Những tỷ phú người Jơrai đầu tiên ở Tây Nguyên
Tây nguyên, sáng trời se lạnh, ngàn vạn hoa cúc quỳ khoe sắc vàng như chào đón tiết trời vào xuân. Chúng tôi đến vùng biên giới Đức Cơ tỉnh Gia Lai, nơi đây có những ngôi làng của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đã thoát khỏi cảnh nhà tranh vách đất dựng lên một bức tranh “làng nhà Thái” tuyệt đẹp, nhiều đứa con của buôn làng đã biết trồng cao su, cà phê, tiêu , điều… để làm nên tỷ phú.
Những tỷ phú cà phê, cao su
Người Jơrai ở làng Chan đã làm nên một chuyện cổ tích, một điều kỳ diệu ở vùng biên giới, từ một làng nghèo khó, chỉ trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, bà con đã tập trung lao động, biết tích luỹ để làm giàu, nhiều biệt thự vườn kiểu nhà Thái cũng mọc lên quay mặt ra đường nhựa như chứng tỏ sự giàu sang của một làng “nông thôn mới”.
Tỷ phú Gan bên vườn tiêu, cà phê. |
Giới thiệu với chúng tôi vườn tiêu đang thu hoạch, anh Ksor Găn (33 tuổi- dân tộc Jơ rai) khoe: “Vụ thu hoạch này, riêng tiêu nhà mình cũng thu về khoảng 100 triệu đồng. Ngoài nhận khoán 3 ha cao su, nhà còn trồng thêm 2 ha cao su, 1 ha mì và 5 sào cà phê… nếu trời cho, năm nay nhà mình thu về cũng gần một tỷ đồng.
Ngoài chiếc xe tay ga Air Blade mới mua gần 50 triệu đồng, nhà mình cũng vừa đóng bộ bàn ghế gần 100 triệu đồng nữa. Đến nay, mình đã tậu được 6 xe máy xịn rồi! Có chiếc đi chơi, có chiếc chỉ để đi làm cũng vui phải không anh! Sau mình còn rất nhiều tỷ phú chân đất thu nhập mỗi năm cũng từ 400 - 700 triệu đồng.
Mấy năm qua, nhờ sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ Công ty 72 về cây giống, lương thực, thực phẩm và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc khai thác cao su, cà phê…thu nhập trung bình của các hộ dân trong làng đạt trên 100 triệu đồng/năm và 30% số hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đến nay, trong làng hầu hết đã có nhà xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, xa máy, bếp ga... nhà nào ít thì 2 xe máy.
Cả làng đều có nhà xây
Chiều tìm dần trong hơi lạnh của núi, mặt trời trốn dần xuống ngọn những rừng cao su, cà phê bạt ngàn, chúng tôi tìm về làng Boong, xã Ia Dưk, huyện Đức Cơ (Gia Lai) từ lâu đã trở thành “làng triệu phú” và anh Brao, cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15), người tỷ phú Jơrai đầu tiên ở Tây Nguyên mua két sắt về đựng tiền sau một vụ thu hoạch.
Trong ngôi nhà hai tầng nằm giữa khuôn viên xanh của nhiều cây trái, Brao thân mật kể: “Nhờ cán bộ, chiến sĩ Công ty 75 vận động, giúp đỡ từ san lấp mặt bằng, đến cung cấp cây giống, cách trồng và tuyển nhân công nên đã thoát được cái đói, cái nghèo, học thêm kỹ thuật canh tác các loại cây công nghiệp, từ đó mình và người dân ở đây chuyển nương rẫy lâu nay chỉ tỉa lúa, trồng mì sang trồng cà phê, cao su, điều…
Hiện tôi đã có hơn 10 ha cao su, 7ha cà phê và 3ha điều, một vụ thu hoạch trừ chi phí còn hơn tỷ đồng”. Brao còn khoe vừa xây xong ba ngôi nhà tặng cho con trước khi nó bắt chồng, cưới vợ. Hiện, gia đình anh đã mua 6 chiếc xe máy để làm cà phê, cao su, mua một chiếc xe khách 14 chỗ ngồi kinh doanh và một chiếc Dylan cho con lên phố huyện học
Làng Boong có 135 hộ dân, trung bình mỗi nhà có từ 1 - 3 người làm công nhân cao su và nhận khoán từ 2 - 3 xuất cạo (khoảng 2-3 ha cao su), lương bình quân một tháng từ 4 triệu đồng trở lên; ngoài ra bà con còn thu nhập thêm từ cà phê, hạt điều mỗi năm cũng đem về từ 50 - 100 triệu đồng.
Có tiền, dân bản mua sắm các vật dụng sinh hoạt đắt tiền trong gia đình như xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy xay xát; xe tải nhỏ và cả xe khách… Ở làng Boong, tất cả hộ dân đều đã có nhà xây, mái ngói, trong đó có gần 1/2 số hộ xây nhà “mái Thái” rất đẹp.
100% trẻ em đủ tuổi đến trường học tập, tất cả đều được Nhà nước hỗ trợ sách vở, giấy bút và cả tiền học phí; các cháu nhỏ thì vào học ở các trường mẫu giáo của Công ty 75 và cũng được Công ty hỗ trợ tiền ăn hằng ngày, cha mẹ không còn cảnh “tay dắt, nách mang, lưng cõng” như những ngày đói khổ xa xưa nữa.
Cũng như những gia đình khác, làng RơMahChiu cũng mới xây được nhà “năm mái” tôn đỏ, trông rất đẹp. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: “Nghe bộ đội nói, làm theo bộ đội làm, nên đến nay dân Boong đã trồng trồng được trên 300 ha cao su, gần 200 ha cà phê, điều và nhiều loại cây ăn quả khác.
Gia đình chị H’Phí và nhà thằng Mrao, thằng KpuiƠ và nhiều gia đình trong làng mỗi năm thu nhập cả tỷ bạc. Đời sống của đồng bào Jơrai ở làng Boong bây giờ đổi thay nhiều quá rồi, nhờ bộ đội Công ty 75 tiếp sức đó; những thành quả có được nhiều người cứ ngỡ như mơ, nhiều đời cha ông kế tiếp lao động vất vả mà không có được".
“Vương quốc” của những tỷ phú hồ tiêu
Huyện Chư Sê (Gia Lai), một vùng nông thôn trù phú, phát triển bậc nhất ở Tây Nguyên, không chỉ vang danh về hồ tiêu mà đang nổi lên như một hiện tượng hiếm thấy của nông thôn Việt Nam. Sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất mới này là minh chứng hùng hồn cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở cao nguyên.
Từ hồ tiêu toàn huyện có hơn 300 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm và 800 hộ thu nhập từ 700 triệu đến gần 900 triệu đồng. Tiêu biểu cho những tỷ phú ở vùng đất này có ông Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Phước Thiện, Hà Đình Thủy ở thôn 6, xã La B’Lang; Võ Ngọc Hoàng ở La Phang; Nguyễn Văn Quéo ở thị trấn Chư Sê... là những hộ có thu nhập vài tỷ đồng một vụ.
Hiện xã Nhơn Hoà đã có khoảng 300 ha tiêu. Số thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên có 20 hộ. Riêng thôn Hoà An, số có thu nhập từ nửa tỷ đồng trở lên cũng đã 40 - 50 hộ, còn số dưới đó thì không kể hết.
Đặc biệt, ở các thôn thuần nông, đa số là đồng bào dân tộc, các ông B’Lin, Rơ Lan Kót ở Plei (làng) Tao, xã Ia Phang; Rơ Lan Ke ở Plei Ten, xã Ia H’rú... thu nhập từ hồ tiêu và một số cây trồng khác, một năm cũng lên đến từ 500- 700 triệu đồng, cũng được người dân địa phương xếp vào hàng tỷ phú. Một xã “đặc sệt” nông dân mà có đến 15 chiếc xe du lịch, trong đó có những chiếc gần tỷ bạc.
Trong ngôi biệt thự rộng rãi nằm giữa khu vườn bạt ngàn cây trái, tường nhà và các loại vật dụng toàn ốp gỗ đắt tiền, tỷ phú Rơ Lan Kót (người Jơrai) kể, lúc anh mới đưa cây tiêu về trồng trong vườn, cả làng như loạn lên đòi phạt vạ vì cho rằng anh đã đưa tai hoạ về. Ngay cả vợ con anh cũng không tin.
Phải mất cả năm anh mới thuyết phục được vợ con và dân. Cuối cùng thì bằng ý chí và nghị lực, anh không chỉ đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo, mà còn tạo nên một cuộc cách mạng trong nếp nghĩ của dân làng. Ở Plei Tao bây giờ, nhà nào cũng có hồ tiêu. Riêng gia đình ông vừa rồi thu được trên 600 triệu đồng.
Chỉ trong vòng một, hai năm tới, chắc chắn có không ít hộ sẽ đuổi kịp Nhơn Hoà. Cách đây 3 năm, cả huyện Chư Sê mới chỉ có 200 tỷ phú, năm nay đã có hơn 300. Với đà này, nếu giá hồ tiêu ổn định thì chỉ 5 năm tới, số hộ tỷ phú ở Chư Sê phải tới hàng nghìn.
Xuân đang về, nắng Xuân óng ả trên những cánh rừng hồ tiêu, cà phê, cao su xanh tốt. Một Tây Nguyên đang khởi sắc...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định