Xã hội

Những từ hot ngành giao thông: Lún nứt, cong mềm mại, ruộng bậc thang

Đó là các cụm từ thông dụng hiện nay có thể dùng để mô tả các tuyến đường tại Việt Nam.

Hà Nội sẽ giữ đường Trường Chinh “cong mềm mại”

Ngày 21/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 2, đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở (đường Trường Chinh).
Sau khi nghe Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng báo cáo tiến độ và những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã cho biết: “Chủ trương nhất quán của thành phố là quyết tâm thực hiện dự án đường Trường Chinh theo tiến độ, kế hoạch đã phê duyệt ban đầu và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015".
 
Đối với vướng mắc do chưa có quỹ nhà tái định cư, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu, khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố, hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, được bố trí tái định cư, trong đó có việc hỗ trợ bằng tiền tự lo nơi tái định cư theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định hiện hành.
 
Mặt đường bị lún sâu sau khi đưa vào sử dụng
 
Đối với một số hộ gia đình không có nhu cầu mua nhà tái định cư, có nguyện vọng được hỗ trợ bằng tiền mặt, UBND thành phố thống nhất thí điểm thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân.
 
Với chỉ đạo trên của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, dự án mở rộng đường Trường Chinh sau khi được báo chí và dư luận biết đến với nghi án “bẻ cong” để đáp ứng lợi ích của một số cá nhân, gần như chắc chắn sẽ tiếp tục được triển khai theo một “đường cong mềm mại”.
 
Ruộng bậc thang không phải chỉ Tây Bắc mới có
 
Nói như vậy, sở dĩ là nhiều tuyến đường cao tốc hiện nay vừa khánh thành xong đã lún, nứt. Hơn 20km quốc lộ 5 từ Hải Phòng đi Hà Nội vừa mới được nâng cấp đưa vào sử dụng một thời gian ngắn nay đã nham nhở.
 
Tuyến đường vừa được nâng cấp hồi đầu năm 2014 với mức kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đường vừa nâng cấp xong, mặt đường còn nhẵn bóng, nguyên màu nhựa mới mà đã xuất hiện nhiều vết lún sâu hoắm.
 
Dọc tuyến đường này bắt đầu từ ngã tư Big C trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh đến hết địa phận Hải Phòng là những đường rãnh lún sâu kéo dài như những con mương. Nhiều điểm lún có độ sâu tới hơn 10cm.
 
Đây không phải là trường hợp đầu tiên các tuyến quốc lộ vừa nâng cấp hay đưa vào sử dụng bị sụt lún, xuống cấp trầm trọng. Trước đó, mặt đường Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long vừa hoàn thiện xong xong đã bị sụt lún kéo dài.
 
Không chỉ có mặt đường sụt lún có rất nhiều cầu vượt bị sụt lún, trồi nhựa. Sau hơn 15 tháng đưa vào sử dụng và đã qua một lần sửa chữa, đến nay cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức tiếp tục có hiện tượng hư hỏng tạo rãnh và trồi nhựa gây mất ATGT.
 
Được đánh giá là dự án chiến lược về quy hoạch phát triển giao thông đô thị của TP HCM, đại lộ Đông Tây được đầu tư xây dựng với tổng số vốn lên đến hơn 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đưa vào sử dụng để giảm tải cho liên tỉnh lộ 25B, mặt đường phía quận 2 từ giao lộ Đồng Văn Cống - đại lộ Đông Tây đến cầu vượt Cát Lái bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt, lún, nhiều chỗ bị nứt.
 
Tất cả các đoạn đường cứ chỗ lồi, chỗ lõm, nhìn đúng như ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Tây Bắc.

Đường lún, nứt chuyện bình thường
 
Như vậy sao đã đủ, thời gian gần đây, hàng loạt các tuyến đường cao tốc, quốc lộ nghìn tỷ vừa thông xe đã lún, nứt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong đó nặng nhất là đoạn từ giao lộ đại lộ Đông Tây - Liên tỉnh lộ 25B đến giao lộ đại lộ Đông Tây - Lương Định Của. Khoảng 800 m đường bị lún hẳn xuống theo lằn bánh xe, bê tông nhựa bị trồi lên, gợn sóng, ôtô chạy bị dằn xóc mạnh, có đoạn bị lún sâu hơn 10 cm.
 
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương cũng có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2004, tổng chiều dài 62 km. Chỉ 4 tháng sau khi được thông xe, đường dành cho ôtô với tốc độ tối đa đến 100 km đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, nền đường bị lún.
 
Chung hoàn cảnh, sau 5 tháng thông xe, mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên (Nam Định), bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường bị xé loang lổ, nhiều hố sâu xuất hiện tạo những “ổ voi”, gây khó khăn cho hàng chục nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày.
 
Các tuyến đường nhấp nhô như ruộng bậc thang
 
Nghiêm trọng như là tuyến đường trên cao vành đai 3, đoạn từ hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch được khởi công tháng 6/2010 và tháng 10/2012 được đưa vào sử dụng. Không chỉ là đường trên cao đầu tiên ở Việt Nam dành riêng cho ôtô chạy suốt với tốc độ đến 80 km/h, tuyến cao tốc này còn ghi nhận kỷ lục thi công vượt tiến độ của ngành giao thông Việt Nam.
 
Tuy nhiên, khi mới sử dụng được gần một năm, mặt cầu xuất hiện vệt lún kéo dài vài trăm mét trên đoạn Nguyễn Xiển vượt nút giao Thanh Xuân, đến đường Khuất Duy Tiến. Có đoạn lún sâu 2 - 3 cm.
 
Có lẽ, không ở quốc gia nào có hình hài các tuyến đường cao tốc đa dạng như ở VN, vì vậy nên người Việt được xếp hạng một trong 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới âu thì cũng phải.

 

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo