Chân dung

Những tỷ phú nào "chống lưng" Olympic Sochi 2014?

Olympic Sochi 2014 là kỳ Thế vận hội mùa Đông đắt đỏ nhất trong lịch sử, với tổng kinh phí xấp xỉ 50 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền lớn này không chỉ từ nguồn ngân sách quốc gia mà có cả sự đóng góp của các tỷ phú.

Tỷ phú Iskander Makhmudov.

Hai bên cùng có lợi

Ngân sách quốc gia là tiền của dân, dĩ nhiên Nga không thể sử dụng tùy tiện bởi cặp bài trùng Putin - Medvedev còn muốn giữ hai vị trí quyền lực tối cao của xứ Bạch Dương thêm một thời gian nữa. Hai nhân vật đứng đầu nước Nga là chính trị gia, nhưng trước tiên họ cũng là những doanh nhân tài ba, nên nguyên tắc kinh doanh chủ yếu là: Hợp tác cùng có lợi.

Thủ tướng Nga Medvedev (từng là lãnh đạo của Hãng dầu khí khổng lồ Gazprom, nhà tài trợ cho nhiều CLB bóng đá nổi tiếng như Zenit St Petersburg hay Schalke 04) đã vận động nhiều đồng nghiệp của mình trên thương trường để cùng hợp sức đưa Sochi thành kỳ Thế vận hội hoành tráng nhất trong lịch sử. Mối quan hệ giữa ông và tỷ phú Iskander Makhmudov đã đem về cho Sochi số tiền gần 9 tỷ USD tài trợ, từ các công trình đường sắt (sở trường của Makhmudov) cho đến các sân băng, công trình, phương tiện di chuyển công cộng…

Tất nhiên, đổi lại với khoản tài trợ khổng lồ kể trên, Makhmudov sẽ được nêu tên trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới, là Mạnh Thường Quân số một của Sochi. Xem như là một cách quảng cáo đắt đỏ nhưng hữu dụng mà Makhmudov và bộ sậu của mình đã tính trước, với mục đích: Phô diễn sức mạnh tài chính của tập đoàn do tỷ phú này đứng đầu, từ đó kiếm các đối tác kinh doanh mới với tổng vốn hợp tác lên đến nhiều tỷ USD.

Tỷ phú Arkady Rotenberg.

Makhmudov không phải ngoại lệ. Gần chục tỷ phú khác cũng đầu tư mạnh vào Sochi, ví dụ Arkady Rotenberg (7,5 tỷ USD), Oleg Deripaska (3,0), Vladimir Potanin (2,5)… Cổ đông lớn thứ hai của Arsenal là tỷ phú gốc Azerbaijan Alisher Usmanov cũng góp hơn 250 triệu USD cho Sochi.

Xu hướng thời thượng

Tỷ phú tài trợ, vận động cho sự kiện thể thao lớn đã trở thành xu hướng quen thuộc trong thời gian gần đây. Ví dụ, khi LĐBĐ thế giới FIFA trao quyền đăng cai VCK World Cup 2018 cho Nga, World Cup 2022 cho Qatar, tác nhân cho hai thắng lợi hết sức bất ngờ đó là hai cái tên không có gì bất ngờ: Roman Abramovich và Mohammed Bin Hammam.

Abramovich mua Chelsea năm 2003, mở ra một trang sử mới cho giải Ngoại hạng Anh (giải bóng đá số một hành tinh) đồng thời giúp tỷ phú Nga này trở thành nhân vật quyền lực (tuy thầm lặng) của bóng đá thế giới.

Abramovich là một nhà ngoại giao tài ba, điều đó thể hiện rõ khi Chelsea chiêu mộ được CEO của M.U là Peter Kenyon và siêu cò số một thế giới Pini Zahavi. Nhưng đó mới chỉ là chuyện nhỏ. Tờ Express (Nga) từng có bài viết: Abramovich đã mang World Cup 2018 về cho nước Nga như thế nào?

Tương tự, Bin Hammam (cựu chủ tịch LĐBĐ châu Á, Phó chủ tịch FIFA) đã giúp nước nhà Qatar chiến thắng trong cuộc đua đăng cai VCK World Cup 2022. Rải tiền, trao đổi quan hệ, dùng sức mạnh quyền lực và tài chính là chiêu quen thuộc của Bin Hammam, nhưng có lúc vì khinh suất và tham vọng quá mức (dám tranh chức Chủ tịch FIFA với Sepp Blatter) mà tỷ phú Qatar này đã dính đòn hồi mã thương: Bị tố cáo hối lộ, mất hết chức, dẫn đến cấm tham gia hoạt động bóng đá suốt đời. Bin Hammam bị cho là “mua World Cup” cho Qatar, nhưng quốc gia này vẫn không bị tước quyền đăng cai VCK World Cup 2022.

Theo Báo GTVT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo