kho ngoại quan bên đó chờ cơ hội bán cho người khác” - ông nói.

Gà nhà mà cứ đá nhau

Không chỉ lo chống “giặc ngoài”, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đề phòng cả “thù trong”. Bởi có những doanh nghiệp xuất khẩu trong nước (nhất là thủy sản) phá rối thị trường bằng cách chào giá quá thấp để giật hợp đồng. Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, nêu tình trạng một số doanh nghiệp chào bán gạo giá thấp hơn giá sàn hiệp hội quy định, tạo cơ hội cho nhà nhập khẩu ép doanh nghiệp khác phải bán giá thấp theo.

Tại tỉnh Bình Phước, theo phản ánh của ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều xuất khẩu nhỏ lẻ tại đây phát triển quá nhanh, khó thống kê kịp. Các đơn vị này chuyên đi thu mua nhân điều kém chất lượng rồi ra giá rất thấp. Nhà nhập khẩu lợi dụng triệt để điều này để dìm giá bán nhân điều của Việt Nam.

“Nguy hiểm hơn, có doanh nghiệp xuất khẩu lập nhà nhập khẩu con tại Singapore rồi thu mua hàng từ Việt Nam theo kiểu “tự mua chính ta” với giá rẻ. Sau đó, nhà nhập khẩu “mác Sin - ruột Việt” này bán hàng sang nước khác. Mục đích của họ là kiếm lời nhưng lại tạo nên một làn sóng đè giá nội địa lẫn giá xuất khẩu xuống, làm khổ doanh nghiệp làm ăn chân chính, khiến nông dân thua lỗ” - đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu giấu tên tiết lộ.

Phải thanh lọc doanh nghiệp

Với trường hợp nhà nhập khẩu nước ngoài xù hợp đồng, ép giá trái luật, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp cần phản ánh ngay để đăng tên lên website hiệp hội, báo chí trong nước, thậm chí là báo chí ở quốc gia nhà nhập khẩu để cảnh báo.

“Trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều nhà nhập khẩu sẽ làm liều nhằm kiếm lợi ích. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nắm rõ thông tin nhà nhập khẩu, thông tin, hỗ trợ nhau thường xuyên, đừng để doanh nghiệp đi sau giẫm lại bẫy của doanh nghiệp đi trước. Hiệp hội sẽ liên kết với các cơ quan chức năng liên quan phát hiện, xử phạt trường hợp doanh nghiệp thủy sản chế biến xuất khẩu vi phạm chất lượng sản phẩm, bán phá giá làm mất uy tín ngành” - ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, chia sẻ.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, thực hiện phương pháp “ngành xuất khẩu có điều kiện” cũng là một cách lọc ra doanh nghiệp có năng lực (tài chính, máy móc), loại bỏ doanh nghiệp làm ăn chụp giật, xuất hàng kém chất lượng, bán phá giá. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể liên kết hoạt động để đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

 

Mù tịt thông tin, hên xui là chính

Mặc dù các hiệp hội, cơ quan chức năng thường tổ chức các chuyến xúc tiến thương mại ở nước ngoài để doanh nghiệp trong nước tìm khách hàng nhưng doanh nghiệp vẫn phải tự mò mẫm trong việc này. Cái doanh nghiệp cần là thông tin nhà nhập khẩu mình muốn hợp tác thì rất ít được biết. Vụ thị trường ở các nước không cung cấp thông tin này thì doanh nghiệp chẳng biết hỏi ai. Nhiều năm xuất khẩu, chúng tôi không hề nhận được sự giúp đỡ từ cơ quan này, chỉ biết đặt niềm tin vào nhà nhập khẩu mối quen. Khả năng ký hợp đồng với nhà nhập khẩu mới thì… hên xui.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đa ngành


Việt Anh (Theo Pháp luật TP.HCM)
 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo